Bài học làm cha mẹ

07:58 | 05/12/2015;
Trỏ thành cha mẹ là một điều tự nhiên nhưng để làm tốt vai trò cha mẹ của mình thì chúng ta cần không ngừng học hỏi.
Đọc chuyện về cô bé Totochan, mình nhớ mãi một đoạn văn như thế này: "Và lúc đó Totochan cảm thấy lần đầu tiên trong đời em đã gặp một người mà em thực sự quý mến. Từ trước đến nay, chưa có ai bỏ một thời gian dài đến như vậy để nghe em kể chuyện. Trong lúc nghe em kể, thầy hiệu trưởng không hề ngáp một lần nào, thầy cũng không tỏ ra buồn chán mà ngược lại rất thích thú nghe em kể một cách say sưa.
Totochan chưa biết tính thời gian nhưng em cũng cảm thấy là lâu lắm. Nếu em biết tính, chắc em sẽ vô cùng kinh ngạc và biết ơn thầy hiệu trưởng. Vì hai mẹ con đến trường lúc 8 giờ, sau khi em kể hết chuyện và lúc thầy hiệu trưởng nói rằng em sẽ là học sinh của trường này, ông nhìn vào chiếc đồng hồ và nói: A, đã đến giờ ăn trưa rồi!".
Không có một phương pháp giáo dục nào tốt hơn là làm gương cho bọn trẻ. Người cha, người mẹ đôi khi cần nén mình, kìm nén sự “bùng nổ” cảm xúc của bản thân, nỗi sợ hãi nhất thời và đặc biệt là duy trì sự tận tụy, kiên trì trong giao tiếp với con.
Kiên nhẫn và tôn trọng cảm xúc của con là việc cha mẹ cần phải học (Ảnh minh hoạ)
Nhớ ngày cu Sóc được khoảng 8 tháng tuổi, lúc đó mình bắt đầu rất lúng túng trong việc dạy con. Mọi tài liệu đều nói là khoảng thời gian này, con trẻ cần bắt đầu học khái niệm không được làm gì và làm như thế nào. Như những đứa trẻ khác, cu Sóc rất tò mò với thế giới xung quanh, cái gì cũng sờ, cái gì cũng cho vào miệng. Một cách phản xạ tự nhiên, mình nhanh chóng bế con ra khỏi khu vực nguy hiểm hay giật lấy những thứ mà mình nghĩ là nguy hiểm từ tay con. Việc này để lại hậu quả là cu Sóc có sự kìm nén cảm xúc rất kém, bởi con thường xuyên bị bất ngờ, sợ hãi vì mẹ hay giật mọi thứ trong tay con một cách hốt hoảng.
***
Bây giờ đến lượt bé Na, mình cố gắng không manh động ngay mà những khi nguy hiểm, mình gọi con lại, hướng con đến một sự chú ý khác. Đặc biệt, đôi khi những thứ rất nguy hiểm, mẹ phải rất kìm nén để không giật nó ra khỏi tay con, mẹ chìa tay ra bảo: "Na cho mẹ xin, Na ngoan đưa cho mẹ nào!". Con bé trở nên hiểu mọi thứ nhanh hơn mình tưởng. Khi nào con lại gần những thứ mẹ không cho, con lại quay ra nhìn mẹ, kêu “a a” xem mẹ có ý kiến gì không. Nếu mình lắc đầu hay xua tay là con không lại gần nữa.

 Khi cha mẹ học được cách nói chuyện, con sẽ hiểu nhanh và sớm hành động có ý thức (Ảnh minh hoạ)

Mình vẫn thường nói với bố Sóc và Na: “Không biết là bố mẹ dạy con hay con dạy bố mẹ?”. Từ ngày có con, 2 vợ chồng bắt đầu phải học. Học các kiến thức về trẻ con, về sức khỏe, về tâm sinh lý của các con, rồi bố mẹ thực hành, làm sao để làm cho đúng. Thêm nữa, bố mẹ còn phải rèn cả bản thân nữa. Học cách nói chuyện với con, học cách cảm thông với các con, học cả cách động viên các con, học làm sao để giữ được bình tĩnh, kiên trì, bền bỉ chơi với các con từ ngày này qua ngày khác. 2 vợ chồng còn học cả cách tự rèn bản thân để khi nghe tiếng chuông điện thoại không vội vã bỏ rơi các con, học cách kìm nén những thú vui cá nhân để tạo nên một không khí gia đình hài hòa, học cách lên kế hoạch để đưa cho các con những kiến thức, kỹ năng mà các con cần.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn