Bác sĩ chuyên khoa chỉ cách trị nôn trớ ở trẻ

09:27 | 16/03/2019;
Sinh đứa thứ 2, chị Minh Nguyệt (phố Hoàng Mai, Hà Nội) rất mệt mỏi mỗi khi cho con ăn, vì bé dường như rất khó nuốt thức ăn, cứ cho vào miệng được đến thìa thứ 5 lại bé lại trớ ra gần hết.
Bé Su năm nay được 17 tháng, bé nặng 11 kg, bé khá nghịch và nhanh nhẹn, duy chỉ có chuyện ăn uống là khó khăn. Đôi khi con ăn còn một vài thìa cháo nữa là xong thì con lại nôn hết, tiếc công, tiếc sức, chị lại nấu một bát cháo khác và ép con ăn tiếp nhưng cũng chỉ được vài thìa. Chị đã thay đổi vị cho món, cho con uống men tiêu hóa nhưng tất cả vẫn không thay đổi. Chị Nguyệt stress vô cùng và cảm thấy bất lực với con.
 
Ảnh: Yến Nguyễn

 

 
Chị cho con đi khám ở Khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai thì được biết, bé Bi bị mắc bệnh về đường tiêu hóa. Hiện tại, bé đang ở mức độ nhẹ, rất may chị đã cho đi khám sớm đã có những điều chỉnh phù hợp.
 
Nguyên nhân
 
PGS.TS. BS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên Trưởng khoa Nhi - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, do cấu trúc bộ máy tiêu hóa của trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có sự khác biệt giữa trẻ lớn và người lớn. Với trẻ sơ sinh, dạ dày nằm ngang, không nằm dọc như người đã phát triển. Khi cơ thắt tâm bị, ngăn cách giữa dạ dày và thực quản rất yếu cho nên các thức ăn và dịch vị ở dạ dày dễ trào ngược lên thực quản, lên họng và ra ngoài. Đây gọi là hiện tượng nôn trớ.
 
Khi nôn sẽ bị co rất mạnh các cơ ở bụng và cơ hoành để bật ra ngoài, với những đứa trẻ nôn thì thức ăn bắn ra ngoài rất mạnh và nhiều. Còn trớ là hiện tượng ậm ọe sữa và thức ăn trào ra ngoài ở bên mép.
 
Có những trường hợp khi nằm ngủ rất dễ bị nôn trớ gọi là trào ngược dạ dày thực quản. Tình trạng bị trớ đêm thì cha mẹ khó biết rất dễ trào vào khí quản và thực quản, thức ăn trào vào đường thở, có thể khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức, nếu không được phát hiện có thể dẫn đến tử vong. Nên để trẻ ở cạnh mẹ, nằm ngửa và đầu nghiêng sang một bên.
 
Cách xử lý
 
Đối với trẻ đang bú mẹ, thì cách bế trẻ cho bú rất quan trọng, để khi trẻ bú không để phát ra tiếng. Muốn vậy thì khi cho con bú phải ôm trẻ sát vào người, cổ và lưng trẻ phải thẳng, đợi miệng trẻ há to mới cho đầu vú vào. Cho trẻ ngậm vú cả quầng đen bên ngoài đầu vú, không nên để trẻ ngậm đầu vú. Nhìn trẻ môi trên, môi dưới trề ra thì trẻ mút rất nhẹ nhàng. Với 3 đến 4 nhịp là nghỉ và nuốt để sữa xuất ra vừa miệng trẻ.
 
Sau khi trẻ bú, nên bế trẻ cao lên khoảng 10 – 15 phút hoặc có thể bế áp vào người mẹ vỗ nhẹ ở lưng để trẻ ợ lên tránh để trẻ trớ. Sau khi trẻ nôn trớ không nên cho trẻ ăn tiếp mà nên cách khoảng nửa tiếng đến một tiếng sau để trẻ hết phản xạ nôn đó.
 
 
Nôn trớ là hiện tượng thường thấy ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi. Mặc dù đa phần các trường hợp không phải là bệnh lý, tuy nhiên nó cũng mang lại rất nhiều lo lắng cho các bố mẹ

 

Nôn trớ có thể là biểu hiện của 1 số bệnh nặng như bệnh về đường tiêu hóa, tắc ruột, chảy máu dạ dày, tá tràng, viêm ruột thừa, gan mật, u não, viêm màng não… Cần cho đi khám sớm, nếu có những dấu hiệu nôn kèm sốt, nôn liên tục, nôn ra máu.
 
Khuyến cáo của chuyên gia
 
Với trường hợp của bé Su, bác sĩ khuyên chị Nguyệt không nên ép bé ăn ngay sau khi vừa nôn trớ và không nên tiếc thức ăn mà nên để bé nôn ra ngoài hết. Nên cho con ăn với tâm lý thoải mái, vui vẻ khi ăn. Yếu tố thức ăn cũng rất quan trọng, để trẻ ăn một cách ngon miệng. Đặc biệt, không nên lạm dụng men tiêu hóa cho bé.
 
Ngoài ra, không nên tự ý sử dụng loại thuốc chống nôn trớ cho trẻ mà cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Trên thị trường có rất nhiều loại chống nôn trớ nhưng mỗi một loại phù hợp với từng loại bệnh, lứa tuổi.
 
Không nhất thiết cho trẻ ăn hết suất. Với trẻ có chỉ số cân nặng, chiều cao bình thường thì các bậc cha mẹ yên tâm rằng chúng ta đã nuôi con đúng cách và nuôi con theo nhu cầu của chính trẻ hơn là nhu cầu của cha mẹ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn