Ung thư vú là loại bệnh ác tính hay gặp nhất ở nữ giới, trong khi chỉ chiếm 1% đối với nam. Ngày nay, chúng ta đã có những hiểu biết sâu sắc hơn về các yếu tố nguy cơ gây bệnh cũng như biện pháp sàng lọc giúp phát hiện sớm và điều trị hiệu quả ung thư vú. Tuy nhiên, gánh nặng ung thư vú vẫn đang còn hiện hữu. Tại Việt Nam, thống kê cho thấy hàng năm có gần 22.000 người mắc mới, và hơn 9.000 ca tử vong.
Dưới đây, ThS.BS Phan Quang Đạt, Khoa Ngoại Tổng hợp Quán sứ, Bệnh viện K Trung ương, sẽ giúp bạn hiểu rõ về nguy cơ bệnh ung thư vú và 8 cách hữu hiệu để ngăn ngừa căn bệnh này.
Nguy cơ mắc ung thư vú được xác định là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Một số phụ nữ mắc bệnh mà không có yếu tố nguy cơ nào. Ngược lại có các yếu tố nguy cơ cũng không đồng nghĩa với việc bạn sẽ mắc bệnh, mỗi yếu tố có hiệu ứng khác nhau lên quá trình phát sinh bệnh.
Các yếu tố nguy cơ được chia làm hai nhóm: không thể thay đổi và có thể thay đổi.
Nhóm yếu tố không thể thay đổi gồm:
- Tuổi cao: Nguy cơ mắc ung thư vú tăng dần theo tuổi, phần lớn phụ nữ được chẩn đoán bệnh từ sau 50 tuổi.
- Di truyền: Người nhận di truyền với một số gene bị thay đổi (đột biến), ví dụ BRCA1 và BRCA2 có nguy cơ cao mắc ung thư vú và ung thư buồng trứng.
- Tiền sử sinh dục: Dậy thì sớm trước 12 tuổi và mãn kinh muộn sau 55 làm cơ thể tiếp xúc với hormone sinh dục dài hơn, làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
- Mắc ung thư vú trước đó hoặc một số bệnh lành tính ở tuyến vú như tăng sản không điển hình cũng làm tăng khả năng mắc ung thư vú.
- Tiền sử gia đình có người mắc ung thư vú hoặc ung thư buồng trứng. Những người này có thể là mẹ, chị, em gái hoặc nhiều người mắc bệnh bên nội hoặc ngoại.
- Điều trị tia xạ vào lồng ngực trước đó khi chữa các bệnh như u lympho Hodgkin trước 30 tuổi.
- Tiếp xúc với các hóa chất, thuốc như diethylstillbestrol.
- Nhu mô tuyến vú đặc: Chủ yếu là mô liên kết, ít thành phần mỡ. Phụ nữ có tuyến vú dạng này nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn người tuyến vú có nhiều mỡ. Bên cạnh đó, điều này còn gây khó khăn trong việc xác định tổn thương trên phim chụp tuyến vú.
Nhóm yếu tố có thể thay đồi gồm:
- Lối sống ít hoạt động thể lực.
- Quá cân hoặc béo phì sau mãn kinh.
- Sử dụng hormone: Một số dạng hóc môn thay thế sử dụng sau mãn kinh hoặc một số thuốc tránh thai có thế tăng nguy cơ ung thư vú nếu sử dụng thời gian dài.
- Mang thai lần đầu sau 30 tuổi, không nuôi con bằng sữa mẹ.
- Uống nhiều rượu bia, hút thuốc lá.
Từ những hiểu biết về các yếu tố nguy cơ kể trên, bạn có thể làm giảm thiểu nguy cơ mắc ung thư vú bằng 8 cách sau đây:
1. Giữ cân nặng hợp lý để vừa có một thân hình khỏe đẹp vừa ngừa được nhiều bệnh lý như tim mạch, ung thư.
2. Tăng cường hoạt động thể chất, tập luyện thể dục thể thao đều đặn tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Điều này giúp cải thiện sức khỏe và tâm trạng, một phần bạn sẽ kiểm soát được cân nặng.
3. Ăn nhiều rau xanh và trái cây, tránh uống bia rượu. Một chế độ ăn lành mạnh giúp giảm nguy cơ của nhiều bệnh ung thư.
4. Không hút thuốc: Các chất độc có trong thuốc lá (kể cả thuốc lá điện tử) có thể gây nên 15 loại ung thư khác nhau bao gồm ung thư vú. Nếu bạn đang có thói quen hút thuốc hay cố gắng bỏ nó, chưa bao giờ là quá muộn cho quyết định này. Nếu gặp khó khăn trong quá trình cai thuốc lá, bạn có thể nhờ đến sự hỗ trợ của các chương trình bỏ thuốc lá.
5. Cho con bú trong 2 năm đầu đời ngoài tác dụng tuyệt vời có sự phát triển trí não và miễn dịch của em bé nó còn giúp giảm nguy cơ mắc ung thư vú.
6. Tránh sử dụng thuốc tránh thai đặc biệt sau 35 tuổi hoặc bạn có hút thuốc. Thuốc tránh thai làm tăng nhẹ yếu tố nguy cơ mắc ung thư vú, và làm tăng khả năng mắc các bệnh tim mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim đặc biệt là với phụ nữ hút thuốc. Bên cạnh đó thuốc cũng mang lại những lợi ích như tránh mang thai ngoài ý muốn, giảm nguy cơ các bệnh ung thư buồng trứng, đại trực tràng và ung thư tử cung. Nếu bạn thực sự lo lắng về khả năng mắc ung thư vú của mình thì tránh sử dụng thuốc tránh thai là một lựa chọn để giảm nguy cơ.
7. Tránh dùng hormone sau khi mãn kinh thời gian dài để phòng ngừa các bệnh mạn tính như loãng xương và tim mạch. Cả estrogen và progrestin đều làm tăng khả năng ung thư vú. Nếu thấy cần phải sử dụng hóc môn thì nên dùng trong một thời gian ngắn nếu có thể. Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để có quyết định phù hợp nhất.
8. Sử dụng Tamoxifen và Raloxifen với phụ nữ có nguy cơ cao. Các thuốc này có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc ung thư vú, được FDA chấp thuận sử dụng với người có nguy cơ cao mắc ung thư vú. Tuy vậy, thuốc cũng có những tác dụng không mong muốn và không phải ai cũng phù hợp để sử dụng. Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết bạn có thể sử dụng chúng.
Bên cạnh việc làm giảm các yếu tố nguy cơ thì việc sàng lọc cũng rất quan trọng, đừng quên chụp X-quang tuyến vú (nhũ ảnh) hàng năm sau 40 tuổi hoặc sớm hơn với người có nguy cơ cao, nhằm phát hiện các tổn thương sớm để điều trị hiệu quả.
Thường xuyên tự khám vú, điều này không có lợi ích trong ngăn ngừa hay phát hiện sớm bệnh ung thư nhưng bạn sẽ có thói quen quan tâm đến sức khỏe cũng như nhận ra những thay đổi sớm về hình thể tuyến vú để thông báo cho bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn