Bác sĩ chuyên điều trị ung thư: “Ca bệnh càng khó, tôi càng quyết tâm cứu sống bệnh nhân”

16:09 | 01/07/2020;
Không chỉ nổi tiếng trong việc giải quyết những ca ung thư khó, bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TPHCM, còn kết nối giúp nhiều bệnh nhân nghèo có tiền tiếp tục chiến đấu với bệnh tật.

Nhắc đến bác sĩ Nguyễn Văn Tiến, nhiều người nhớ ngay đến vị bác sĩ gắn liền với việc điều trị những ca ung thư khó. Trong đó, có thể kể đến ca phẫu thuật u buồng trứng có kích thước lớn nhất Việt Nam - nặng tới 40kg - được vị bác sĩ này thực hiện vào năm 2015. Hay ca phẫu thuật được ông thực hiện cho "cô bé ễnh ương" Lê Thị Diễm (ngụ tỉnh Bạc Liêu) vào năm 2019. Đây là một ca phẫu thuật mà y văn thế giới mới chỉ ghi nhận vài trường hợp. Vào thời điểm nhập viện, Diễm đang trong tình trạng nguy kịch do bụng to, chứa đầy dịch, đã ép vào tim, phổi.

Nhận định rằng nếu rút hết dịch ra cùng một lúc thì cô gái có nguy cơ không qua khỏi, bác sĩ Tiến và cộng sự đã quyết định rút dịch từ từ cho cơ thể bệnh nhân thích ứng với việc này. Trong vòng 10 ngày, bệnh nhân đã được rút ra khỏi cơ thể mỗi ngày 2-3 lít dịch, đến khi bước lên bàn mổ, các bác sĩ tiếp tục hút ra 20 lít nữa. Tổng cộng 50 lít dịch đã được rút ra, bệnh nhân hồi phục kỳ diệu.

Suốt những năm làm nghề, bác sĩ Tiến luôn trăn trở, bỏ nhiều công sức học hỏi, nghiên cứu các phương pháp điều trị mới nhằm bảo tồn thiên chức làm vợ, làm mẹ của bệnh nhân. Mới đây, bác sĩ Tiến cùng đồng nghiệp đã thực hiện ca phẫu thuật nội soi cắt cổ tử cung tận gốc có bảo tồn chức năng sinh sản cho người bệnh bị ung thư cổ tử cung. Theo bác sĩ Tiến, đây là kỹ thuật tiên tiến nhất, có tính thẩm mỹ, ít đau sau hậu phẫu, thời gian nằm viện ngắn. Phương pháp phẫu thuật ít xâm lấn còn làm tăng tỷ lệ thụ thai sau điều trị vì ít gây xơ dính.

Nhiều năm gắn bó với nghề y, bác sĩ Tiến gặp phải những áp lực nhất định khi được người khác... tin tưởng. Khi gặp những ca ung thư khó thì nhiều bệnh viện tuyến dưới, đồng nghiệp thường nghĩ ngay đến bác sĩ Tiến rồi chuyển bệnh nhân đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM. "Ngoài công việc phẫu thuật thì tôi phải dành thời gian xuống các bệnh viện vệ tinh để đào tạo, chuyển giao kỹ thuật. Khuynh hướng điều trị trên thế giới ngày càng tiến bộ khiến mình phải luôn học hỏi để mang lại lợi ích cho người bệnh. Để chữa trị thành công ca bệnh khó phải đầu tư rất lớn, khi làm được rồi thì mình sẽ tự tin để điều trị những ca bệnh tiếp theo", Trưởng khoa Ngoại 1 Nguyễn Văn Tiến tâm sự.

 Tất cả vì người bệnh

Sinh ra tại tỉnh Đồng Tháp trong một gia đình nghèo, có đến 8 anh chị em, bác sĩ Tiến cho biết, do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chỉ có 3 anh em được đi học, trong đó có ông. Về cơ duyên đến với nghề y, ông cho hay, bước ngoặt của cuộc đời ông là khi người em mới 15 tuổi mất do bị bệnh sốt xuất huyết. "Em ói ra máu, chết ngay trên tay mình. Bản thân tôi sau đó cũng bị bệnh, rất may là không sao. Từ đó, tôi quyết tâm học nghề y để chữa bệnh", bác sĩ Tiến chia sẻ. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, ông thi đậu vào Đại học Y Dược TP.HCM, vừa học vừa tự bươn chải. Sau đó, ông thi và trúng tuyển vào Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, rồi làm việc từ năm 1993 đến nay.

“Ca bệnh càng khó, tôi càng quyết tâm cứu sống bệnh nhân” - Ảnh 2.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến và các đồng nghiệp thực hiện ca phẫu thuật

Bác sĩ Tiến cho biết, khi bước chân vào nghề y, ông luôn tập trung làm tốt nhất công tác chuyên môn. "Có nhiều ca bệnh khó, nếu người khác sợ thì tôi lại nhận làm, từ đó tích lũy được nhiều kinh nghiệm. Ca bệnh càng khó thì tôi càng càng quyết tâm để cứu sống người bệnh. Tôi rất vui là được sự hợp tác, hỗ trợ của đồng nghiệp trong khoa, trong bệnh viện", bác sĩ Tiến kể.

Từ khi làm Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, bác sĩ Tiến đã có nhiều cách làm hay, nhận được sự đồng tình của đồng nghiệp, bệnh nhân. Cụ thể, hằng tuần, bệnh nhân được tập trung lại một phòng để được ông và điều dưỡng trưởng giải thích bệnh, hướng điều trị và những vấn đề liên quan đến giấy tờ, thủ tục. Từ đó, người bệnh hiểu rõ tình trạng của bản thân, tiết kiệm được nhiều thời gian. "Bệnh nhân có bất cứ thắc mắc gì sẽ được chúng tôi giải đáp. Nhiều bệnh nhân ban đầu khi mới phát hiện bệnh thì rất hoang mang, định từ bỏ, không điều trị nhưng sau khi được giải thích cặn kẽ thì lạc quan trở lại, tiếp tục điều trị", bác sĩ Tiến cho hay.

Trong 15 năm qua, bác sĩ Tiến còn được nhiều người bệnh xem là ân nhân. Nhiều ca bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa trị đều được ông kết nối giúp đỡ kinh phí để tiếp tục "chiến đấu" với bệnh tật. "Hằng năm, tôi tổ chức giải thi đấu tennis, từ đó kêu gọi mọi người ủng hộ gây quỹ. Số tiền có được dùng để mua xe tặng cho bệnh viện, giúp bác sĩ chăm sóc cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối tại nhà. Rồi chúng tôi xây nhà tình thương ở các tỉnh", ông kể.

Với sự thiện tâm, minh bạch trong tài chính, bằng uy tín của mình, bác sĩ Tiến kết nối được nhiều tấm lòng thiện nguyện để giúp đỡ người nghèo. Ngoài công việc, bác sĩ Tiến có một tổ ấm hạnh phúc khi vợ luôn yêu thương, ủng hộ ông trong công việc, hai người con cũng đang theo nghề y.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn