Bác sĩ nam rơi vào tình huống 'khó đỡ' khi khám sản khoa

13:08 | 27/02/2017;
'Khi biết mình chuẩn bị thăm khám cho bệnh nhân nữ, tôi lo lắng rồi có chút e ngại. Đến lúc khám, người tôi nóng bừng, tim đập nhanh…'.
“Nhưng rồi tôi trấn tĩnh lại và tự động viên rằng, đã theo nghề này thì vấn đề đụng chạm là bình thường. Vì thế, tôi đã bình tĩnh và làm tốt công việc của mình’, bác sĩ Bùi Minh Hải (27 tuổi, khoa Đẻ, BV Phụ Sản Hà Nội), nhớ lại lần đầu tiên khám “vùng kín’ cho bệnh nhân nữ khi đi thực tập.
anh-2.JPG
Bác sĩ Hải thăm khám cho 1 sản phụ
Khi BS Hải mới làm việc tại BV Phụ sản Hà Nội, bản thân là nam giới, lại còn rất trẻ nên nhiều chị em thường ngại, nhất là với những bệnh nhân lần đầu mang thai và bệnh nhân trẻ. “Một lần, tôi khám cho phụ nữ sắp sinh. Có lẽ thấy tôi còn trẻ, chị ấy cứ khép đùi, rồi lấy váy che "vùng tam giác” nên tôi không thể khám được. Tôi phải giải thích rằng khu vực này không mở thì tôi không khám được đâu. Chị đừng ngại mà ảnh hưởng đến sức khỏe. Sau mấy lần thuyết phục, bệnh nhân mới hợp tác để tôi thăm khám”, BS Hải nhớ lại.

Tuy nhiên, cũng có không ít bệnh nhân không chịu hợp tác. Bác sĩ Hải kể: "Một nữ bệnh nhân khi biết tôi khám, nhất quyết không đồng ý, chắc vì thấy bác sĩ trẻ quá. Chị ta không nói ra nhưng từ chối hợp tác bằng cách khép đùi, tôi hỏi thì chị không trả lời và nhìn với ánh mắt nghi ngờ. Dù đã cố gắng thuyết phục nhưng không được, tôi đành phải nhờ một bác sĩ khác lớn tuổi vào khám thì chị ấy mới đồng ý".

Hạnh phúc khi sản phụ mẹ tròn con vuông

Mặc dù phải chịu nhiều áp lực nhưng với bác sĩ sản khoa nói chung, hay với riêng BS Hải thì hạnh phúc nhất là thấy bệnh nhân “mẹ tròn con vuông”. Có lẽ, giây phút người mẹ lần đầu được ôm đứa con bé bỏng sau hơn 9 tháng mang nặng đẻ đau là thời khắc hạnh phúc nhất của sản phụ và cũng là niềm vui của bác sĩ.
anh-1.JPG
 Bác sĩ Hải chia sẻ niềm vui với một sản phụ vừa "vượt cạn" thành công
“Ca đỡ đẻ thành công đầu tiên tôi tham gia thực hiện là cho một sản phụ ở huyện Đông Anh (Hà Nội). Khi chúng tôi trao em bé cho người mẹ, dù còn rất đau nhưng sản phụ nhanh chóng đỡ lấy rồi hôn con. Tôi thấy những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên má người mẹ. Lúc đó, trong người tôi có cảm giác rất khó tả. Tôi vui lắm, vì biết mình vừa góp phần mang niềm vui, hạnh phúc cho gia đình sản phụ ấy”, BS Hải xúc động kể.

Gia đình BS Hải có 2 người theo ngành y nên đã động viên anh theo học trường y. Bạn gái Hải hiện làm nhân viên văn phòng. Hiểu được công việc của bạn trai nên người yêu anh cũng thông cảm. Hải bảo: "Khi yêu nhau và biết tôi chọn ngành sản khoa, ban đầu cô ấy cũng không hiểu nên có ý ngần ngại. Nhưng khi biết đó là đam mê của tôi, thì cô ấy cũng ủng hộ".

Thời gian gần đây, tại một số BV liên tiếp xảy ra các vụ tai biến sản khoa. BS Hải cho rằng, trong y khoa, tai biến có thể xảy ra bất cứ lúc nào và không ai có thể nói trước được. Vì vậy, trước mỗi vụ việc được thông tin, anh đều tìm hiểu nguyên nhân, các biện pháp xử lý khi xảy ra sự cố. “Tôi học thêm kiến thức ở các thầy cô, anh chị trong khoa. Ngoài ra, tôi cũng tìm hiểu thêm các kiến thức sản khoa trên các chuyên trang về y học. Điều này chẳng bao giờ thừa, bởi riêng với ngành y, bác sĩ phải học suốt đời thì mới có thêm kinh nghiệm điều trị cho người bệnh”, BS Hải chia sẻ.

Bùi Minh Hải là một trong số những bác sĩ trẻ nhất khoa Đẻ. Sau khi tốt nghiệp THPT, Hải thi đậu vào Đại học Y Hà Nội, hệ đào tạo bác sĩ Đa khoa. Tháng 6/2015, Hải tốt nghiệp đại học, sau đó đi học thêm 10 tháng chuyên ngành sản khoa và được nhận vào làm việc tại khoa Đẻ (BV Phụ sản Hà Nội) cho đến nay.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn