Cúm, cảm lạnh là những bệnh về đường hô hấp rất phổ biến do virus gây ra và thường gặp hơn vào mùa đông. Dù hiếm gặp nhưng chúng cũng có thể gây ra nhiều biến chứng về hô hấp, nhiễm trùng thứ phát hoặc nhiễm khuẩn, trường hợp nặng có thể đe dọa tính mạng, nhất là nếu bệnh kéo dài dai dẳng. Ngay cả khi không xét đến biến chứng, dù không gặp nguy hiểm nhưng bản thân cúm và cảm lạnh lại gây ra rất nhiều khó chịu, ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.
Tuy nhiên, nhiều người thường cho rằng chúng là “bệnh vặt” nên lơ là trong phòng và điều trị. Bác sĩ Shimona B. Thakrar (Hoa Kỳ) cũng chỉ ra 8 sai lầm khi mắc cúm, cảm lạnh khiến bệnh ngày càng nặng, dai dẳng mãi không khỏi mà chúng ta cần tránh. Đó là:
Lời khuyên Shimona B. Thakrar là đừng ép cơ thể phải làm mọi việc, đáp ứng mọi thói quen sinh hoạt giống như lúc bạn đang khỏe mạnh. “Tuy không phải bệnh nặng nhưng đây vẫn là vấn đề sức khỏe cần thời gian để giải quyết. Cơ thể bạn cần năng lượng để chống lại virus cảm lạnh hoặc cúm.
Hãy ưu tiên nghỉ ngơi, tốt nhất là hủy bỏ những kế hoạch đi làm hoặc đi học trong 1 vài ngày để bệnh khỏi nhanh hơn, thay vì bạn ốm nặng hơn và phải nghỉ nhiều ngày hơn sau đó. Ngoài việc cho cơ thể thời gian và điều kiện phục hồi, bạn cũng sẽ tránh lây lan bệnh tới những người xung quanh” - bà nói.
Thực tế, hầu hết mọi người xem cảm lạnh và cúm là “bệnh vặt”. Họ sẽ cố chịu đựng để cơn ốm qua đi mà không dùng thuốc hoặc dùng thuốc theo thói quen, tự mua tại nhà thuốc. Tuy nhiên, những điều này có thể khiến tình trạng của bạn trở nên tồi tệ, hoặc không được điều trị dứt điểm và kéo dài dai dẳng, thậm chí chậm phát hiện các biến chứng nguy hiểm.
Bác sĩ Shimona B. Thakrar nói: “Bạn thường không cần phải đến gặp bác sĩ khi bị cảm lạnh thông thường. Nhưng hãy gọi cho họ nếu bạn có dấu hiệu bị cúm, chẳng hạn như sốt cao, đau nhức cơ thể và mệt mỏi. Họ có thể cung cấp cho bạn một loại thuốc kháng vi-rút như oseltamivir (Tamiflu) hoặc zanamivir (Relenza). Nếu uống một viên trong 48 giờ đầu khi bị bệnh, bạn có thể giảm bớt các triệu chứng và rút ngắn thời gian bệnh đi 1 hoặc 2 ngày”.
Có một thực tế là bạn cần ngủ đủ giấc, thậm chí ngủ nhiều hơn nếu đang bị cúm, cảm lạnh. “Đừng tiết kiệm giấc ngủ khi bạn bị cúm hay cảm lạnh. Không ngủ đủ sẽ làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, khiến bạn khó chống lại bệnh nhiễm trùng hơn. Tương tự, nó cũng làm nhiễm trùng lan rộng và bệnh thêm nặng, chưa kể còn khiến bạn lâu phục hồi hơn”- Bác sĩ Shimona B. Thakrar giải thích.
Ngủ đủ giấc rất cần thiết để cơ thể khỏi bệnh và phục hồi sau khi cảm lạnh, cúm (Ảnh minh họa)
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y tế Công cộng Hoa Kỳ cho thấy những người ngủ ít hơn 6 giờ mỗi đêm có nguy cơ bị bệnh cao gấp 4 lần so với những người ngủ ít nhất 7 giờ. Vì vậy, hãy đi ngủ sớm và ngủ trưa ngắn trong ngày. Khi bị cúm, cảm lạnh, giấc ngủ ban đêm càng trở nên quan trọng và nhớ đảm bảo môi trường đủ ẩm để giảm triệu chứng ho, khó chịu về đêm.
Theo bác sĩ Shimona B. Thakrar, việc sử dụng kháng sinh ngay khi bị cúm, cảm lạnh thông thường là không cần thiết. Thậm chí, lạm dụng chúng có thể khiến tình trạng của bạn tồi tệ hơn.
“Đơn thuốc đó sẽ không làm bạn cảm thấy dễ chịu hơn. Thuốc kháng sinh chỉ tiêu diệt vi khuẩn, còn cảm lạnh và cúm là do virus gây ra. Gần 1/3 số đơn thuốc kháng sinh là không cần thiết. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ, chẳng hạn như tiêu chảy và phản ứng dị ứng. Nó cũng góp phần gây ra một vấn đề sức khỏe toàn cầu to lớn: Kháng kháng sinh. Đó là lúc vi khuẩn đã quen với thuốc nên không còn tác dụng nữa” - bà nhắc nhở.
“Khi bị ốm, bạn có thể không cảm thấy thèm ăn, nhất là khi cổ họng khó chịu nhưng điều quan trọng là phải ăn thứ gì đó. Calo và chất dinh dưỡng sẽ cung cấp năng lượng cho các tế bào miễn dịch tấn công virus cảm lạnh và cúm. Kết quả là bạn có thể khỏe lại nhanh hơn” - Shimona B. Thakrar nói.
Ngoài ra, bà nhấn mạnh rằng người bị cúm, cảm lạnh càng phải ăn đúng giờ, không bỏ bữa chính và ăn thêm bữa phụ. Điều này giúp cơ thể không yếu đi, mắc thêm các rối loạn tiêu hóa khác và đủ dinh dưỡng để phục hồi nhanh hơn. Bà gợi ý rằng khi bị cúm, cảm lạnh có thể chọn ăn súp gà ấm. Nghiên cứu cho thấy rằng món ăn này giống như “bài thuốc cổ điển”, làm giảm nhiều triệu chứng khó chịu do cảm lạnh và cúm.
Không hiếm các trường hợp không thể ngừng uống bia rượu, hút thuốc khi bị cảm lạnh hay cúm. Trong số đó có người thì cho rằng chúng chỉ là “bệnh vặt” nên không có gì đáng lo. Một số khác thậm chí còn cho rằng bia rượu và thuốc giúp đỡ mệt mỏi, dễ ngủ và từ đó giúp nhanh khỏi bệnh, chí ít là thấy thoải mái vì làm điều mình thích.
Tuy nhiên, bác sĩ Shimona B. Thakrar cảnh báo rằng những thói quen này sẽ khiến cơn cảm lạnh, cúm của bạn trầm trọng, dai dẳng mãi không khỏi. Bà nói: “Hút thuốc làm tổn thương phổi và kích thích cổ họng của bạn. Điều đó có thể làm cho các triệu chứng cảm lạnh của bạn trở nên tồi tệ hơn. Vì vậy, hãy bỏ thuốc lá, tẩu, thuốc lá điện tự… và tránh xa cả khói thuốc thụ động”.
Tạp chí của Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ thì chỉ ra bia rượu có thể làm mất nước và kích hoạt phản ứng viêm, có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng cảm lạnh và cúm. Nó cũng làm suy giảm miễn dịch, lâu phục hồi hơn. Do đó, người bị cảm lạnh hoặc đang ốm nên tuyệt đối kiêng rượu và đồ uống có cồn”.
Khi cổ họng bạn đau, việc nuốt chất lỏng sẽ không dễ dàng và điều này khiến nhiều người lười uống nước hơn. Trong khi đó, uống nhiều nước hơn là điều cần thiết khi bạn bị cảm lạnh hay cúm.
Ngoài nước ấm, bạn có thể uống thêm trà thảo mộc khi bị cúm, cảm lạnh để nhanh khỏi (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Shimona B. Thakrar giải thích rằng: “Khi bạn uống đủ nước, bạn có thể làm loãng chất nhầy và làm tan tắc nghẽn. Nó cũng có thể chống lại chứng đau đầu, tăng cường miễn dịch, giảm ho. Hãy chắc chắn rằng bạn uống nhiều nước hơn bình thường. Nếu muốn tăng tác dụng, hãy dùng nước ấm nhẹ hoặc các loại trà thảo mộc. Các món súp giàu dinh dưỡng không quá đặc cũng tốt cho tăng cường miễn dịch, bớt mệt mỏi”.
Việc mệt mỏi trong người, phải thay đổi thói quen sinh hoạt, bỏ dở công việc hay học tập có thể khiến nhiều người suy nghĩ quá nhiều, dễ tức giận. Tuy nhiên, đây là những cảm xúc tiêu cực với tình trạng bệnh và chỉ làm bạn ốm càng nặng, càng lâu hơn.
Theo bác sĩ Shimona B. Thakrar: “Một loại hormone mà cơ thể bạn tạo ra khi bạn căng thẳng, tức giận sẽ gây khó khăn cho hệ thống miễn dịch. Nó cũng làm tăng tình trạng viêm, có thể khiến tình trạng nghẹt mũi của bạn trở nên tồi tệ hơn. Hãy cố gắng tập trung vào việc thư giãn và phục hồi, bạn có thể sẽ sớm trở lại bình thường”.
Bà cũng nhắc nhở thêm rằng, cảm lạnh và cúm đều là bệnh về đường hô hấp do virus gây ra, nên cách phòng ngừa sẽ tương tự nhau. Cách tốt nhất để phòng ngừa là tăng cường hệ thống miễn dịch bằng cách bổ sung đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, giảm căng thẳng và tập thể dục thường xuyên.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn