Chia sẻ câu chuyện của mình trên tờ Dailymail, người đàn ông giấu tên, sinh sống tại Nashville (Mỹ), cho biết anh được chẩn đoán mắc một khối u não hiếm gặp khi mới 12 tuổi. Vào thời điểm đó, các bác sĩ tiên lượng anh sẽ “chỉ sống được 1 đến 2 năm”, kể cả có phẫu thuật và điều trị. Thế nhưng, anh đã sống sót một cách thần kỳ. Hiện tại, sau 18 năm kể từ khi được chẩn đoán bệnh, anh đã kết hôn và đang là bố của 2 đứa trẻ. Anh cũng đang làm việc tại bệnh viện nơi anh được chẩn đoán và điều trị bệnh khi còn nhỏ.
Theo đó, người đàn ông cho biết anh được chẩn đoán mắc bệnh u sao bào lông nhầy (pilomyxoid astrocytoma). Theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Medscape General Medicine vào năm 2014, đây là căn bệnh ung thư xâm lấn, có tỷ lệ sống sót thấp, thường gặp ở trẻ nhỏ với độ tuổi chẩn đoán bệnh trung bình là 18 tháng tuổi. U sao bào lông nhầy có xu hướng tiến triển tái phát hơn u sao bào lông. Bệnh thường tái phát tại chỗ và có thể di căn theo dịch não tủy.
Các triệu chứng nhận biết của u sao bào lông nhầy là chậm phát triển, nôn, khó ăn uống và suy nhược. Đi kèm với các triệu chứng này, bệnh nhân có thể bị cứng cổ hoặc nghiêng đầu.
Đối với người đàn ông trong câu chuyện ở trên, anh cho biết triệu chứng báo hiệu bệnh đầu tiên của mình là mệt mỏi. Ban đầu, các bác sĩ chẩn đoán anh bị viêm dạ dày. Tuy nhiên, kết quả chụp cắt lớp vi tính cho thấy anh bị u não.
Anh được phẫu thuật để loại bỏ khối u, sau đó xạ trị để tiêu diệt các mô khối u còn sót lại.
Quá trình điều trị này khiến anh bị mất trí nhớ thể nhẹ trong thời gian ngắn. Anh kể lại, khi ấy anh rất khó nhớ tên của mọi người hoặc không nhớ nổi những gì mình đã ăn.
Với tiên lượng không sống được quá 2 năm, người đàn ông khi ấy thậm chí còn được một tổ chức thiện nguyện thực hiện cho điều ước cuối cùng - một kỳ nghỉ cùng gia đình ở Hawaii. Thế nhưng ngoài mong đợi của các bác sĩ, người đàn ông ấy vẫn sống gần 2 thập kỷ sau đó.
Người đàn ông cung cấp thêm thông tin rằng tại thời điểm năm 2005, anh là 1 trong 4 bệnh nhân trên toàn thế giới được chẩn đoán mắc căn bệnh này. 3 trường hợp còn lại chỉ sống được “khoảng 1 hoặc 2 năm” sau khi phát hiện bệnh.
“Các bác sĩ không biết tại sao ca phẫu thuật và quá trình điều trị của tôi lại thành công như vậy. Bệnh viện đã gửi khối u của tôi đi để nghiên cứu. Tôi cũng phải chụp MRI định kỳ hàng năm cho tới tận bây giờ. Tôi vừa hoàn thành lần chụp MRI cuối cùng trong năm nay”, người đàn ông cho hay.
Hiện người đàn ông đang làm việc tại Bệnh viện Vanderbilt, nơi anh từng được điều trị khi còn nhỏ. Anh thường tổ chức các buổi quyên góp từ thiện cho trẻ em bị ung thư. Tuy nhiên, anh thường phải mang theo một cuốn sổ nhỏ bên mình để viết ra những điều mà mình cần nhớ, bởi anh vẫn gặp một số khó khăn về trí nhớ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn