Vân Anh (22 tuổi, Hà Nội) đang là sinh viên của một trường đại học, sở hữu khuyết điểm khớp cắn sai, răng mọc lệch... Vân Anh được bác sĩ tư vấn nên niềng răng càng sớm càng tốt để không ảnh hưởng đến chức năng và độ bền của răng. Tuy nhiên nhiều năm qua, cô gái trẻ vẫn phân vân không dám niềng răng vì vừa sợ đau, vừa sợ sinh hoạt khó khăn, đặc biệt là nỗi sợ niềng răng sẽ khiến má hóp và gương mặt già đi rất nhiều.
Cũng như Vân Anh, rất nhiều người ngay khi nhen nhóm ý định đi niềng răng thì mọi hào hứng đã bị dập tắt hoàn toàn vì nỗi sợ "hóp má già nua".
Trả lời câu hỏi "có phải cứ niềng răng là sẽ bị hóp má hay không?", bác sĩ chuyên khoa Răng Hàm Mặt Nguyễn Thanh Tuấn (BS làm việc tại Hà Nội) khẳng định: "Nếu niềng răng đúng cách thì sẽ không gây ra tình trạng hóp má".
Bác sĩ Tuấn phân tích, sở dĩ nhiều người gặp tình trạng này khi niềng là bởi họ đã ăn uống thiếu chất. "Nhiều người do chưa quen với sự xuất hiện của mắc cài trong miệng nên cảm thấy khó nhai hơn. Răng lúc này phải vệ sinh kỹ nên ngại ăn uống, điều đó khiến cho dinh dưỡng không đầy đủ, gây sút cân nhanh và từ đó mặt gầy hại, má hóp lại là chuyện dễ hiểu", bác sĩ Tuấn cho hay.
Lý do thứ hai gây ra tình trạng này là có thể phương pháp chỉnh nha không phù hợp. Tình trạng má hóp khi niềng có thể xuất hiện do nha sĩ chọn sai khí cụ hoặc sử dụng hình thức niềng răng không phù hợp với bệnh nhân. "Nếu khí cụ chỉnh nha không đảm bảo chất lượng thì khi bác sĩ răng chỉnh lực kéo hoặc giảm đi lực siết sẽ làm ảnh hưởng đến dây cung, khiến cho chân răng yếu đi nhanh chóng do không chịu được lực tác động mạnh gây sụt ổ chân răng. Lúc này, má sẽ hóp lại", vị chuyên gia phân tích.
Cuối cùng, tình trạng hóp má khi niềng có thể là do tiêu xương khi nhổ răng. "Nhiều bệnh nhân chỉnh nha được yêu cầu nhổ răng để có thêm khoảng trống trên cung hàm và dàn đều răng. Nếu bác sĩ chỉnh nha không có tay nghề, không có chuyên môn sẽ gắn sai lệch vị trí mắc cài và dây cung, đồng thời điều chỉnh lực siết không phù hợp làm cho răng không di chuyển về vị trí đúng trên cung hàm. Điều này có thể gây ra khoảng trống mất răng và dần làm tiêu xương ổ răng, làm cho má hóp lại".
Như vậy, tình trạng má hóp chỉ xảy ra khi quá trình chỉnh nha không đảm bảo chất lượng. Bác sĩ Tuấn cũng nói thêm rằng, tình trạng bệnh nhân bị hóp má trong suốt quá trình niềng chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ, tình trạng này sẽ chấm dứt sau 3-6 tháng. Do đó, mọi người cũng không cần phải quá lo lắng về tình trạng má hóp khi niềng răng.
Để khắc phục nhanh nhất tình trạng má hóp khi niềng, cũng như phòng ngừa tình trạng này. Bác sĩ Tuấn khuyên:
- Mọi người nên chú ý ăn uống đủ dinh dưỡng, khoa học. Chú ý nhai nhiều, nhai kỹ, nhai chậm và nhai đều cả 2 bên để cơ hàm được luyện tập thường xuyên..
- Nếu thời gian đầu niềng răng bị đau không thể ăn được thì có thể xay nhuyễn thức ăn nấu thành cháo dinh dưỡng, kết hợp uống sữa, ăn các đồ mềm.
- Nên lựa chọn cho mình những cơ sở chỉnh nha uy tín và bác sĩ có tay nghề cao. Như vậy sẽ đảm bảo bản thân được sử dụng trang thiết bị chỉnh nha tốt nhất, đồng thời các bác sĩ giàu kinh nghiệm có thể đưa ra liệu trình chỉnh nha phù hợp, hiệu quả an toàn mà hạn chế tình trạng má hóp.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn