Bác sĩ chỉ ra sai lầm của người mắc căn bệnh cứ 8 giây lại có 1 trường hợp tử vong

11:17 | 24/11/2019;
Trên thế giới, cứ mỗi 8 giây trôi qua lại có 1 người chết do đái tháo đường. Tại Việt Nam hiện có trên 5 triệu người bị tiểu đường. Không ít bệnh nhân đái tháo đường quan niệm và điều trị sai bệnh.

Hiện trên toàn thế giới, có gần 430 triệu người đang sống chung với bệnh đái tháo đường/tiểu đường. Đáng nói là cứ 2 người bị đái tháo đường thì 1 người không biết mình bị bệnh. Điều trị đái tháo đường rất tốn kém cho bản thân người bệnh và gia đình, có thể chiếm tới 1/2 thu nhập của gia đình. 

Theo TS.BS Nguyễn Quang Bảy, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Bạch Mai, người mắc đái tháo đường thường có những sai lầm hay gặp sau:

Kiêng hoàn toàn tinh bột và đường

Rất nhiều bệnh nhân đái tháo đường nghĩ rằng chỉ cần kiêng tất cả các loại đường, tinh bột sẽ mang lại những hiệu quả nhất định trong kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đúng bởi một bữa ăn của người đái tháo đường cần phải có đầy đủ và cân đối các thành phần tinh bột, protein, lipid…

 

Tư vấn dùng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường

 

Chỉ cần theo dõi đường máu vào buổi sáng

Nhiều người bệnh cho rằng bản thân theo dõi đường máu rất tốt, tuần nào cũng thử đường máu vào buổi sáng khi đói nhưng không hiểu sao vẫn bị biến chứng? Đây là một sai lầm vì theo dõi đường máu sau ăn là việc làm rất quan trọng bởi đường máu sau ăn quá cao cũng gây ra rất nhiều biến chứng cho người bệnh. Do đó, người bệnh bắt buộc phải theo dõi cả đường máu lúc đói và sau ăn và không phải chỉ 1 lần/tuần mà cần phải theo dõi nhiều lần trong một ngày cho đến khi đường máu ổn định rồi thì sẽ giảm dần số lần thử đường máu. Mục tiêu đường huyết sau ăn 1-2 giờ là dưới 10mmol/L.

Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 đa phần là người lớn tuổi, bên cạnh đái tháo đường họ có các bệnh lý khác như tăng huyết áp, tim mạch, rối loạn chuyển hóa mỡ máu… Thế nhưng người bệnh mới chỉ kiểm soát đường máu mà quên đi mất 2 yếu tố tăng huyết áp và rối loạn lipid máu cũng là yếu tố nguy cơ tác động qua lại, ảnh hưởng đến các biến chứng của người bệnh. Do đó cần kiểm soát tất cả yếu tố bệnh tật, tuy nhiên chỉ 18% bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 kiểm soát được cả 3 thông số: Glucose máu, mỡ máu và huyết áp.

Dùng mãi một đơn thuốc

Nhiều người bệnh đái tháo đường đã và đang điều trị bằng đơn thuốc của người quen hoặc do người thân mách bảo. Tuy nhiên, trên thực tế, mỗi bệnh nhân sẽ có một mục tiêu điều trị riêng, sự đáp ứng với thuốc cũng trên nền bệnh lý và những bệnh phối hợp khác như: Suy gan, suy thận, suy vành...

Do đó không thể sử dụng đơn thuốc của người này cho người kia. Tình trạng sử dụng chung đơn thuốc như vậy đôi khi đã để lại cho người bệnh những tác dụng không mong muốn như: Tăng hoặc giảm đường huyết quá mức, thậm chí suy gan, suy thận…

Hết thuốc nhưng không mua dùng tiếp mà chờ đến ngày khám lại

Đây là sai lầm rất nguy hiểm. Bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 thiếu insulin sẽ làm đường huyết tăng cao, gây mệt mỏi, tăng nguy cơ nhiễm trùng. Bệnh nhân đái tháo đường nếu không dùng thuốc có thể dẫn đến sai lệch kết quả đường huyết, khó điều chỉnh liều thuốc.

 

Người tiểu đường cần theo dõi đường máu theo chỉ định của bác sĩ

 

Bỏ thuốc Tây và uống thuốc Đông y

Nhiều bệnh nhân đang uống thuốc Tây y lại theo mách bảo uống thuốc nam dẫn đến bệnh nặng hơn với các biến chứng võng mạc, lở loét bàn chân, thậm chí cắt cụt chân.

Không cấp cứu hạ đường huyết

Hạ đường huyết nguy hiểm hơn tăng đường huyết. Hạ đường huyết trên 6 giờ có thể dẫn đến chết não. Các hậu quả của hạ đường huyết phải kể đến hôn mê, tăng chi phí nằm viện, sa sút trí tuệ, mất tri giác, co giật, giảm chất lượng cuộc sống… Do đó, khi bị hạ đường huyết, cần đến ngay bệnh viện gần nhất để được điều trị, không nhất thiết lên tuyến trên.

Khi bị ốm bỏ luôn thuốc đái tháo đường

Không ít người bệnh nghĩ rằng bị ốm, ăn kém thì đường huyết sẽ hạ nên cần giảm hoặc ngừng uống thuốc đái tháo đường. Tuy nhiên thực tế khi bị ốm thì các hormone trong cơ thể sẽ tăng lên, làm đường huyết tăng cao. Vì vậy người bệnh cần đo đường huyết mỗi 3-4 giờ, đôi khi mỗi 1-2 giờ, ghi lại kết quả thử đường huyết.

Khi bị sốt thì dù ăn ít nhưng cơ thể lại cần nhiều insulin hơn cho nên cần giữ nguyên liều insulin. Tiếp tục theo dõi đường huyết và tình trạng bệnh vào lúc nửa đêm, kể cả khi rất mệt. Tăng cường uống nước để ngăn chặn tình trạng mất nước. Ăn đúng bữa dù rất mệt. Nếu nôn nhiều thì uống nước có đường. Dùng được các loại thuốc cần thiết như hạ sốt, kháng sinh.

Phấn đấu phát hiện 70% số người bị đái tháo đường

Ngày 2/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1092/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sức khỏe Việt Nam được. Một trong những mục tiêu của chương trình đến năm 2025 và 2030, phấn đấu phát hiện tỷ lệ người mắc đái tháo đường lần lượt là 50% và 70%; tỷ lệ bệnh nhân đái tháo đường được quản lý lần lượt là 30% và 40%. Hiện nay, có tới 70% người Việt Nam mắc bệnh đái tháo đường chưa được chẩn đoán. Thậm chí, trong số người đã phát hiện bệnh, chỉ có gần 29% được điều trị tại các cơ sở y tế.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn