Bài cuối: Giải pháp hữu hiệu giảm thiểu ô nhiễm không khí

08:15 | 31/03/2020;
Hậu quả của ô nhiễm không khí ai cũng đã thấy rõ. Tuy nhiên, việc tìm ra những giải pháp hữu hiệu không phải là đơn giản bởi giải pháp nào cũng đụng chạm đến người dân.

 Biện pháp về công nghệ và quy hoạch

Trước tình trạng ô nhiễm không khí tại nhiều thành phố trên thế giới, trong đó có Hà Nội, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng, các quốc gia cần phải có cam kết mạnh mẽ hơn trong việc cải thiện chất lượng không khí; tăng cường năng lực hệ thống theo dõi, giám sát chất lượng không khí và chia sẻ thông tin, số liệu với công chúng; tăng cường các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu phát thải khí trong giai đoạn ô nhiễm không khí vượt quá mức khuyến cáo của WHO; các nguồn ô nhiễm không khí cần được xác định thấu đáo và cần xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch dài hạn nhằm đảm bảo không khí sạch.

Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí là vấn đề lớn mà Nhà nước phải xử lý trong thời điểm hiện tại và tương lai. Tuy nhiên, tìm ra những giải pháp hữu hiệu không phải là đơn giản bởi giải pháp nào cũng đụng chạm đến người dân. Kiến trúc sư Lê Duy Đằng (Đại học Kiến trúc Hà Nội) cho rằng, để giảm ô nhiễm không khí cần thực hiện đồng thời 2 biện pháp, đó là kỹ thuật và quy hoạch.

Đối với biện pháp kỹ thuật, các doanh nghiệp sản xuất cần thay thế các loại máy mọc, dây chuyền công nghệ lạc hậu, gây nhiều ô nhiễm bằng các dây chuyền công nghệ hiện đại, ít ô nhiễm hơn. Doanh nghiệp cũng thay thế nhiên liệu đốt cháy từ than đá, dầu mazut bằng việc sử dụng điện để ngăn chặn ô nhiễm không khí bởi bồ hóng và SO2. Tuy nhiên, việc triển khai biện pháp này phải từ từ, có lộ trình phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp đang hoạt động. Còn đối với doanh nghiệp mới, phải đáp ứng được điều kiện trên mới cấp phép hoạt động.

Bài 4: Giải pháp hữu hiệu giảm thiểu ô nhiễm không khí - Ảnh 1.

Giảm phương tiện cá nhân sẽ góp phần giảm ô nhiễm không khí

Đối với biện pháp quy hoạch, cần giảm thiểu việc xây dựng các khu công nghiệp khu chế xuất trong thành phố, chỉ giữ lại các xí nghiệp phục vụ trực tiếp cho nhu cầu sinh hoạt của người dân. Khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng để giảm thiểu ùn tắc và phương tiện tham gia giao thông, qua đó làm giảm mật độ khói bụi và các chất thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng dầu trong không khí, nhất là vào giờ cao điểm. Đồng thời, tạo ra các diện tích cây xanh rộng lớn trong thành phố, thiết lập các dải cây xanh nối liền các khu vực khác nhau của thành phố, nhất là các khu vực, tuyến phố có nhiều phương tiện qua lại và hay xảy ra tình trạng ùn tắc.

GS. Phạm Duy Hiển, nguyên Viện trưởng Viện nguyên tử Đà Lạt thì cho rằng, hiện những khu mà ô nhiễm tương đối cao nhất là các cụm đại học, bệnh viện nên phải dời ra vùng ngoại thành. Tuy nhiên, sau khi giải tỏa thì nhà nước không cho xây các chung cư bởi nếu không việc di dời là vô nghĩa. Thay vào đó, xây các công viên, các hồ nước, để cho khí ô nhiễm phát tán.

Về giao thông, tại những nước phát triển, hầu hết không dùng xe máy mà dùng phương tiện công cộng. Ngay như Trung Quốc, họ đã cấm xe máy từ hàng chục năm trước. Hiện nay, Việt Nam mới manh nha đề án cấm xe máy ở một số tuyến phố. Tuy nhiên, ông cho rằng việc cấm xe máy phải có lộ trình cụ thể: "Ban đầu có thể là giảm đăng ký xe mới. Sau đó, tiến đến cấm xe máy ở một số khu, rồi cấm hẳn và như vậy thì Hà Nội sẽ trở thành một đô thị hiện đại như những nơi khác". GS. Hiển nói.

GS.TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân thì cho rằng, để giảm ô nhiễm không khí cần thực hiện các biện pháp cảnh báo, dự báo, khuyến cáo và thực thi các chính sách cắt giảm các hoạt động gây ô nhiễm không khí. Chính quyền các cấp cần nhìn ngay vào các nguồn nguồn gây ô nhiễm không khí đề xuất hoặc triển khai các giải pháp cấp bách ngay hoặc cơ bản và lâu dài như: dừng sản xuất hay di chuyển nhà máy ra bên ngoài, phát triển phương tiện giao thông công cộng, thu phí phương tiện giao thông vào nội đô giờ cao điểm…Đồng thời, đánh thuế nguồn phát thải và trợ cấp các đối tượng chịu thiệt. Tuy nhiên, các chính sách kinh tế cụ thể thì phải linh hoạt theo không gian và thời gian chứ không thể áp dụng cứng nhắc bởi sẽ gây khó khăn cho sản xuất, sinh hoạt của người dân.

Hoàn thiện thể chế chính sách về môi trường               

Trước tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội nói riêng và các TP. lớn nói chung, Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) đã đưa ra một số giải pháp trước mắt và lâu dài.

Về giải pháp trước mắt, Bộ TN&MT cho rằng, các địa phương phải ưu tiên bố trí ngay nguồn lực đầu tư, lắp đặt bổ sung hệ thống các trạm quan trắc môi trường. Đặc biệt, các đô thị lớn như phải tổ chức và duy trì hoạt động phun nước rửa đường nhiều lần trong ngày tại các trục, tuyến đường giao thông chính, nhất là khi thời tiết hanh khô, lặng gió để hạn chế bụi phát tán. Thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các trục, tuyến, giải phân cách đường giao thông.

đốt rơm rạ ở nông thôn cũng góp phần khiến không khí ô nhiễm

Đốt rơm rạ ở nông thôn cũng góp phần khiến không khí ô nhiễm

Bộ TN&MT phối hợp với Bộ Xây dựng tiến hành thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các chủ dự án, đơn vị quản lý, thi công các công trình xây dựng, giao thông. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện các hành vi vi phạm sẽ tiến hành xử lý theo quy định. Trường hợp cần thiết yêu cầu ngừng ngay hoạt động sửa chữa, xây dựng nếu không bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, Bộ cũng sẽ phối hợp với các cơ quan khác tiến hành vận động, hỗ trợ các hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ hạn chế, không sử dụng bếp than tổ ong trong sinh hoạt; tiến tới cấm sử dụng toàn bộ than tổ ong làm nguyên liệu đốt từ năm 2021.

Về lâu dài, Bộ TN&MT sẽ tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường, đưa các điều khoản sửa đổi về bảo vệ môi trường không khí trong sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị. 

Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cần đẩy nhanh tiến độ hơn và mức cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, lộ trình tăng cường, phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng, thân thiện môi trường để thay thế việc sử dụng xe gắn máy, xe mô tô 2 bánh.


Mô hình giảm thiểu ô nhiễm không khí của một số quốc gia

Tại Trung Quốc: Trước Thế vận hội Olympic 2008, Bắc Kinh rất ô nhiễm và Ủy ban Olympic yêu cầu Chính phủ phải cải thiện tình trạng này. Trong hơn một năm, Chính phủ Trung Quốc đã ban hành nhiều văn bản liên qan đến việc giảm thiểu phát thải gây ô nhiễm và triển khai các biện pháp quyết liệt. Cũng vì thế, chất lượng không khí trong Thế vận hội tốt hơn khoảng 30% so với năm trước đó. Không chỉ ở Bắc Kinh mà chất lượng không khí ở các thành phố khác cũng được cải thiện.

Tuy nhiên, khoảng thời gian sau Thế vận hội, chất lượng không khí ở Trung Quốc lại xấu đi. Và đến năm 2013, chính phủ Trung Quốc đã quyết tâm khởi xướng một cuộc chiến chống ô nhiễm không khí với các quy định rất chặt chẽ. Trong gần 6 năm qua, chất lượng không khí ở các thành phố phía bắc Trung Quốc vốn rất ô nhiễm, đã được cải thiện hơn 35%.

Tại London (Vương quốc Anh): Trước ngày 4/4/2019, các loại xe tham gia giao thông phải nộp khoản phí giao thông nội đô 11,5 bảng (khoảng 320.000 đồng) mỗi ngày. Tuy nhiên, kể từ ngày 8/4/2019, Chính phủ bắt đầu áp dụng quy định về vùng "phát thải cực thấp" ở trung tâm thành phố. Theo đó, các xe không đạt tiêu chuẩn này sẽ phải trả khoản phí 12,50 bảng Anh mỗi ngày (khoảng 350.000 đồng).

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn