Sinh non là việc sinh nở của một trẻ sơ sinh khi chưa đủ 37 tuần thai kỳ. Các triệu chứng của sinh non bao gồm co thắt tử cung xảy ra thường xuyên hơn 10 phút hoặc rò rỉ nước ối tiết ra từ âm đạo. Trẻ sinh non có nguy cơ bị các bệnh bại não, khuyết tật phát triển, khiếm thính và khiếm thị cao hơn. Trẻ sinh non càng sớm thì các nguy cơ trên càng cao.
TS.BS Cam Ngọc Phượng, Trưởng Khoa Hồi sức Sơ sinh - Bệnh viện Quốc tế Hạnh Phúc (tỉnh Bình Dương) cho biết, trong rất nhiều lý do dẫn đến sinh non thì cũng có những nguyên nhân có thể kiểm soát được bằng các biện pháp như chế độ dinh dưỡng cân đối và đầy đủ, kiểm soát đường huyết, đi lại nhẹ nhàng, không làm việc nặng nhọc…
BS Phượng cho rằng, việc theo dõi khám thai định kỳ suốt thai kỳ là rất quan trọng. Điều này sẽ giúp phát hiện các bệnh phụ khoa kịp thời và được hỗ trợ điều trị dứt điểm trước sinh.
Cũng theo BS. Phượng, đối với trẻ sinh non, sau thời gian được chăm sóc, điều trị tại bệnh viện. Khi được tiếp tục chăm sóc ở nhà thì sản phụ cần giữ ấm cho bé, nên tiếp tục áp dụng phương pháp da kề da.
Bên cạnh đó, cần phải giữ cho môi trường bé ở phải sạch, tránh gió lùa, giữ nhiệt độ phòng 27-28 độ C. Ngoài ra, phải rửa tay những người chăm sóc bé, không cho những người đang bị cảm, ho… đến gần bé. Hạn chế người thân hôn bé vì điều này có thể làm lây nhiễm mầm bệnh qua bé; không nên tắm bé hàng ngày, chỉ nên cách ngày hoặc khi bị dơ.
“Cần theo dõi những dấu hiệu bất thường của bé như nếu bé bú giảm 50% so với bình thường, hoặc ọc nhiều, chướng bụng, theo dõi kỹ nhịp thở, vì trẻ sinh non thường hay bị ngưng thở… nếu phát hiện bất thường thì phải đưa đến cơ sở y tế khám ngay”, BS. Phượng chia sẻ.