Hiện miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng bắt đầu bước vào mùa mưa, đây cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa dịch sốt xuất huyết. Theo thống kê từ CDC Hà Nội, từ ngày 14/5 đến 20/5, Hà Nội ghi nhận 15 ca mắc sốt xuất huyết tại 10 quận, huyện (Ba Đình, Ba Vì, Nam Từ Liêm, Đống Đa, Thanh Xuân, Mê Linh, Mỹ Đức, Sóc Sơn, Chương Mỹ, Phúc Thọ), tăng 7 ca so với tuần trước đó. Cộng dồn từ đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận 47 ca mắc sốt xuất huyết, giảm khoảng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
Mặc dù con số cùng kỳ so với năm 2021 có giảm nhưng các chuyên gia cảnh báo, người dân tuyệt đối không nên chủ quan. Bác sĩ Nguyễn Thu Hường, Trưởng Khoa Bệnh Nghề nghiệp (Bệnh viện Thanh Nhàn) cho biết, tính theo chu kỳ 5 năm đỉnh dịch xuất hiện một lần thì năm 2022 dịch sốt xuất huyết vào đúng chu kỳ “lên đỉnh” (năm 2017 đỉnh dịch đã xảy ra).
Tuy nhiên, năm nay do thời tiết có nhiều biến động, cụ thể thời điểm tháng 5 vẫn có thời tiết lạnh, vì thế có thể dịch sẽ bùng muộn hơn, vào khoảng tháng 7, tháng 8, do vậy người dân tuyệt đối không nên chủ quan.
Theo bác sĩ Hương, tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã bắt đầu tiếp nhận một số ca mắc sốt xuất huyết phải nhập viện điều trị, số bệnh nhân tuy chưa nhiều nhưng lại có một số vấn đề đáng cảnh báo để tránh trường hợp đến viện trong tình trạng nặng.
Nam bệnh nhân đang điều trị tại BV Thanh Nhàn trước đó nghĩ mình bị COVID-19 nên vào viện muộn.
Điển hình như một nam bệnh nhân đang điều trị tại viện, nhập viện khi sốt 3 ngày vì chủ quan mình mắc COIVD-19. Khi nhập viện, bệnh nhân rất mệt mỏi, tiểu cầu giảm nhưng may mắn chưa xuất hiện tình trạng xuất huyết nội tạng, dưới da...
Không may mắn như trường hợp này, trước đó một nam thanh niên 26 tuổi, mắc sốt xuất huyết đúng lúc dịch COVID-19 cao điểm (năm 2021) nên ngại đến viện thăm khám. Khi xuất hiện tình trạng nặng, được đưa vào viện thì tiểu cầu của bệnh nhân đã giảm gần như bằng 0, bị biến chứng tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng tim, xuất huyết nhiều nơi. Trường hợp này sau đó được cứu sống nhưng khó tránh khỏi di chứng lâu dài.
Từ những trường hợp trên, bác sĩ Hương cảnh báo, mọi người khi có dấu hiệu bất thường cần đến cơ sở y tế để thăm khám, từ đó bác sĩ sẽ chỉ định xem có cần nhập viện hay không. “Biến chứng nguy hiểm nhất của sốt xuất huyết là giảm tiểu cầu, từ đó dẫn tới tình trạng xuất huyết não, xuất huyết dưới da, xuất huyết nội tạng… Trong đó xuất huyết nội tạng rất nguy hiểm, nguy cơ tử vong cao”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Nhầm lẫn sốt xuất huyết với bệnh khác
Bác sĩ Hương cho rằng, nhiều trường hợp nhập viện gần đây thường nhầm lẫn sốt xuất huyết với COVID-19. “Khi có biểu hiện sốt, nhiều người nghĩ mình bị COVID-19 nên chủ quan, cho rằng đã tiêm vắc xin rồi chỉ 1-2 ngày sẽ đỡ. Thậm chí có trường hợp test âm tính thì lại càng yên tâm hơn. "Đây thực sự là vấn đề rất đáng cảnh báo, vì mắc sốt xuất huyết tiểu cầu giảm nhanh, nếu không được can thiệp thì sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ Hương cảnh báo.
Sốt xuất huyết thường sốt cao, kèm đau đầu dữ dội. Ảnh minh họa.
Do sốt xuất huyết và COVID-19 giai đoạn đầu đều có triệu chứng sốt, mệt mỏi nên mọi người cần chú ý mới có thể phân biệt được. Cụ thể:
- Với COVID-19, hiện nay đa số mọi người đã được tiêm vắc xin nên triệu chứng sẽ nhẹ, chỉ ngây ngấy sốt, thường ở mức dưới 39 độ C, cơ thể cũng chỉ hơi uể oải, chứ không đau mỏi nhiều. Hơn nữa COVID-19 có thể test nhanh, nếu âm tính thì cần nghĩ đến vấn đề khác, trong đó có sốt xuất huyết.
- Với sốt xuất huyết: Bệnh nhân thường sốt rất cao, thậm chí trên 40 độ. Ngoài đau mỏi người, đau cơ thì còn xuất hiện những cơn đau đầu dữ dội. Hơn nữa, sốt xuất huyết cần phải lấy máu xét nghiệm mới đưa ra kết quả chính xác. Sốt xuất huyết giai đoạn sau có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, xuất huyết tiêu hóa...
“Nói như vậy không có nghĩa ai mắc COVID-19 cũng nhẹ, có trường hợp cá biệt bị bội nhiễm, xuất hiện triệu chứng nặng. Do vậy, khi có bất thường về sức khỏe, tốt nhất nên đến viện để được thăm khám, chẩn đoán chính xác nhất”, bác sĩ Hương chia sẻ.
Cho rằng đã mắc sốt xuất huyết sẽ không tái lại
Theo bác sĩ Hương, không ít người cho rằng sốt xuất huyết đã mắc một lần là có miễn dịch và không mắc lại. Điều này không đúng bởi sốt xuất huyết có nhiều tuýp khác nhau và có thể mắc lại nhiều lần. Mỗi lần mắc bệnh là do một tuýp virus khác nhau, do cơ thể chỉ tạo ra miễn dịch với tuýp virus đó chứ chưa có khả năng chống lại các tuýp còn lại.
Ở tầng cao thì không sợ bị muỗi đốt, không mắc sốt xuất huyết
Những cư dân ở chung cư cao tầng thường chủ quan, nghĩ rằng muỗi chỉ ở vùng ẩm thẩm, không lên được tầng cao nên mình không có nguy cơ mắc bệnh. Bác sĩ Hương cho rằng, đúng là ở tầng cao muỗi ít hơn so với nơi ẩm thấp nhưng không phải là không có muỗi. Muỗi có thể đi theo đường thang máy và trú ẩn trong nhà, thậm chí là sinh sôi, nảy nở ở các dụng cụ chứa nước như lọ hoa, hay khay nước sau tủ lạnh... “Trường hợp chỉ cần một con muỗi mang virus đốt người bình thường là đã có thể gây mắc bệnh, do vậy chúng ta không chủ quan”, bác sĩ Hường cảnh báo.
Để phòng bệnh sốt xuất huyết, vị chuyên gia này khuyên người dân nên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, lật úp dụng cụ đựng nước, ngủ mắc màn. Với trường hợp mẹ có con nhỏ nếu mắc sốt xuất huyết không nên dừng cho con bú, vì sốt xuất huyết lây qua vật chủ trung gian là muỗi chứ không lây qua sữa mẹ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn