Bác việc đổi 'học phí' thành 'giá dịch vụ đào tạo'

13:21 | 30/05/2018;
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội về dự thảo Luật GD Đại học sửa đổi thể hiện sự không đồng tình khi đổi thuật ngữ “học phí” thành “giá dịch vụ đào tạo” vì lo ngại làm lệch quan điểm giáo dục.

Tránh thương mại hóa giáo dục

Sáng 30/5, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Phan Thanh Bình báo cáo trước Quốc hội các nội dung thẩm tra về Luật GD đại học sửa đổi. Trong đó, cơ quan này không nhất trí việc thay thuật ngữ “học phí” bằng “giá dịch vụ đào tạo” như thể hiện trong dự thảo Luật.

Theo ông Bình, việc sử dụng khái niệm "học phí" (cũng đã được quy định trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục) vừa thể hiện quan điểm coi giáo dục là lĩnh vực đặc thù, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế và vừa tránh cách tiếp cận theo hướng thương mại trong giáo dục.

binh.jpg
Ông Phan Thanh Bình nêu các điểm chưa đồng tình về đề xuất sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Ảnh: VPQH
 

Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ, đa số thành viên Ủy ban tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ, cũng như quy định cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước (khoản 2 Điều 65).

Tuy nhiên, cơ quan này đề nghị nghiên cứu quy định rõ nguyên tắc tính đúng, tính đủ chi phí đào tạo cần thiết làm căn cứ để xây dựng khung giá, mức giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện.

“Đi đôi với cơ chế thu dịch vụ, cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học, để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo. Bên cạnh đó cần quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí” – ông Phan Thanh Bình cho hay.

Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, đa số thành viên Ủy ban đề nghị cần làm rõ hơn khái niệm tự chủ, nội hàm quyền tự chủ, khái niệm năng lực tự chủ; quy định chặt chẽ hơn ngay trong Luật về phạm vi, mức độ, điều kiện thực hiện quyền tự chủ phù hợp với năng lực của cơ sở GDĐH và yêu cầu chi tiết về trách nhiệm giải trình.

đồng thời, quy định trong Dự thảo Luật nguyên tắc pháp lý cần thiết nhằm tạo sự đồng bộ trọng hệ thống pháp luật về vấn đề tự chủ cho các cơ sở GDĐH, đặc biệt là nguyên tắc liên quan đến công tác tổ chức – nhân sự, tài chính và tài sản. Ngoài ra, cân nhắc việc giao cho Chính phủ ban hành quy định chi tiết hướng dẫn tự chủ và trách nhiệm giải trình theo năng lực của cơ sở giáo dục (khoản 4 của Điều 32), vì điều này có thể sẽ làm chậm quá trình triển khai tự chủ trong thực tiễn.

Mở ngành phải có quy định cứng về giảng viên cơ hữu

Về các đề xuất sửa đổi lĩnh vực đào tạo theo hướng các cơ sở giáo dục được phép tự chủ mở ngành đào tạo, đa số ý kiến tán thành nội dung  này, tuy nhiên cần theo hướng quy định rõ điều kiện, yêu cầu và chế tài cụ thể đối với việc mở ngành đào tạo các trình độ giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, cơ sở đạt chuẩn kiểm định chất lượng mới được tự chủ mở ngành đào tạo các trình độ (trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên, an ninh quốc phòng) tương ứng vị thế và năng lực của nhà trường.

dang-ky-goi-miusv-mobifone-1473220525019.jpg
Tự chủ mở ngành đào tạo là một trong những nội dung sửa đổi của dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Ảnh minh họa
 

Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định cứng việc bảo đảm số lượng giảng viên, cán bộ khoa học cơ hữu đối với mở ngành đào tạo vì thực tế cơ sở GDĐH có quyền mời giảng viên thỉnh giảng.

Liên quan đến các quyền hạn của Hội đồng trường, Ủy ban cho biết dự thảo Luật đã có nhiều sửa đổi, bổ sung về quyền hạn, nhiệm vụ của Hội đồng trường theo hướng là tổ chức quản trị có thực quyền trong trường công lập, nhất là trong vấn đề nhân sự và quản lý tài chính, tài sản.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề nghị cần tiếp tục rà soát kỹ để quy định của Luật vừa chặt chẽ vừa có tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị cần nghiên cứu quy định rõ hơn về cơ chế phân chia trách nhiệm, phối hợp hoạt động giữa Hội đồng trường và Ban giám hiệu (Hiệu trưởng) trong quản trị nhà trường cũng như vai trò, vị trí và cơ chế giám sát của các tổ chức chính trị, đoàn thể nhằm bảo đảm dân chủ ở cơ sở. Đồng thời, phân định rõ hơn mối quan hệ giữa nhà trường và cơ quan quản lý liên quan.

Chiều nay 30/5, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn