Bài 3: Nguy hiểm nhất là túi nilon từ nhựa tái chế

07:40 | 30/06/2018;
“Túi nilon là phát minh lớn của nhân loại và không thể phủ nhận vai trò của nó. Tuy nhiên, túi nilon độc hay không là ở từng trường hợp, do cách con người sử dụng, quản lý”, PGS. Thịnh nói.
Trao đổi với PNVN, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết, hiện nay túi nilon và các sản phẩm dùng một lần được dùng rất phổ biến. Chúng ta thừa hưởng những thành tựu của khoa học kỹ thuật và không thể phủ nhận vai trò của nó. Thử nghĩ xem, trước kia người dân khi đi mua đồ phải dùng giỏ xách, làn, túi cói rất bất tiện, trong khi đó túi nilon đủ loại kích cỡ, thuận tiện cho mua bán hàng hóa.
Dù túi nilon thuận tiện khi sử dụng, nhưng nó có khả năng thôi nhiễm chất độc hại ra thực phẩm. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng chưa xác định được đó là thôi nhiễm những chất gì, cơ chế ra sao. Do đó, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu về đặc tính đàn hồi, khả năng thôi nhiễm ra thực phẩm…
images913777_3.jpg
Người dân mua đồ đựng vào túi nilon

 Theo đó, các nhà khoa học cho rằng như túi nilon làm từ chất dẻo nguyên khai thì khả năng thôi nhiễm thực phẩm rất ít. Ví dụ, nếu túi nilon làm từ nhựa polyethylene (nguyên khai) hoặc nhựa PVC rồi ép thành ống, nhựa, túi nilon thì sử dụng rất tốt. Túi nilon được sản xuất từ nguyên liệu này có thể đựng được thực phẩm, chịu được nhiệt độ cao và ít độc hại.

Nguy hiểm nhất là túi nilon được sản xuất từ nhựa tái chế. Nhựa tái chế là nhưa khi thải ra được thu hồi để tái chế nhằm giảm ảnh hưởng đến môi trường. Sau khi tái chế, tính chất ban đầu đã thay đổi, nhà sản xuất phải cho thêm phụ gia để nhựa dẻo hơn và có thể ép được. Do đó, nếu sử dụng nhựa tái chế để sản xuất túi nilon thì nguy cơ mất an toàn thực phẩm cực lớn vì không thể kiếm soát được chất lượng như ban đầu. “Các nước tiên tiến trên thế giới khuyến khích sử dụng chất dẻo tái chế cho sản xuất một số vật dụng như đường ống dẫn nước thải, bàn ghế nhựa,...  nhưng cấm sử dụng chất dẻo tái chế dùng cho thực phẩm”, PGS. Nguyễn Duy Thịnh nói.
in-ti-ni-lng.jpg
Một cơ sở sản xuất túi nilon

 PGS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, ở Việt Nam, việc quản lý sử dụng chất dẻo, nhựa tái chế chưa thể kiểm soát được. Việt Nam cũng chưa có quy định loại nhựa tái chế nào dùng cho sản xuất, loại nào dùng cho thực phẩm.

“Tại nhiều nước, cùng một sản phẩm nhựa tái chế, họ đã có mã vạch hoặc ký hiệu riêng để quản lý và sử dụng. Ví dụ, một chiếc chậu nhựa cùng màu sắc, kích cỡ được sử dụng từ nhựa tái chế, nhưng họ sẽ có kí hiệu riêng cho từng mục đích sử dụng như ký hiệu dùng để đựng thực phẩm, ký hiệu để giặt quần áo, hoặc đựng rác”, PGS Thịnh chia sẻ.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn