Bài 2: "Sát thủ" thầm lặng mang tên bụi mịn

17:59 | 30/03/2020;
    Với kích thước rất nhỏ nên bụi mịn dễ dàng chui sâu vào cơ thể và tích tụ hằng ngày mà không gây ra triệu chứng. Theo thời gian, bụi mịn sẽ gây ra một loạt bệnh lý mạn tính, thậm chí ung thư.

 Nhiều bệnh do ô nhiễm không khí

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai), là người điều trị cho không ít trường hợp bị hen phế quản, một bệnh hô hấp thường gặp liên quan đến không khí ô nhiễm. Trường hợp đáng nhớ nhất bác sĩ Dũng từng đều trị là một trẻ khoảng 10 tuổi. Bé được gia đình đưa đến trong tình trạng khó thở, toàn thân tím tái. Gia đình cho biết, bé có tiền sử hen phế quản. Bác sĩ chẩn đoán bị hen phế quản diễn tiến nặng, phải đặt nội khí quản cho bệnh nhân thở máy, tiêm thêm 1 liều solumedron. Ngày hôm sau, bệnh nhân khá lên, ngừng thở máy, rút ống nội khí quản và xuất viện sau 7 ngày điều trị. Tuy nhiên, vài ngày sau bé lại được đưa đến viện. Sau khi tìm hiểu được biết, gia đình bé ở mặt đường Quốc lộ 1A. Vì vậy, hàng ngày xe cộ qua lại rất đông kèm theo bụi. Bé hít phải bụi nên bệnh tái phát. Bác sĩ khuyên gia đình, nếu có thể thì chuyển chỗ ở vào chỗ ít dân cư hơn. Gia đình nghe theo, một thời gian sau gọi điện cho bác sĩ, bảo bé không còn bị tái khó thở, khò khè nữa.

Bài 2: Ô nhiễm không khí, thủ phạm gây nhiều bệnh lý hô hấp - Ảnh 1.

Một bệnh nhi điều trị bệnh liên quan đến hen phế quản tại BV Bạch Mai

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, hiện cả nước có khoảng 4 triệu người bị hen phế quản (khoảng 3,9% dân số), trong đó trẻ em chiếm gần 90%. Đây là một bệnh mạn tính về đường hô hấp và một trong những nguyên nhân là do ô nhiễm không khí. Ngoài ra, vào thời điểm giao mùa, hoặc những khi thời tiết xấu người dân cũng có thể mắc những bệnh hô hấp như: cảm cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mỗi năm trên toàn cầu có khoảng 4,2 triệu người tử vong do tiếp xúc với ô nhiễm không khí. Trong đó, khoảng 30% trường hợp tử vong do ung thư phổi liên quan đến ô nhiễm không khí; tỷ lệ đột quỵ não cũng như các bệnh lý về tim mạch chiếm khoảng 25%; khoảng 43% trường hợp tử vong do các bệnh lý hô hấp có liên quan đến ô nhiễm không khí; 91% dân số thế giới sống ở những nơi có chất lượng không khí vượt quá giới hạn cho phép. Số liệu thống kê của Liên Hiệp quốc cũng cho thấy mỗi giờ có khoảng 800 ca tử vong do ô nhiễm không khí, gấp ba lần số tử vong vì sốt rét, bệnh lao và AIDS mỗi năm.

Bụi mịn, kẻ giết người thầm lặng

Theo các chuyên gia, trong thành phần không khí ô nhiễm, bụi mịn là yếu tố quan trọng nhất. Bụi mịn, bụi siêu mịn (PM2.5) gây ra nguy cơ rất cao với sức khỏe con người. PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc BV Tai Mũi họng TƯ cho biết, bộ đường thở con người được cấu trúc bằng lớp miên mạc trụ giả tầng. Chức năng của lớp miên mạc ngoài tác dụng làm ấm làm ẩm còn có tác dụng lọc bớt đi không khí giúp không khí vào phổi sẽ trong lành hơn, đảm bảo độ ẩm cho quá trình hô hấp được tốt hơn.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, khi cơ thể hít thở thì niêm mạc có nhiệm vụ ngăn cản bớt những tác nhân từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, bụi mịn có đường kính rất nhỏ và tác dụng ngăn cản không được. Vì vậy, bụi mụn sẽ lọt vào đường thở vào phế nang vào trong máu. Bụi mịn đi sâu vào cơ thể, trong khi đó cơ thể không đào thải được. Chính bụi mịn đi vào các tế bào, gây ra một loạt các dấu hiệu bệnh lý trong đó có bệnh lý tim mạch và ung thư. Bụi mịn tích lũy từng ngày từng ngày không có các biểu hiện triệu chứng khi đến một thời gian nhất định mới phát tác ra bệnh.

Bài 2: Ô nhiễm không khí, thủ phạm gây nhiều bệnh lý hô hấp - Ảnh 2.

Bụi min được xem là kẻ giết người thầm lặng

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thị Diệu Thúy, Trưởng Bộ môn Nhi (Trường Đại học Y Hà Nội) do kinh tế phát triển, mô hình bệnh tật cũng thay đổi. Trước đây, không nhiều bệnh lý không lây nhiễm nhưng hiện nay bệnh lý ngày một gia tăng.

Cũng theo PGS. Thúy, bụi mịn đã có từ lâu nhưng gần đây mới được quan tâm. Không như bụi khác, bụi mịn siêu nhỏ nên mắt thường không nhìn thấy. Tuy nhiên, thành phần bay lơ lửng và khi cơ thể hít thở vào theo thời gian tích lũy gây ra bệnh lý mạn tính, như hen phế quản, dị ứng, hô hấp, tim mạch, ung thư gây đến gánh nặng về kinh tế.

Đường thở là vấn đề rất quan trọng. Vì thế, trẻ nhỏ, người già là đối tượng rất đặc biệt do cấu tạo về đường thở có tính chất riêng. Cụ thể, do trẻ nhỏ non yếu, chưa thích nghi với môi trường xung quanh và khi trẻ em dễ mắc bệnh lý hô hấp. Khi mắc, trẻ dễ bị nặng và có nguy cơ biến chứng rất cao. Tại BV Đại học Y Hà Nội, nếu mỗi ngày khám cho 100 trẻ thì có đến 70-80% trường hợp mắc các bệnh lý về hô hấp và chủ yếu là nguyên nhân của môi trường. Đến khi trẻ từ 10-12 tuổi, hệ hô hấp hoàn thiện và sức đề kháng của trẻ tăng thì bệnh hô hấp sẽ giảm hơn so với trẻ nhỏ. 

Theo WHO, 6 chất chính gây ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe con người bao gồm: Oxit nitơ (NOx), Oxit lưu huỳnh (SOx), Carbon monoxit (CO), Chì, Ozon tầng mặt đất, Các hạt vật chất khí quyển lơ lửng. Chất gây ô nhiễm có thể có nguồn gốc tự nhiên hoặc do con người tạo ra. Chất gây ô nhiễm được phân loại sơ cấp và thứ cấp. Các chất gây ô nhiễm sơ cấp thường được phát thải từ các quá trình như tro từ phun trào núi lửa, hay hoạt động sản xuất.

Trong số đó, các hạt bụi mịn với kích thước nhỏ hơn 2,5 micron (PM 2.5) đáng được bận tâm nhất, vì chúng có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, làm gia tăng nguy cơ nhiễm các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, gồm nhiễm trùng đường hô hấp dưới cấp tính, đột quỵ, đau tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư phổi.


Khuyến cáo của Bộ Y tế

Trước tình hình ô nhiễm không khí, Bộ Y tế và WHO tại Việt xây dựng hướng dẫn dự phòng, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng trước tác động của ô nhiễm không khí, cụ thể:

- Người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên các phương tiện thông tin truyền thông chính thống của cơ quan chức năng;. Hạn chế ra khỏi nhà, vận động tập thể dục, lao động ngoài trời khi chất lượng không khí ở mức xấu. Khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách;

- Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

- Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng. Đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm, thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống.

- Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

- Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu thì thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng; tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên khám ngay tại các cơ sở y tế chuyên khoa.

- Trong thời điểm không khí ô nhiễm, này nếu mắc các bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, phổi phế quản, tim mạch… cần đến khám tại các cơ sở y tế và điều trị kịp thời. Đồng thời, tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn