Bài 1: Đẻ tại nhà và trải nghiệm của người trong cuộc

11:03 | 07/08/2018;
“Tối ấy, mình vẫn làm việc bình thường là cạo ngô, sau đó ăn cơm rồi đi ngủ. Đến tầm hơn 10 giờ đêm, thấy đau bụng, cứ tưởng do thức ăn không tốt. Mình chịu đau, cố ngủ mà không ngủ được, cứ chạy ra chạy vào buồng ngủ cho đến tận 1 giờ sáng mà không biết là mình đang đau đẻ…” - Đó là chuyện về cái đêm đẻ con tại nhà của một người phụ nữ trẻ sinh năm 1990 ở thành phố Lào Cai.

Vừa đi làm nương về thì đau đẻ

Chị Lý Tả Mẩy sinh năm 1984 ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, Lào Cai. Vào tháng 4/2005, khi mang thai đứa con đầu, đến ngày sinh, chị Mẩy bị đau nhiều suốt một ngày một đêm. Chị bảo: “Mình thấy sợ, nên đã tìm ra bệnh viện huyện để sinh”. Tuy nhiên, 2 năm sau đó, tức 2007, khi chị mang thai lần thứ hai, vào một buổi chiều muộn, khi vừa đi nương rẫy ở xa lấy củi, về chưa đến nhà thì thấy bụng quặn lên và cơn đau đẻ của chị ập đến.

Kể về ca sinh đẻ này, chị Mẩy cho biết: “Tôi không chuẩn bị được gì cho việc sinh đẻ. Khi ấy thấy đau, chỉ tìm vào buồng ngủ rồi ngồi ở trong đó rặn đẻ. Khi em bé ra được ngoài, tôi lấy một ít rơm lúa đang có sẵn trong buồng trải ra làm ổ rồi đặt con vào đó. Khi này, tôi vẫn đau và rốn vẫn chưa cắt được, nhưng cũng may, do có người biết đi gọi mẹ chồng nên đúng lúc đó bà đến. Bà lấy một cái que (được làm bằng tre, đã được vót sẵn từ trước tạo thành cạnh sắc gần như dao) giúp tôi cắt rốn cho con. Sau đó, tôi nằm bên cạnh nghỉ ngơi còn mẹ chồng thì đi đun nước nóng để giúp tắm rửa cho con và mẹ. Sau đó, mẹ chồng là người bế con lên giường ngủ, còn tôi vẫn nằm yên tại chỗ chờ cho qua cơn đau suốt đêm thì ổn”.

Chị Lý Tả Mẩy (ở Sả Séng, Tả Phìn): “Nếu con dâu sống chung với mẹ chồng thì người đỡ đa số là mẹ chồng. Trong trường hợp nếu sống tách riêng thì người  chồng là người tự đỡ đẻ cho vợ. Nếu chồng đi vắng, trong nhà không có ai thì người mẹ tự đẻ một mình…”.

Với chị Lý Tả Mẩy (sinh năm 1990) ở thôn Xéo Tả 1, xã Tả Phời, thành phố Lào Cai cũng cho biết: “Em cũng sinh con tại nhà. Lần đầu em sinh, hình như chưa đủ tháng - em cũng không biết rõ về điều này. Trước đó, cứ tính có thể tháng 7 mới sinh nhưng khi ấy mới là tháng 6. Tối ấy, mình vẫn làm việc bình thường, cạo ngô, sau đó ăn cơm  lúc khoảng 6-7 giờ tối, ăn xong thì ngủ, đến tầm 10-11h, lại đau bụng, vẫn không nghĩ là đẻ, vẫn tưởng là do ăn thức ăn gì không tốt nên dẫn đến đau bụng bình thường. Em cứ chịu đau suốt từ đó. Trong nhà, chỉ có ông bà và chồng thì đi làm rẫy xa. Mọi người không biết là em đau. Em cứ cố chịu đựng, cố ngủ nhưng không được, cứ chạy ra ngoài rồi lại chạy vào trong nằm nhưng không đỡ. Em chịu đựng mãi đến khoảng 1 giờ đêm thì tự nhiên thấy em bé đòi ra.

Lúc đấy, em gọi mẹ chồng vào cùng trong buồng và giúp đỡ em các việc. Vì đẻ tại nhà khác với ở trạm, không có gì nhiều để chuẩn bị cho bà đẻ, cái gì cũng thiếu. Lúc em bé ra rồi, mẹ chồng em lấy khăn quấn cho em bé, lấy kéo cắt mảnh vải cũ ra rồi buộc lại và đặt em bé sang giường khác để cho ngủ. Sau đó, mẹ chồng là người đi đun nước nóng để cho em tắm.

Theo quan niệm của người Dao, khi phụ nữ đẻ xong, trong người sẽ rất lạnh nên có tục là sẽ nấu nồi nước đập kèm  một nắm gừng tươi vào rồi đánh thêm 2 quả trứng gà sau đó cho em ăn để ấm người lại. Lúc đấy, cũng may em không bị chảy máu nhiều nên cũng không mệt và không sợ lắm. Sau khi tắm, ăn cháo trứng gừng xong thì em nằm trên giường nghỉ ngơi, hôm sau thì cho con bú và vài ngày sau thì có thể tự làm được các việc trong nhà”.

* Clip chia sẻ của chị Lý Tả Mẩy (thôn Séo Tả 1, xã Tả Phời, T.P Lào Cai) về trải nghiệm đẻ tại nhà:

 
Theo số liệu của Trạm y tế xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ trong xã tự đẻ tại nhà vẫn còn ở mức cao, đặt biệt là ở trong đồng bào Mông, Dao. Năm 2017, cả xã có 78 ca đẻ, chỉ có 2 ca là ra sinh ở trạm xá xã (6 tháng đầu năm 2018 chưa có ca nào); trong số đó, chỉ một số ít ca khó sinh thì chị em mới được người nhà đưa lên bệnh viện huyện Sa Pa để khám và sinh đẻ, còn lại đa số là chị em đang tự đẻ ở nhà với tỷ lệ hiện chiếm khoảng 60%”.

(Còn tiếp) Bài 2: Đẻ tại nhà và những lý giải nguyên nhân của người trong cuộc

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn