Sự việc em Thào Thị V., nữ sinh lớp 8 của trường THCS THCS Hố Mít (huyện Tân Uyên, Lai Châu) cầu cứu thầy cô giáo vì bị ép lấy chồng đã làm lay động trái tim xót thương của nhiều người khi biết câu chuyện. Em V. bị gia đình ép lấy người cậu họ, hơn em 3 tuổi. Trong lá thư gửi cho các thầy cô của mình. V. khăng khăng "nếu lấy họ thì chết còn hơn".
Nhận được lá thư của em, ngay lập tức, nhà trường, cấp ủy chính quyền địa phương, lực lượng công an đã cùng vào cuộc để gỡ khó cho em.
"Khi chúng tôi đến nhà làm công tác tư tưởng cho gia đình, thì mẹ của V. cho biết, sẽ không can thiệp vào chuyện yêu đương, hôn nhân của con mình nữa"- đại diện tổ công tác cho hay.
Được biết, trước đó, dịp sau Tết nguyên đán, gia đình cũng từng ký vào bản cam kết không bắt con gái nghỉ học ở nhà lấy chồng nhưng rồi sau đó mọi việc vẫn tiếp diễn, khiến em V. phải viết lá thư cầu cứu gửi cho thầy cô giáo của mình.
Nạn tảo hôn bao nhiêu năm qua vẫn là vấn đề nhức nhối tại xã Hố Mít, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu. Quan điểm cho con lấy vợ/chồng sớm đã ngấm vào gốc rễ của tiềm thức đồng bào. Họ muốn các con sớm yên bề gia thất để ổn định cuộc sống; lấy vợ để có thêm lao động phụ giúp công việc gia đình đồng áng và sinh con đẻ cái nối dõi dòng họ...
Thế nên có những em học sinh còn đeo khăn quàng trên vai, chưa phải là đoàn viên đã bị giục lấy chồng; có những người phụ nữ mới 40 tuổi đã lên chức "bà". Thêm vào đó, mạng xã hội phát triển rầm rộ, bố mẹ cho con sử dụng điện thoại sớm nên các em chỉ cần kết bạn, tìm hiểu và yêu đương qua nhắn tin, thấy thích nhau, dù chưa có tình yêu nhưng đã muốn theo về ở cùng.
Theo nguồn tin của xã, những năm trước, trên địa bàn xã có 2 cặp vừa tảo hôn, vừa cận huyết. Một cặp là con của chị lấy con của em gái (bản Thào); 1 cặp là con của anh trai lấy con của em gái (bản Tà Hử). Những cặp này từng sinh con. Một trường hợp đứa trẻ sinh ra một thời gian thì mất. Trường hợp còn lại, đứa trẻ sức khỏe yếu và bị suy sinh dưỡng.
Đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng tảo hôn và hôn nhân cận huyết của xã đã giảm so với nhiều năm trước. Thế nhưng năm 2023, trong 24 cặp vợ chồng lấy nhau vẫn có tới 12 cặp tảo hôn. Từ đầu năm 2024 đến nay, có 1/4 cặp tảo hôn/tổng số cặp vợ chồng lấy nhau và tỷ lệ trẻ sinh ra thấp còi trên địa bàn xã chiếm 23%, tỷ lệ trẻ không đảm bảo cân nặng chiếm 22%. Song có lẽ đây chỉ là con số báo cáo, còn thực tế, tỷ lệ còn cao hơn nhiều.
Bao năm qua, cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, trường học, lực lượng công an xã Hố Mít đã vào cuộc quyết liệt tuyên truyền, vận động, thuyết phục, thậm chí có cả chế tài xử phạt; đưa vào quy ước, hương ước của các bản để thực hiện nhưng nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết vẫn diễn ra.
Anh Bùi Tiến Sỹ - Phó Chủ tịch UBND xã Hố Mít – người "nằm lòng" địa bàn và quá thông thuộc tập tục, thói quen của bà con nơi đây chia sẻ, xã có tỷ lệ đồng bào người Mông cao, chiếm tới 97%, việc tảo hôn giống như đến mùa thì lúa trỗ đòng đơm bông, cây ngô trưởng thành thì ra bắp vậy.
Anh Sỹ cho hay, do biết sự can thiệp, ngăn cản của chính quyền nên các gia đình tìm cách né tránh. Thay vì bắt vợ, kéo vợ như trước thì nay họ lẳng lặng để các con về ở với nhau, không thông báo cho những người xung quanh. Sau khi làm hết các thủ tục theo phong tục người Mông thì mới mời họ hàng đến nhà gái. Hoặc khi tổ công tác phát hiện thì bố mẹ cho biết các cháu chỉ đến chơi nhà, nhưng theo dõi một thời gian thì các bé gái đã có thai nên việc can thiệp xử lý là vô cùng khó.
Để huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực hơn, năm 2023, Tỉnh Lai Châu đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU về xóa bỏ hủ tục, phong tục, tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh trong Nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu giai đoạn 2024-2030. Việc ban hành Nghị quyết 15 có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đẩy lùi nạn tảo hôn, bảo vệ bình quyền phụ nữ và hướng tới một cuộc sống văn minh trong thế giới hiện đại.
Thiết nghĩ, bên cạnh việc tuyên truyền về chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết, chúng ta cần phải nghiêm khắc xử lý những người vi phạm theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình, theo hương ước, quy ước của bản…
Chính quyền, lực lượng chức năng cần mạnh mẽ áp dụng chế tài của pháp luật, địa phương trước "cái lý người Mông" để những bé gái như em V. tiếp tục được đi học, thực hiện ước mơ, khát khao của tuổi trẻ chiếm lĩnh tri thức, làm chủ tương lai, cũng là tiếp thêm sức mạnh cho em dũng cảm vượt qua những tấm chắn "bờ rào đá" của đồng bào mình vốn đã được kỳ công xếp đặt hàng thế kỷ qua.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn