Đầu tiên, cần khẳng định rằng ung thư không phải là bệnh lây nhiễm, rõ ràng bệnh ung thư không thể truyền từ người này sang người khác bằng cách hít thở cùng một không khí, dùng chung bàn chải đánh răng, chạm, hôn hoặc quan hệ tình dục. Điều này cần được làm sáng tỏ, loại bỏ tâm lý lo sợ với bệnh nhân và gia đình của họ.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới. Ung thư là một trong 4 loại bệnh không lây nhiễm phổ biến gồm: tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mãn tính.
Ung thư là sự phát triển không kiểm soát của tế bào, có thể xâm lấn và di căn đến các vị trí xa của cơ thể. Xảy ra khi một tế bào mắc lỗi trong bộ máy DNA hoặc các bộ phận khác, khiến nó phát triển và phân chia ngoài tầm kiểm soát. Hệ thống miễn dịch của cơ thể khỏe mạnh có khả năng phát hiện và tiêu diệt các tế bào này. Do đó ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, hệ thống miễn dịch của bạn sẽ nhận ra và tiêu diệt bất kỳ tế bào lạ nào, bao gồm cả tế bào ung thư từ người khác.
Dù ung thư có tính di truyền trong gia đình, nhưng đó không phải là lây truyền mà nguy cơ này có liên quan đến các đặc điểm di truyền hoặc các yếu tố phơi nhiễm.
Điều cần lưu ý rằng, bệnh ung thư có nguồn gốc từ nhiều yếu tố như tiếp xúc với chất gây ung thư, ức chế miễn dịch, yếu tố di truyền, lối sống và có thể kết hợp với nhiễm trùng, mà tác nhân có thể lây nhiễm sang người khác, làm tăng nguy cơ gây ung thư. Ví dụ như:
Virus HPV lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất và có liên quan đến ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn, ung thư dương vật, ung thư âm đạo và ung thư đầu và cổ
Virus viêm gan B và viêm gan C: liên quan đến ung thư gan
H. pylori: Nhiễm H. pylori có liên quan đến ung thư dạ dày
HIV: Một số loại ung thư liên quan đến ức chế miễn dịch
Vì vậy hãy thực hành tình dục an toàn, sử dụng các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm các tác nhân này. Và một lần nữa, hãy cần quan tâm, chia sẻ và hỗ trợ những bệnh nhân mắc bệnh ung thư.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn