Bài 5: Giảm thiểu sử dụng túi nilon bằng cách nào?

15:57 | 03/07/2018;
Túi nilon dù thuận thiện nhưng không thân thiện với môi trường. Cũng vì thế, nhiều quốc gia đã có chính sách cấm hoặc hạn chế sử dụng túi nilon. Sau đây là một số sản phẩm mà mọi người có thể sử dụng để “thoát” túi nilon.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội), để giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon, bên cạnh việc sử dụng những loại túi thay thế thên thiện với môi trường thì việc quan trọng nhất vẫn là thay đối thói quen của người dân. Chỉ khi nào người tiêu dùng nhận thức được những tác hại trong việc lạm dụng túi nilon và tự giác thay đổi thì mới có kết quả.
 
Trước mắt người tiêu dùng có thể thay đổi hành động bằng cách sử dụng các loại túi, hoặc nguyên vật liệu tự nhiên sẵn có. Ví như, khi đi chợ chị em có thể mang làn nhựa, túi cói để đựng đồ. Với các loại thực phẩm như rau thì thay vì cho vào túi nilon chị em có thể sử dụng dây lạt buộc vào, vừa dễ xách lại không ảnh hưởng đến môi trường.
 
Với các loại thực phẩm như bánh mỳ, xôi hoặc thực phẩm chế biến thay vì cho vào túi nilon, người tiêu dùng có thể dùng lá chuối, lá dong, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời bảo vệ môi trường.
 
"Thay đổi thói quen không chỉ ngày một, ngày hai mà là quá trình lâu dài. Hơn nữa, nó không chỉ trách nhiệm của một cá nhân, tổ chức mà là của cộng đồng", PGS. Thịnh nói. 
lan.jpg
Sử dụng làn đi chợ thay vì dùng túi nilon góp phần giảm thiểu việc sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm mỗi trường này
 
1. Túi vải
Hiện nay, xu hướng sử dụng túi vải thay thế túi nilon ngày càng nhiều. Loại túi này có ưu điểm đựng được nhiều đồ, có khả năng tái sử dụng nhiều lần mẫu mã đẹp, rất chắc chắn. Tuy nhiên, nhược điểm của túi vải là quá trình sử dụng có nhiều bất tiện, khó khăn; nhanh bẩn và có giá thành cao. Một số loại túi vải làm từ vải nilon cũng gây ra sự ô nhiễm môi trường không kém so với túi nilon độc hại.
 
2. Túi giấy
Là phương pháp được người dân hưởng ứng nhiệt tình nhất hiện nay. Túi giấy là loại túi được làm 100% từ nguyên liệu giấy. Giấy là nguyên liệu an toàn với môi trường, có thời gian phân hủy nhanh. Ngoài ra, với cấu tạo nhiều lớp thì túi giấy hoàn toàn có thể sử dụng để chứa đựng các loại đồ vật có khối lượng nặng hơn nó rất nhiều lần bởi cấu tạo chắc chắn và khả năng dẻo dai, chịu lực của các loại túi giấy hiện nay trên thị trường là rất tốt.
Bên cạnh đó, việc sử dụng các loại giấy tái chế để làm túi giấy sẽ giúp cho việc bảo vệ môi trường được tốt hơn rất nhiều.

3. Túi nilon tự hủy sinh học

Loại túi này làm từ nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như khoai mì, bột bắp, đay. Loại túi này đã được ứng dụng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới như Anh (túi làm bằng bột sắn); Italia (túi làm từ cám bắp)…
 
Tuy nhiên, giá thành loại túi này có thể cao gấp 2 - 5 lần túi nilon thông thường. Ngoài ra, tình trạng khan hiếm lương thực tại một số nơi trên thế giới dẫn đến một số ý kiến không đồng tình về việc sử dụng lương thực làm nhiên liệu và bao bì.  
ti-nilon.jpg
Một số siêu thị đã hạn chế sử dụng túi nilon

 

4. Túi dệt từ sợi nilon sử dụng lại nhiều lần
Đây là loại túi dễ dàng nhất khi sử dụng. Nó không “thân thiện” như túi tự hủy sinh học nhưng lại có thể áp dụng ngay. So với túi vải, giá thành của nó rẻ hơn, có thể sử dụng rộng rãi tại nhiều nơi như chợ, siêu thị, trung tâm thương mại... Khi túi bị hư hay cũ, không còn dùng được, người tiêu dùng có thể đem đến siêu thị để đổi lại một túi mới. Điều này không ảnh hưởng đến lợi nhuận của siêu thị: khoản tiền giảm cho khách hàng sẽ là khoản chi phí mà siêu thị dùng để mua túi phát miễn phí cho khách hàng trước đây. Với những túi cũ hay hư, siêu thị thu gom lại và đem đi tái chế. 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn