Năm 2021, có 46/48 siêu thị được khảo sát đang cung cấp túi nilon miễn phí. Trung bình, mỗi siêu thị tiêu thụ khoảng 1.454 túi nilon/ngày, dao động từ 70 đến 2.800 túi. Việt Nam đang đối mặt với nhiều nguy cơ từ rác thải nhựa. Lượng rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng. Khối lượng rác thải nhựa đổ ra biển mỗi năm khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm (chiếm gần 6% tổng lượng rác thải nhựa xả ra biển của thế giới).
Trong khi đó, báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) chỉ ra, mỗi năm thế giới sản xuất 400 triệu tấn nhựa. Và khoảng 79% lượng rác thải nhựa trên thế giới thải ra bãi rác/chôn lấp hoặc thải ra môi trường, 12% đốt tại các lò rác và chỉ có 9% được tái chế. Với thực trạng rác thải nhựa gần như bị thả nổi thế này, đến 2050, thế giới sẽ có khoảng 12 tỷ tấn rác thải nhựa bị thải ra môi trường tự nhiên, gây ra "ô nhiễm trắng" đối với môi trường toàn cầu.
Tại Việt Nam, bình quân mỗi gia đình sử dụng khoảng 1 kg túi nilon/tháng, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, trung bình mỗi ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn rác thải nhựa và túi nilon, nhưng chỉ có khoảng 11-12 % số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt và thải ra ngoài môi trường.
Tác hại ô nhiễm môi trường từ rác thải nhựa và túi nilon
Hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon đang rất nghiêm trọng và đáng lo ngại. Theo báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), mỗi năm, chúng ta thải ra một khối lượng nhựa đủ để trải quanh trái đất 4 lần, trong đó 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi, đổ ra đại dương. Mỗi phút có 1.000 túi nhựa được tiêu thụ, nhưng chỉ có 27% trong số đó được xử lý và tái chế.
Ở Việt Nam, nhựa và túi nilon đã trở thành những vật dụng thường ngày, là thói quen của phần lớn người dân. Do bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, các sản phẩm từ nhựa và túi nilon được sử dụng phổ biến. Đặc biệt, lượng túi nilon tăng theo từng năm.
Theo nghiên cứu, rác thải nhựa và túi nilon chôn lấp gây ô nhiễm môi trường đất và nước, gây cản trở sự sinh trưởng và phát triển của các loài thực vật, đồng thời là nguyên nhân gây xói mòn đất, ảnh hưởng đến sự phát triển sinh thái trong vùng. Túi nilon còn làm tắc nghẽn cống, rãnh, kênh, rạch, gây ngập úng... Với việc đốt túi nilon thì sẽ thải khí chứa dioxin và furan, chất độc gây ngộ độc, ảnh hưởng đến tuyến nội tiết, giảm khả năng miễn dịch, rối loạn chức năng tiêu hóa và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ và gây ung thư.
Lời kêu gọi
Trước thực trạng trên, tháng 6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp nâng cao trách nhiệm xã hội, cùng chung tay chống rác thải nhựa, tích cực tham gia phân loại, thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; các cửa hàng, siêu thị, nhà hàng, khu du lịch, dịch vụ, khách sạn… không sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần; khuyến khích người mua sắm tự mang bao bì, túi đựng sử dụng nhiều lần, sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường. Phấn đấu đến năm 2021 các cửa hàng, chợ, siêu thị ở các đô thị không sử dụng đồ nhựa dùng một lần; đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020. Theo đó, đến 2020, giảm 65% khối lượng túi nilon khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010. Tiếp đó, đề án tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường được sử dụng tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi nilon khó phân hủy.
Hiệu quả chưa cao
Phong trào nhận được những cam kết mạnh mẽ của Liên minh các nhà bán lẻ, các đơn vị bán lẻ, sự đồng hành của các đối tác giảm chất thải nhựa, trong thời gian tới, các thành viên sẽ triển khai các hoạt động giảm túi nilon và rác thải nhựa. Tại hệ thống siêu thị TOPS Markets, hoạt động Ngày không túi nilon sẽ tiếp tục được triển khai vào thứ 4 hàng tuần trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hải Phòng và thành phố Cần Thơ. Tại hệ thống siêu thị AEON Việt Nam, Ngày không túi nilon được thực hiện vào thứ 2 đầu tiên của mỗi tháng tại Trung tâm Bách hóa siêu thị và tổng hợp Tân Phú (Thành phố Hồ Chí Minh) và Long Biên (Hà Nội).
Hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon (3/7), Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Sở Công Thương Thành phố Hà Nội phối hợp với các đối tác đồng hành giảm rác thải nhựa và các thành viên trong Liên minh các nhà bán lẻ bao gồm: TH true mart, Central Retail, MM Mega Market Việt Nam, AEON Việt Nam, LOTTE Mart Việt Nam triển khai hoạt động không dùng túi nilon tại các đơn vị bán lẻ.
Bên cạnh đó, các đơn vị còn thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của túi nilon như tổ chức các mini - game: "Trả lời đúng, trúng quà xinh", "Tạm biệt túi nilon", "Lời nhắn gửi tương lai", tổ chức cuộc thi trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội nhằm truyền thải thông điệp "Bớt túi nilon, thêm nhiều mầm sống".
Hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế không sử dụng túi nilon tại các đơn vị bán lẻ là bước khởi đầu để triển khai thành công mục tiêu giảm ô nhiễm rác thải nhựa của Việt Nam. Các đơn vị đã giảm được gần 40.000 túi nilon, đồng thời thu hút sự tham gia của hàng chục nghìn lượt khách hàng tại các khu mua sắm và trên nền tảng trực tuyến.
Từ năm 2026 sẽ thực hiện xử phạt các siêu thị, trung tâm thương mại cung cấp túi nilon dùng một lần cho khách hàng.
Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và môi trường), đưa ra tại hội thảo tổng kết dự án thí điểm "Sáng kiến thành lập Liên minh siêu thị nhằm giảm thiểu việc tiêu thụ túi nilon dùng một lần tại Việt Nam" (Dự án PLASTIC ALLIANCE), diễn ra ngày 20/4 tại Hà Nội. Trong khuôn khổ của dự án, Liên minh các nhà bán lẻ giảm túi nilon đã được thành lập với sự cam kết tham gia của 16 nhà bán lẻ, cũng như sự ủng hộ tích cực của các đối tác đồng hành giảm chất thải nhựa.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn