Bài 2: Chợ nông sản online cam kết chất lượng, rủi ro vẫn rình rập người tiêu dùng

16:07 | 06/11/2018;
Tem truy xuất nguồn gốc, tem chống hàng giả, minh bạch quy trình sản xuất qua camera theo dõi trực tiếp… là cách các gian hàng nông sản online đang áp dụng để tăng thêm sự tin tưởng của khách hàng. Nhưng dù vậy, rủi ro vẫn luôn rình rập những khách hàng thiếu kinh nghiệm khi mua sắm qua mạng.
Đa dạng về chủng loại, đặt hàng dễ dàng, có người giao hàng tận nơi, thanh toán linh hoạt, thậm chí còn được đổi trả hàng nếu không đảm bảo chất lượng, các chợ online đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng.
 
Rủi ro luôn tiềm ẩn
 
Với hình thức mua sắm gián tiếp, thông qua hình ảnh và lời giới thiệu của người bán, luôn có rủi ro vẫn luôn tiềm ẩn với người mua online.
 
Chị Phương Minh (phố Đội Cấn, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện mới đây của chị khi đặt mua rau sạch, tại nhóm mua sắm dành cho chị em trên mạng xã hội. Người bán đăng bài giới thiệu, có chụp ảnh cả mớ rau được gắn tem truy xuất nguồn gốc. Tin tưởng rau an toàn, dù giá cao gấp hai lần so với ngoài chợ, chị Phương vẫn đặt mồng tơi, rau muống, su su, bầu bí…, mỗi loại một chút để nấu cháo cho con nhỏ.
 
nong-san-10.jpg
Đa dạng về chủng loại, đặt hàng dễ dàng, có người giao hàng tận nơi, chợ nông sản online đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng

 

Những mớ rau giao đến cho chị Minh được đựng trong túi nylon không nhãn mác và không hề thấy có chiếc tem truy xuất nào được dán trên sản phẩm. Thắc mắc hỏi người bán, chị Minh nhận được câu trả lời: Nhà cung cấp có dán tem truy xuất dành cho cả gói lớn, nên khi bán lẻ, người bán đã tách ra từng phần nhỏ để dễ bán. Trước lời giải thích không mấy thuyết phục đó, chị Minh e ngại, không biết thực sự những mớ rau mình mua có được gắn tem truy xuất hay không?
 
nong-san-12.jpg
Người tiêu dùng chọn mua online với hy vọng có thể mua được nông sản sạch.

 

Tương tự như vậy, chị Trần Thanh Thúy (phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) đặt mua thanh long đỏ được giới thiệu là của nhà vườn trên Ba Vì, được trồng theo tiêu chuẩn VietGap, cắt và giao cho khách ngay trong ngày. Nhưng khi nhận hàng, chị Thúy kiểm tra thấy những trái thanh long mát lạnh và đổ mồ hôi như bảo quản trong tủ lạnh. Cắt thử một trái, bên ngoài lớp vỏ vẫn tươi nguyên nhưng bên trong ruột đã có dấu hiệu bị nẫu. Nghi ngờ trái cây đã thu hái từ lâu và bảo quản trong kho lạnh, chị Thúy từ chối mua hàng và nhận được phản hồi không hay của người bán hàng.
 
nong-san-online.jpg
Những sản phẩm luôn được quảng cáo hấp dẫn, bắt mắt

 

Hàng xóm của chị Thúy, chị Nguyễn Thị Loan cũng chuốc bực vào người khi mua hải sản Phú Quốc. Rã đông khay tôm sú để chế biến, dù hạn sử dụng vẫn còn tới 2 tháng nhưng đầu và thân tôm đã rời khỏi nhau và bốc mùi ươn rất khó chịu.
 
Nhắn tin phản hồi, người bán nhẹ nhàng xin lỗi, nhờ chị giữ lại khay tôm, để người giao hàng quay lại đổi cho chị khay khác. Nhưng chờ sang đến cả ngày hôm sau, vẫn không có người đến nhận lại. Nhắn tin, người bán vẫn tiếp tục xin lỗi vì người giao hàng không cùng tuyến đường, chưa đến nhà chị được.
 
Chị Loan hỏi địa chỉ cửa hàng để đến tận nơi đổi nhưng đây chỉ là một gian hàng online, không có địa điểm bán trực tiếp. Khay tôm thì mỗi lúc một bốc mùi, chị Loan không còn cách nào khác, đành phải vất vào thùng rác.
 
Phản ứng của người tiêu dùng
 
Quay trở lại với cuộc khảo sát nhỏ dành cho 30 người tại khu dân cư thuộc phường Ngọc Hà, Q. Ba Đình, Hà Nội. Những câu chuyện về rủi ro khi mua nông sản online hầu như người nào cũng gặp một đôi lần. Nhưng điều đáng nói là cách giải quyết của người tiêu dùng, hầu hết họ đều coi là chuyện rủi ro và tặc lưỡi cho qua.
 
nong-san-4.JPG
Im lặng, bỏ qua là cphản ứng của nhiều người khi mua nông sản online không đúng như quảng cáo

 

Chị Nguyễn Thị Loan cho biết, sau lần mua phải tôm hỏng, chị cho cửa hàng online đó vào danh sách đen và không bao giờ mua hàng ở đó nữa. Theo chị Loan, giá trị của các món đồ nông sản cũng không đáng là bao, nên chị không lựa chọn cách phản ánh đến Cục bảo vệ người tiêu dùng hay đường dây nóng của báo chí…, để tránh mất thời gian và phiền phức. Hơn nữa, đây là mua bán online, mọi giao dịch qua mạng, chỉ cần họ khóa nick hay đóng cửa trang web bán hàng là hết bằng chứng nên muốn tố cáo cũng khó.
 
Đây cũng là suy nghĩ chung của nhiều người tiêu dùng nếu gặp rủi ro khi mua đồ nông sản trên mạng. Nhẹ nhàng thì bỏ qua, không tiếp tục mua sắm. Gay gắt hơn, một số người chọn cách viết bài đánh giá, kêu gọi mọi bạn bè tẩy chay mua bán trên gian hàng online đó.
 
nong-san-11.jpg
Chọn cửa hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên từng sản phẩm, mua đúng mùa vụ là cách để tránh rủi ro khi mua nông sản online

 

Theo chị Phùng Thu Hương (thành viên Organic Group, tổ chức kết nối và phát triển sản vật vùng miền), mua nông sản online là một trong những thói quen mua sắm phổ biến của người tiêu dùng hiện đại. Tuy nhiên, mua sản phẩm của những gian hàng uy tín, có đảm bảo nguồn gốc xuất xứ rõ ràng trên từng sản phẩm, đúng mùa vụ là cách để tránh rủi ro khi mua nông sản online.
 

Để bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội vừa tham mưu UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch "Chợ thương mại điện tử" tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn theo theo chuỗi trên địa bàn TP Hà Nội.

Theo đó, giai đoạn từ năm 2019 đến 2021, thành phố đảm bảo 100% nông sản truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo các quy định tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, các quy định khi đưa vào giới thiệu và tiêu thụ trên kênh mua sắm trực tuyến; trên 80% sản phẩm nông sản của Hà Nội được giới thiệu trên kênh mua sắm trực tiếp; trên 50% số người có sử dụng internet trên địa bàn Hà Nội hiểu về các thông tin và có thể tham gia sử dụng dịch vụ mua sắm nông sản trên trang mua bán nông sản trực tuyến; trên 80% người dân Thủ đô được tuyên truyền về hình thức mua sắm trực tuyến nông sản an toàn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn