Cảnh giác với cơn đau đầu đột ngột
Anh Trần Văn T. (36 tuổi) vào bệnh viện cấp cứu vì đột ngột xuất hiện đau đầu liên tục kèm nôn nhiều, rối loạn điện giải, đáp ứng kém với điều trị, trên phim CT sọ não có hình ảnh khối u tuyến yên xâm lấn. Sau 3 ngày vào bệnh viện điều chỉnh điện giải, bệnh nhân xuất hiện suy giảm nhận thức, liệt tăng dần nửa người trái, sụp mí mắt phải, suy giảm thị lực, mất thị trường thái dương hai bên. Chụp MRI sọ kiểm tra phát hiện tổn thương nhồi máu não bán cầu não phải.
Sau 1 ngày, bệnh nhân được phẫu thuật nội soi qua đường xoang bướm lấy khối u tuyến yên và làm giải phẫu bệnh với kết quả u tế bào tuyến yên. Sau phẫu thuật, bệnh nhân có tình trạng suy tuyến yên, cần bổ sung hormone thay thế, hướng dẫn tự tập tại giường. Anh T. được chuyển tới Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội điều trị trong tình trạng liệt nửa người trái, liệt mềm, chưa tự lăn trở, chưa tự ngồi dậy, thăng bằng ngồi kém, rối loạn cảm giác nửa người trái, sụp mi, suy giảm nhận thức… Tại đây, anh được tập phục hồi chức năng bằng các kỹ thuật vận động trị liệu, hoạt động trị liệu, nhận thức và điều trị bằng các phương pháp vật lý trị liệu tích cực.
Hiện tại sau 30 ngày điều trị phục hồi chức năng kết hợp thuốc, bệnh nhân đã tự lăn trở, thăng bằng ngồi vững, đang tập đứng, mắt trái cải thiện tình trạng sụp mi, nhận thức tốt.
Nguyên nhân và cách điều trị
Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Lão khoa, Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, phân tích nguyên nhân gây liệt nửa người trên bệnh nhân là do nhồi máu não cấp sau đột quỵ tuyến yên hiếm gặp. Việc tăng nhanh chóng kích thước khối u tuyến yên do đột quỵ gây phù nề tế bào cùng lúc với tăng phù nề các tổ chức xung quanh (tăng áp lực nội sọ dẫn đến các triệu chứng đau đầu, nôn, khởi phát một cách đột ngột) gây chèn ép động mạch cảnh trong, dẫn đến liệt nửa người bên đối diện.
Theo bác sĩ Việt Hà, trong một số trường hợp, bệnh nhân bị nhồi máu não do tình trạng đột quỵ tuyến yên gây kích thích làm co thắt động mạch, có thể do giải phóng các chất trung gian hóa học. "Triệu chứng lâm sàng của bệnh nhân nhồi máu não sau đột quỵ u tuyến yên tương tự như triệu chứng của các bệnh nhân nhồi máu não khác như liệt nửa người đối bên, rối loạn cảm giác đối bên... tùy thuộc vào vùng chi phối. Tuy nhiên, nhồi máu não trong trường hợp này không xuất phát từ việc thuyên tắc mạch do xơ vữa hay do huyết khối, vì vậy phương pháp điều trị nội khoa trị dự phòng", bác sĩ Việt Hà cho biết.
Về điều trị, bác sĩ Việt Hà lưu ý, có khoảng 70% bệnh nhân bị đột quỵ tuyến yên bị suy thượng thận cấp, nguy cơ tử vong cao, cần được theo dõi bằng cách đo lượng cortisol trong máu. Khuyến cáo ưu tiên sử dụng Hydrocortisol đường tĩnh mạch thay vì đường uống vì bệnh nhân thường hay buồn nôn và nôn. Cấp cứu điều trị nội khoa là phương pháp ưu tiên lựa chọn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh như biểu hiện hố yên và xoang cảnh chèn ép nặng, đặc biệt là khi có thay đổi ý thức, thị lực và mất trường thị giác, các bác sĩ sẽ nhanh chóng cân nhắc đưa ra phương pháp phẫu thuật. Có thể phẫu thuật nội soi qua đường xoang bướm hoặc qua đường mở xương sọ tùy thuộc kích thước khối u.
Mặc dù đã có các báo cáo ca lâm sàng, nhồi máu não cấp sau đột quỵ tuyến yên vẫn rất hiếm gặp. Điều trị sau phẫu thuật cần lưu ý đến bổ sung hormone thiếu hụt và điều trị các triệu chứng do nhồi máu não tương tự như nhồi máu não thông thường (sử dụng các thuốc phòng ngừa nhồi máu não tái phát hiện chưa có khuyến cáo áp dụng lâm sàng).
Những trường hợp phẫu thuật khối u tuyến yên không thành công có thể cân nhắc phương pháp xạ trị khi kích thước khối u dưới 5cm (MRI là lựa chọn hàng đầu để chẩn đoán đột quỵ tuyến yên). "Việc thường xuyên theo dõi sức khỏe định kỳ và có kiến thức về bệnh lý giúp phát hiện sớm và ngăn ngừa nguy cơ biến chứng của đột quỵ tuyến yên một cách đáng kể", bác sĩ Hà khuyến cáo.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn