Trước đó, tại khoa Phẫu thuật tiết niệu của bệnh viện Việt Đức, Hà Nội đã tiếp nhận trường hợp bệnh nhân là chị Lò Thị Xôn người dân tộc Mảng (37 tuổi) trú tại xã Nặm Ô, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Chị nhập viện đang trong tình trạng bị rách niệu đạo, đường tiểu tiện bị đứt hẳn, việc tiểu tiện không còn tự chủ được nữa. Tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, dịp hơn nửa năm trước đó, chị Xôn sắp đến ngày sinh nhưng vẫn lên nương trồng trọt cùng chồng. Gần trưa, khi thấy khang khác trong người bởi những cơn đau dữ dội. Vì trạm y tế ở cách xa nương chị đang làm khoảng 7 cây số nên chồng chị đã chạy đi tìm một bà đỡ ở gần đó. Không may cho chị Xôn, ngôi thai bị ngược. Bà đỡ loay hoay một hồi rồi cũng lôi được đứa trẻ ra. Nhưng đứa bé đã không còn nguyên vẹn. Do bị lực kéo của bà đỡ tác động mạnh nên gần như âm đạo và tử cung của chị Xôn bị kéo ra ngoài. Do nhiều nguyên nhân khác nhau nên chị đã không được đi chữa trị kịp thời. Bệnh tật và các cơn đau của chị vẫn kéo dài triền miên.
Tuy nhiên, khi này, các bác sĩ đã kết luận vết thương của chị Xôn để quá lâu ngày nên đã bị hoại tử ở bên trong. Số tiền của họ mang đi đã hết sạch. Để thực hiện cho ca phẫu thuật, chỉnh hình này cho chị Xôn lại vô cùng tốn kém và đã phải nằm chờ trong đau đớn một thời gian dài với hy vọng trông đợi vào những tấm lòng hảo tâm…
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam: Từ việc phụ nữ còn hạn chế trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế, còn tự đẻ tại nhà là bởi nghèo đói, địa hình đi lại khó khăn, giao thông hạn chế; Nhiều nơi, đồng bào còn thiếu thông tin liên lạc, gặp rào cản về ngôn ngữ khi đến cơ sở y tế và những tác động yếu tố văn hóa (tập tục chỉ cho người nhà, là phụ nữt, người cùng dòng tộc đỡ đẻ...); qua đó dẫn đến phần nào việc gây tử vong mẹ ở khu vực miền núi còn cao. Theo điều tra về tử vong mẹ ở các vùng dân tộc, miền núi nước ta hiện cao hơn đồng bằng gấp 3-4 lần. |
Về hệ lụy của việc đẻ tại nhà, chị Lý Tả Mẩy ở xã Tả Phìn (huyện Sa Pa, Lào Cai) cũng cho rằng: “Chỉ khi người mẹ cảm thấy cơ thể bình thường, thai nhi khỏe mạnh, cơn đau đẻ không quá dữ dội thì các chị mới chọn đẻ tại nhà nhưng rủi ro là vẫn có. Ví dụ như chị gái của tôi, cũng đã đẻ con tại nhà nhưng rồi em bé đã không nuôi được, bởi vì lúc đẻ con, cháu đã bị lạnh. Trong nhà lúc ấy không có chăn, mẹ lại không có gì để vệ sinh, ủ ấm cho con… nên đã khiến em bé bị chết; Cho nên tôi nghĩ, bây giờ, nếu đi đẻ thì phụ nữ cố gắng đến bệnh viện huyện vẫn tốt hơn. Ở đấy có bác sĩ chăm tốt, khi đẻ đã có chăn của bệnh viện phát sẵn, đẻ xong cả mẹ và con được theo dõi, chăm sóc đến lúc cảm thấy khỏe mạnh một chút thì mới về nhà…”.
* Trích đoạn nhân vật Lý Tả Mẩy (Tả Phìn) chia sẻ về hậu quả khi đẻ tại nhà:
Ngoài ra, theo Lý Thị Mẩy – Chi Hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Xéo Tả 1, xã Tả Phời, T.P Lào Cai cũng thừa nhận: “Đẻ ở nhà thực có nhiều rủi ro. Trước tôi không hiểu biết, ít kinh nghiệm nên đã đẻ tại nhà. Gần đây, khi tham gia sinh hoạt Hội phụ nữ, tôi đã tuyên truyền nhiều hơn với chị em về việc bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bà mẹ, trẻ em. Tôi thường vận động chị em mang thai đi xuống trạm khám định kỳ theo 3, 6 tháng rồi 9 tháng để giúp chị em vừa được theo dõi được tình trạng thai nhi, vừa có thể xin thuốc uống".
* Theo bà Nguyễn Thị Thanh – Chuyên trách Dân số của xã Tả Phời, TP Lào Cai: “Để nâng cao chất lượng dân số, giảm thiểu tình trạng phụ nữ đẻ tại nhà, năm 2018, tại xã đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục về dân số và phát triển, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, hạn chế tình trạng đẻ tại nhà với các hoạt động truyền thông trên hệ thống loa phát thanh của xã 2 lần/tháng; đi truyền thông trực tiếp tại các thôn Láo Lý, Xéo Tả 1, 2, Phìn Hồ Thầu; Đối tượng hướng, chủ yếu là phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, các cặp vợ chồng, phụ nữ đang mang thai và trẻ em gái vị thành niên…”. * Trong mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp thực hiện công tác dân số và phát triển đến năm 2030, tỉnh Lào Cai đã có mục tiêu cụ thể về tăng cường sự chỉ đạo, đổi mới tuyên truyền/vận động, hỗ trợ tập trung để nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, xây dựng cơ sở hạ tầng về y tế ở vùng sâu, vùng xa; đào tạo/cung cấp nhân viên y tế biết khám thai, đỡ đẻ sạch, vô trùng... qua đó góp phần hạn chế, tránh tình trạng sinh đẻ tại nhà, để xảy ra những rủi ro đáng tiếc cho sức khoẻ và tính mạng của phụ nữ và trẻ sơ sinh. Tỉnh Lào Cai đang phấn đấu đến 2030 sẽ đạt 70% tỷ lệ khám tư vấn sức khỏe trước kết hôn, 60% phụ nữ mang thai được tầm soát, giảm tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi xuống còn 15%... |