Mỗi khi giao mùa, thời tiết thay đổi làm cho cơ thể con người nếu thích nghi không kịp sẽ có những phản ứng ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là trẻ em, hệ miễn dịch yếu dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc bệnh về đường hô hấp gia tăng.
Theo PGS.TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, mỗi khi thời tiết chuyển mùa có rất nhiều bệnh. Hiện tại chúng ta đang ở mùa xuân và chuẩn bị sang mùa hè với mỗi một lần chuyển mùa như thế này thì thời tiết sẽ rất khắc nghiệt.
Trong thời điểm này, có thể nhận thấy rất rõ, ban ngày có nắng ấm nhưng về đêm lại chuyển lạnh. Sự chênh lệch nhiệt độ sẽ làm cho tổn thương hệ thống đường hô hấp của trẻ em. Với sự tổn thương đó, hệ thống virus của vi khuẩn sẵn sàng xâm nhập để gây bệnh. Hiện nay tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có những bệnh nhi cúm mùa, một số ca đã có triệu chứng mắc sởi.
Các bệnh thường gặp khi giao mùa có thể kể đến như viêm họng cấp, viêm phế quản, cúm…Trong đó, viêm họng cấp tính là bệnh khá phổ biến, xảy ra quanh năm nhưng khi thời tiết chuyển mùa thì dễ dàng xuất hiện. Viêm phế quản cũng là bệnh thường gặp khi chuyển mùa bởi trẻ bị viêm phế quản là do thay đổi thời tiết, nhiễm trùng đường hô hấp. Virus, vi khuẩn là thủ phạm chính gây nên các chứng bệnh thường thấy ở trẻ nhỏ như cảm lạnh, ho, cúm hay viêm VA. Sau đó, nếu không được điều trị kịp thời có thể trẻ bị bệnh viêm phế quản, điều này rất nguy hiểm cho trẻ.
Tại thời điểm này, khi dịch cúm corona đang lan rộng, việc trẻ em mắc cúm là nỗi sợ hãi của nhiều gia đình, dù là cúm mùa cũng khiến nhiều bố mẹ hoang mang. Trẻ em mắc căn bệnh này nhiều do sức đề kháng chưa hoàn thiện khiến vi rút cúm dễ dàng gây bệnh. Trong cúm, mầm bệnh là các virus cúm lây trực tiếp do tiếp xúc, giao tiếp hàng ngày, đặc tính vi rút là sinh sôi nảy nở nhanh nên có số lượng ồ ạt tấn công cơ thể, nhất là những trẻ có hệ miễn dịch yếu. Cha mẹ không nên xem nhẹ căn bệnh này và quan tâm đúng mức sức khỏe của trẻ, cần thiết phải cho trẻ đi khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng như sốt cao, li bì, ho nặng tiếng.
Ngoài ra, để phòng bệnh, cần giữ ấm cho trẻ khi thời tiết trở lạnh ở các vị trí quan trọng như bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu, nhất là khi đưa trẻ đi chơi ngoài trời vào buổi tối hoặc sáng sớm. Không nên cho trẻ tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp và những chỗ đông người ngột ngạt, có khói thuốc lá. Cho trẻ uống nước ấm, tăng cường dinh dưỡng với thực đơn cân đối của các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất đạm, chất béo và rau củ quả. Bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho trẻ. Đây là những dưỡng chất quan trọng, vừa giúp trẻ phát triển hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần cũng như tăng cường hệ miễn dịch. Nếu những bệnh lý chung và bệnh đường hô hấp không được phát hiện, điều trị, xử trí sớm và đúng sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm gây ảnh hưởng đến tính mạng cũng như sức khỏe của trẻ.
"Trong thời gian này, chúng ta hết sức lưu ý tình trạng bệnh nhiễm virus hợp bào hô hấp, virus cúm, cảm lạnh và các virus khác để tránh cho trẻ nhỏ mắc phải. Với tình hình hiện này để đảm bảo tránh tình trạng bệnh đó thì việc đầu tiên phải giữ gìn mũi họng của trẻ sạch sẽ, giữ ấm, uống nước ấm đầy đủ và không cho ra những chỗ đông người để tránh lây nhiễm bệnh. Các gia đình cần đưa trẻ tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm được khuyến cáo để phòng bệnh", bác sĩ Trần Minh Điển lưu ý.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn