Liên quan đến vụ tai biến chạy thận tại Hòa Bình làm 8 người chết, ngày 20/4, bác sĩ Hoàng Công Lương đã viết tâm thư gửi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Chính phủ và các lãnh đạo Nhà nước.
Cũng tại tâm thư, bác sĩ Lương đã chia sẻ những thông tin lần đầu được tiết lộ trước công luận.
Trong tâm thư, bác sĩ Lương cho biết, đã suy nghĩ đấu tranh tinh thần rất khó khăn mới dám viết lá thư này gửi đến các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước.
Bác sĩ Lương cho biết: Ngày 25/5, Công ty Thiên Sơn và BV Đa khoa Hòa Bình ký hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO dùng cho chạy thận nhân tạo. Thực hiện hợp đồng này, lãnh đạo BV giao phòng Tài chính kế toán và Phòng Vật tư- Thiết bị y tế phối hợp thực hiện. Công ty Thiên Sơn cũng là đơn vụ đặt máy chạy thận nhân tạo tại đơn nguyên thận nhân tạo cho BV thuê (trả tiền theo số ca chạy thận với giá 7,7USD/ca). Công ty cũng là đối tác trực tiếp xây dựng hệ thống lọc nước RO phục vụ chạy thận, cung cấp dịch lọc đậm đặc, cung cấp quá trình lọc máu; ký các hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng máy chạy thận nhân tạo và hệ thống nước lọc RO từ trước đến nay. Từ năm 2010 đến khi xảy ra sự cố Công ty đã ký 17 hợp đồng sửa chữa, bảo dưỡng máy chạy thận với BV.
Ngày 28/5/2017, Công ty Thiên Sơn cử người đến BV để sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO theo hợp đồng. Phòng Vật tư đã cử người theo dõi quá trình sửa chữa, bảo dưỡng.
Sáng ngày 29/5/2017, bác sĩ Lương cùng 2 bác sĩ điều trị và 9 điều dưỡng đến BV làm việc như thường ngày. Điều dưỡng Đỗ Thị Diệp là người trực ngày 28/5 đã thông báo về việc phòng Vật tư đã sửa chữa xong hệ thống lọc nước RO và có thể hoạt động chạy thận bình thường.
Các điều dưỡng sau đó đã tiến hành khởi động hệ thống RO, thấy các chỉ số trên hệ thống trong giới hạn bình thường. Các điều dưỡng tiến hành rửa máy thận, test máy thấy chỉ số bình thường nên đã lắp quả lọc máu vào máy chạy thận nhân tạo. Kết quả chạy thử thấy bình thường.
Đơn nguyên thận có 3 buồng. Bác sĩ Lương và 2 bác sĩ khác chia nhau mỗi người một buồng bệnh để thăm khám lâm sàng cho bệnh nhân và thấy các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đều đảm bảo cho chạy thận nhân tạo. Bác sĩ Lương đã thực hiện công việc đúng với quy trình chạy thận nhân tạo chu kỳ đã được Bộ Y tế ban hành năm 2014.
Sau khi kiểm tra thấy máy đã chuẩn bị đầy đủ, các chỉ số sinh tồn của bệnh nhân đủ điều kiện chạy thận thì bác sĩ Lương và 2 bác sĩ khác mới ra y lệnh lọc máu. Theo đó, các điều dưỡng kết nối với máy chạy thận với bệnh nhân. Sau khi chạy thận được 30 phút, một số bệnh nhân có biểu hiện ngứa khắp người, tức ngực, khó thở, đau bụng, tiêu chảy, buồn nôn. Ngay lập tức, bác sĩ Lương đã cho dừng toàn bộ quá trình chạy thận của tất cả các bệnh nhân. Đồng thời, báo cáo lãnh đạo khoa, BV và theo dõi sát sao, xử trí bệnh nhân theo triệu chứng lâm sàng.
Quá trình xử trí cấp cứu, trong tổng số 18 bệnh nhân có 8 người tình trạng nặng. Sau đó, cả 18 bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực cấp cứu. Sau đó, 8 người đã tử vong. Còn 10 bệnh nhân đã tạm ổn nên chuyển sang BV Đa khoa TP. Hòa Bình để lọc máu rồi chuyển xuống BV Bạch Mai.
Ngày 30/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Hòa Bình đã khởi tố vụ án để điều tra. Đến ngày 22/6, cơ quan Công an tiến hành khởi tố và bắt giam 3 bị can, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương. Đến ngày 5/7/2017, cơ quan điều tra đã thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho phép tại ngoại và cấm rời khỏi nơi cư trú.
Ngày 14/11, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thay đổi tội danh của bác sĩ Hoàng Công Lương từ “Tội vi phạm quy định về chữa bệnh” sang “Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo bác sĩ Lương, về sự cố trên, Hội đồng chuyên môn đã kết luận: Các bác sĩ và điều dưỡng đã thực hiện chạy thận nhân tạo theo đúng quy trình chạy thận nhân tạo do Bộ Y tế ban hành. Khi xảy ra sự cố, bác sĩ đã xử trí cấp cứu bệnh nhân theo đúng phác đồ điều trị. Hội đồng cũng kết luận, nguyên nhân sự cố nghĩ nhiều đến nguồn nước RO không đảm bảo chất lượng.
Sau đó, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân gây tử vong là do tồn dư hóa chất sau sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống nước RO, gây ngộ độc Florua cho người bệnh. Trong đó, bên bảo dưỡng đã sử dụng acid HCL và HF cấm dùng trong y tế.
Bác sĩ Lương cho rằng, nhiệm vụ và trách nhiệm đảm bảo nguồn nước chạy thận RO là do BV, phòng Vật tư và đơn vị bảo dưỡng. Do BV chưa có khoa thận nhân tạo và kỹ thuật viên riêng nên việc bàn giao nghiệm thu sau sửa chữa, bảo dưỡng là trách nhiệm của phòng Vật tư và BV. Các bác sĩ chỉ là người sử dụng nguồn nước RO phục vụ cho công tác điều trị chạy thận nhân tạo sau khi đã được bàn giao.
Bác sĩ Lương cho rằng, là người trực tiếp điều trị, bác sĩ sẽ phải chịu trách nhiệm về công tác khám chữa bệnh nếu bệnh nhân bị tai biến dẫn đến tử vong. Nhưng không buộc phải gánh trách nhiệm không thuộc về chuyên môn của mình. Vụ việc trên sẽ phải thuộc trách nhiệm của phòng Vật tư do không giám sát chặt chẽ.
Chia sẻ về cáo trạng của Viện Kiểm sát, bác sĩ Lương cho biết rất bàng hoàng, đau xót. Sự việc cũng đã được Bộ Y tế, Hội Hồi sức cấp cứu, Tổng Hội Y hoc Việt Nam… lên tiếng. Nhiều nhà quản lý, luật sư cũng phân tích tính pháp lý của cáo trạng này. Vì vậy, Bác sĩ Lương mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước chỉ đạo xử lý vụ việc đúng người, đúng tội, tránh trường hợp xử lý oan sai, bỏ lọt người vi phạm.