Chiều ngày 9/12, cố nghệ sĩ Chí Tài được phát hiện nằm bất động ở cầu thang tầng 7 chung cư nơi ông ở tại TP.HCM. Sau khi được phát hiện, nghệ sĩ đã được đưa đến bệnh viện cấp cứu, dù đã được các bác sĩ tích cực cứu chữa nhưng không qua khỏi. Được biết, nguyên nhân tử vong của danh hài là do đột quỵ khi tập thể dục.
Khi được hỏi về nguy cơ đột quỵ khi tập thể dục, Bác sĩ (BS) Trần Trung Thành, Trưởng Khoa Nội thần kinh – BV Nguyễn Tri Phương TP.HCM cho biết: "Mọi người đang hiểu không đúng vấn đề, nói tập thể dục là nguyên nhân gây nên đột quỵ là không đúng, bản thân luyện tập không phải là nguy cơ gây nên tình trạng này. Ngược lại, tập thể dục rất tốt trong việc phòng ngừa đột. Đột quỵ khi tập thể dục là do cơ thể đã có sẵn yếu tố nguy cơ ".
BS Thành chia sẻ, những người bị đột quỵ khi tập thể dục là bản thân họ đã có các yếu tố nguy cơ; khi luyện tập xảy ra hiện tượng vỡ mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim.
Theo đó, BS Thành cảnh báo những người có yếu tố nguy cơ bị đột quỵ thường mắc một số bệnh nền dưới đây:
- Mắc các bệnh về tim như hẹp van hai lá, rối loạn nhịp tim, rung nhĩ.
- Tăng lipid máu gây nên tình trạng xơ vữa động mạch
- Mắc bệnh tiểu đường
- Người có bệnh tăng huyết áp mãn tính
- Béo phì, thừa cân
- Người có độ tuổi từ 45 trở lên
- Hút thuốc lá lâu năm, có nguy cơ xơ vữa động mạch
- Một số yếu tố khác như căng thẳng dài ngày
Theo BS Thành, việc tìm kiếm phát hiện yếu tố nguy cơ và kiểm soát các yếu tố đó chính là điểm mấu chốt để ngăn ngừa đột quỵ. Theo đó, người mắc các bệnh nền kể trên và tầm soát các bệnh tim mạch cần được thăm khám thường xuyên. Còn người khỏe mạnh và không có các bệnh lý nền thì không nên lo lắng quá nhiều về tình trạng đột quỵ khi tập thể dục.
Để tránh được tình trạng đột quỵ khi tập thể dục, mọi người – đặc biệt là người ở độ tuổi 45 trở lên có nhiều yếu tố nguy cơ cao như: gia đình có bệnh tiểu đường, bệnh tim, tăng lipid máu… cần được tầm soát chuyên sâu. Việc tầm soát này giúp người bệnh phát hiện ra các bệnh làm tăng nguy cơ gây đột quỵ. Từ đó, các bác sĩ sẽ có phương án điều trị bệnh cũng như hướng dẫn lựa chọn bộ môn thể thao phù hợp với sức khỏe và thể trạng.
> 8 cách tự kiểm tra tại nhà giúp phát hiện sớm các bệnh đột quỵ, tiểu đường" data-rel="follow" style="background-color: rgb(255, 255, 255);">>> 8 cách tự kiểm tra tại nhà giúp phát hiện sớm các bệnh đột quỵ, tiểu đường
Để đảm bảo an toàn khi luyện tập, cả người người có thể trạng bình thường và người mắc bệnh lý nền đều nên luyện tập đúng cách; luyện tập tư thế chuẩn và nên lựa chọn các bài tập giúp tăng cường sức khỏe tim mạch.
Nên chú ý, không cố gắng tập luyện trong thời gian dài liên tục mà cần có khoảng thời gian nghỉ đan xen. Chỉ tiếp tục tập thể dục khi cảm thấy nhịp tim, hơi thở và huyết áp ổn định.
Khi luyện tập, thường nhịp tim sẽ nhanh hơn. Nếu việc luyện tập không thường xuyên, việc kiểm soát nhịp tim sẽ khó khăn. Sẽ vô cùng nguy hiểm nếu nhịp tim tăng, huyết áp cũng tăng và kéo theo các cơn thiếu máu não; thường tình trạng này chỉ thoáng qua nhưng lại dự báo cho những cơn đột quỵ về sau.
Choáng váng, đau đầu dữ dội, cứng cổ, buồn nôn kèm theo sự khó khăn trong việc nói là dấu hiệu của đột quỵ. Nếu tập thể dục và cảm nhận cơ thể có nhiều dấu hiệu khác thường, nên lập tức dừng tập luyện và nghỉ ngơi. Và nếu cảm thấy các dấu hiệu của đột quỵ ngày càng rõ ràng, nên đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám và tầm soát nguy cơ sớm.
Bạn có thể tham khảo một số bài tập phù hợp với thể chất TẠI ĐÂY.
Theo BS Thành, nếu phát hiện cơ thể có dấu hiệu đột quỵ, nên yêu cầu sự giúp đỡ của người thân và nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ thăm khám.
Trong trường hợp bắt gặp người đột quỵ khi đang tập thể dục, nên thực hiện các bước sau:
- Nhanh chóng đỡ người bệnh để tránh việc ngã gây các chấn thương nặng.
- Nên đặt người bệnh nằm ở chỗ thoáng
- Nếu thấy tình rạng nôn ói, nên đặt người bệnh nằm nghiêng, móc hết đờm nhớt để bệnh nhân dễ thở hơn
- Tránh tình rạng cắt lễ, thoa dầu, cạo gió…
- Không cho người bệnh uống bất cứ thứ gì, kể cả nước
- 3 giờ đầu là thời gian vàng cấp cứu người bị đột quỵ nên nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tốt nhất, nên gọi 115 để có phương án vận chuyển người bệnh an toàn nhất.
Bài viết có tham khảo ý kiến của Bác sĩ Trần Trung Thành, Trưởng Khoa Nội thần kinh – Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TP.HCM.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn