Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) đã tiếp nhận bệnh nhi tên T.T.G.B (hơn 3 tuổi, ngụ Q.8) với triệu chứng bị ói nhiều. Khi siêu âm thì bác sĩ phát hiện lá lách của bé to, giãn tĩnh mạch một cách bất thường. Bác sĩ chẩn đoán bé bị tăng áp lực tĩnh mạch cửa khu trú vùng lách. Sau đó, bác sĩ tiến hành điều trị bảo tồn.
Nhưng 6 tháng sau, vào ngày 17/3, bệnh nhi nhập viện trở lại trong tình trạng đau bụng. Siêu âm lại thì thấy lách rất to, đến 140mm. Bên cạnh đó, tĩnh mạch giãn nhiều dọc theo bờ cong của dạ dày. Nguyên nhân là do hẹp tắc tĩnh mạch lách đoạn sau tụy.
Các bác sĩ đã tiến hành bàn phương án can thiệp nhanh chóng bởi chỉ cần một thời gian nữa thì bé chắc chắn sẽ ói ra máu, đi cầu ra máu.
Theo BS Nguyễn Hữu Chí, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh – Bệnh viện Nhi đồng 1, tăng áp lực tĩnh mạch cửa ở trẻ em hay gặp nhưng ở trường hợp này lại là tăng áp lực tĩnh mạch cửa khu trú do hẹp, tắc ở một đoạn tĩnh mạch lách.
Sức khỏe bệnh nhi đã ổn định sau phẫu thuật
Ca phẫu thuật kéo dài 4 tiếng, các bác sĩ đã lấy mạch máu dài 10cm ở cổ làm nhiệm vụ như “cầu vượt”, nối từ tĩnh mạch lách, đoạn đầu chỗ tắc vào tĩnh mạch mạc treo tràng trên.
24 tiếng sau khi phẫu thuật, bác sĩ kiểm tra lại thì thấy lách từ 140cm giảm lại còn 100mm và sau đó còn 98mm (mức bình thường). Lưu lượng máu đi qua cầu nối tốt, đổ qua tĩnh mạch mạc treo tràng trên theo đường sinh lý. Bên cạnh đó, những mạch máu bị giãn trước đó đã xẹp xuống bình thường.
“Sau 1 tuần kiểm tra lại thì bệnh nhi gần như bình thường. Bởi lách nhỏ lại và mạch máu làm cầu nối thông thương rất tốt”, BS Chí cho hay.
ThS Đào Trung Hiếu – Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, đối với bệnh cảnh này, những phẫu thuật trên thế giới hiện nay đang áp dụng là chỉ chữa triệu chứng. Sau phẫu thuật, bệnh nhi có thể giảm tiêu ra máu, ói ra máu nhưng có thể bị một số bệnh lý khác.
Nhưng trong trường hợp bệnh trên, các bác sĩ không chỉ giải quyết triệu chứng mà đã giải quyết cả nguyên nhân bệnh. Máu của bệnh nhi vẫn được dẫn lưu về lá gan để lọc hết tất cả chất độc, trước khi được đưa vào vòng tuần hoàn chung.
“Đây là ca bệnh rất hiếm. Cũng là trường hợp đầu tiên tôi cùng các bác sĩ thực hiện. Chúng tôi xem trong y văn thì cũng chưa thấy ai thực hiện phẫu thuật kiểu này. Và rõ ràng là kết quả rất tốt”, BS Hiếu chia sẻ.
Mẹ của của bệnh nhi cho biết, B. là con đầu tiên của gia đình. Khi bé bị bệnh thì cả gia đình đã hết sức lo lắng, mất ăn mất ngủ. Đến ngày 16.4, sức khỏe của con đã bình thường thì cả gia đình có thể thở phào nhẹ nhõm.
Theo bác sĩ, tắc tĩnh mạch lách có thể do bẩm sinh nhưng cũng có thể do bị tắc huyết khối trong thời kỳ sơ sinh.