Từ ngày 27/4, đợt dịch Covid-19 thứ tư bắt đầu bùng phát, khởi đầu từ Yên Bái rồi đến Hà Nam, Vĩnh Phúc và lan ra nhiều tỉnh thành khác. Cũng từ đó, nhân viên y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) các tỉnh phải căng mình làm việc không kể ngày đêm để truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm nhằm phục vụ công tác chống dịch. Hiện nay, Bắc Giang đang là tâm dịch của cả nước khi số ca nhiễm đã trên 1.000 trường hợp, dự kiến sẽ còn tăng lên. Đặc biệt, tại Bắc Giang phần lớn ca mắc Covid-19 là công nhân nên tốc độ lây lan nhanh chóng, đến nay nhiều nhà máy, khu công nghiệp đã phải dừng hoạt động. Số công nhân phải xét nghiệm cũng rất lớn lên đến vài chục ngàn người. Cũng vì thế, nhân viên y tế tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Bắc Giang phải căng mình làm việc rất vất vả. Những chiếc xe cứu thương thường xuyên đến rồi đi bất kể ngày đêm.
Tại phòng nhập số liệu, anh Đặng Đình Nguyên đang nằm gục trên bàn. Thấy có tiếng động, anh Nguyên mới mở mắt chào hỏi. Ông Lâm Văn Tuấn, Giám đốc CDC Bắc Giang cho biết, từ hai tuần qua, Nguyên làm việc gần như thông ngày đêm. Lúc nào mệt quá thì tranh thủ chợp mắt một, hai tiếng rồi lại làm việc. Theo ông Tuấn, Nguyên chịu trách nhiệm phân chia mã hoá các mẫu bệnh phẩm trước khi đến khâu chạy xét nghiệm. Công việc của Nguyên đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn thận, nếu Nguyên không làm thì ở phòng xét nghiệm không có mẫu để chạy. Vì vậy, Nguyên phải cố gắng làm việc, lúc nào mệt quá thì tranh thủ ngủ. "Mấy tuần nay quay cuồng bên công việc cả ngày lẫn đêm. "Giờ tôi chẳng thèm muốn gì, chỉ mong một giấc ngủ ngon thôi. Nhưng thời điểm hiện tại thật quá khó, công việc cứ cuốn lấy mình mà dừng thì nhiều người khác vất vả", Nguyên chia sẻ.
Tại cuộc họp khẩn với Bộ Y tế chiều ngày 25/5 về công tác chống dịch, ông Từ Quốc Hiệu, Giám đốc Sở Y tế Bắc Giang cho biết, với sự hỗ trợ của các đơn vị hỗ trợ chạy xét nghiệm, đến nay tỉnh đã thực hiện được 14.052 mẫu đơn/ngày (tương đương 70.000-98.000 mẫu gộp/ngày). Ngành y tế Bắc Giang tiếp tục đẩy nhanh xét nghiệm, nhất là việc trả kết quả, đến nay toàn tỉnh đã lấy được 600.774 mẫu, riêng ngày 24/5 lấy được 14.943 mẫu; đã chạy được 547.861 mẫu. Hiện nay, còn 10.294 mẫu đơn (51.470 mẫu gộp) chưa có kết quả.
Bác sĩ Tuấn cho biết, mấy tuần qua, lượng công việc của CDC Bắc Giang rất nhiều, mỗi ngày phải truy vết, lấy mẫu và xét nghiệm cho hàng ngàn người. CDC Bắc Giang đã huy động hết các bộ phận từ hành chính, kế toán đến lái xe, văn thư mỗi người một tay ai tham gia được việc ở khâu nào thì làm việc ấy. Mọi người chia thành các ca để làm và mọi người có thời gian nghỉ ngơi. Cũng vì vậy, tòa nhà CDC Bắc Giang thì ngày cũng như đêm, lúc nào cũng sáng ánh đèn. Bản thân ông cũng phải căng mình làm việc, không chỉ chuyên môn mà hành chính, chỉ đạo công tác lấy mẫu, điều tra dịch tễ. Ông bảo, không chỉ anh Nguyên, nhân viên y tế mà đến bản thân ông cũng chỉ thèm ngủ. "Sau dịch, tôi phải xin nghỉ phép dành một ngày để ngủ cho đã", ông Tuấn nói vui.
Cũng như CDC Bắc Giang, những ngày qua nhân viên y tế của CDC Thái Bình cũng căng mình làm việc. Bác sĩ Phạm Thị Dung (Khoa Xét nghiệm) cho biết, người làm công tác xét nghiệm nhưng phải mặc bộ đồ bảo hộ 2 lớp kính, hơi thở và mồ hôi mờ cay cả mắt. Trung tâm phân chia mỗi người phụ trách một khâu, người thì phân loại mẫu bệnh phẩm từ các huyện gửi, người lấy mẫu, người xét nghiệm. Công việc quay cuồng, nhưng không ai kêu ca, phàn nàn. "Cả ngày, chúng tôi chỉ có nửa tiếng buổi trưa để vừa ăn, nghỉ. Nhận đồ ăn xong, chúng tôi ăn chóng vánh cho xong bữa rồi tranh thủ chợp vài phút lấy sức làm tiếp", bác sĩ Dung chia sẻ.
Tại CDC Hà Nam, kỹ thuật viên Đặng Thị Việt là người trực tiếp tham gia lấy mẫu và xét nghiệm Covid-19. Chị cho biết, những hôm có ca bệnh, cả trung tâm quay cuồng, hối hả chia nhau đi các địa phương lấy mẫu, xét nghiệm có hôm xuyên đêm. Người thì ít mà công việc nhiều nên mọi người đều phải chạy đua với thời gian. Chị bảo, bên cạnh yêu cầu về kết quả xét nghiệm nhanh chóng thì yêu cầu về chính xác trong kết quả xét nghiệm đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chỉ cần mất tập trung một chút mà bỏ qua hoặc thao tác không chính xác cũng sẽ làm sai lệch kết quả, ảnh hưởng nặng nề đến cả hệ thống phòng, chống dịch Covid-19 của ngành, của tỉnh.
Thực tế, những người làm công tác xét nghiệm SARS-CoV-2 chịu áp lực công việc rất lớn khi hàng ngày phải "làm bạn" với tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Bác sĩ Lâm Văn Tuấn cho biết, mỗi ngày kỹ thuật viên xét nghiệm tiếp xúc với hàng ngàn mẫu bệnh phẩm. Trong đó có không ít những mẫu chứa mầm bệnh, nên nguy cơ có thể phơi nhiễm bất cứ lúc nào. Do đó, các kỹ thuật viên phải rất tập trung nhằm hạn chế nguy cơ mắc bệnh từ các mẫu bệnh phẩm. Đồng thời, còn phải chú ý từng khâu, từng công đoạn nhằm tránh sai sót đến kết quả xét nghiệm. "Chỉ cần một thao tác sai thì kết quả xét nghiệm sẽ sai, dẫn đến hậu quả khôn lường. Ví như kết quả âm nhưng ai sót thành dương thì hàng trăm người phải tham gia truy vết, xét nghiệm, cách ly. Vừa tốn tiền của, công sức nên chúng tôi phải rất cẩn trọng", bác sĩ Tuấn chia sẻ.
Còn theo chị Trần Thị Phương Loan, thành viên trẻ đội xét nghiệm CDC Hà Nam bảo, bất kể là đêm khuya hay sáng sớm, nhân viên trung tâm luôn sẵn sàng. Chỉ cần có lệnh là tất cả lên đường làm nhiệm vụ. Khi được hỏi về những nguy cơ tiềm ẩn, chỉ Loan bảo công việc nào cũng có những rủi ro. Nhưng với nhân viên CDC, không chỉ đợt dịch này mà trong năm đều tiếp xúc với các mầm bệnh nên ai cũng quen. Vì vậy, ai cũng phải cẩn trọng, thậm chí đó còn là động lực để mọi người phấn đấu vượt qua khó khăn.
Thực tế hiện nay, dịch Covid-19 đang diễn ra căng thẳng tại nhiều địa phương. Riêng Hà Nam, theo thống kê, đến ngày 24/5, CDC Hà Nam đã lấy và xét nghiệm gần 67.000 mẫu. Tính trung bình, mỗi ngày các y bác sĩ nơi đây phải xử lý hơn 3.000 mẫu. Cũng vì thế, mọi người cũng phải hy sinh chuyện gia đình, tập trung cho công việc. Con cái cũng vì thế chịu thiệt thòi hơn, nhất là với những trường hợp cả vợ chồng đều công tác trong ngành y tế.
"Con còn bé, mỗi đêm vẫn thường ti mẹ mới chịu ngủ. Nhưng giờ bố mẹ phải đi chống dịch nên bé phải xa bố mẹ. Vài hôm đầu, con khóc ngặt nghẽo, cứ đòi mẹ. Thương lắm, nhưng tất cả vì công việc, vì sức khỏe cộng đồng nên phải cố gắng thôi".
Bác sĩ Lê Thị Trang
Ví như, trường hợp của bác sĩ Lê Thị Trang và chồng là Đỗ Duy Hòa cùng làm việc tại CDC Hà Nam. Kể từ khi có dịch, cả hai không còn được quây quần bên mâm cơm gia đình mà phải dành trọn thời gian cho việc chống dịch.
Tại cơ quan, bác sĩ Trang phụ trách Khoa xét nghiệm với khối lượng và áp lực công việc lớn, chồng làm ở bộ phận điều tra dịch tễ. Thời gian cao điểm này, cả hai vợ chồng phải ở hẳn cơ quan để tập trung cho công việc chống dịch. Vợ chồng có một con nhỏ nhưng đành gửi ông bà ngoại chăm sóc đứa con thơ yêu dấu.
* Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn