Cách đây vài năm, một người bạn của tôi vinh hạnh trở thành thị trưởng của thành phố có 20.000 dân. Tôi được mời đến dự buổi tuyên thệ nhậm chức của cô ấy, được tổ chức vào cuối buổi họp thường kỳ của hội đồng thành phố.
Tôi đến sớm, ngồi nghe suốt cuộc họp và ngay lập tức cảm thấy rất khâm phục. Những viên chức thành phố quả thật rất kiên nhẫn khi mà họ cứ phải tiếp tục giải quyết những vấn đề lặp đi lặp lại: Cố gắng giải quyết những nhu cầu cấp thiết với nguồn ngân sách nhỏ nhoi, chịu sức ép từ tất cả các nhóm quyền lợi khác nhau luôn cố biện hộ cho hoàn cảnh của họ… Tôi có thể thấy rằng, trong một cuộc họp như thế này, các vấn đề được đưa ra thảo luận đều được xới đi xới lại rất nhiều lần, nhưng mọi người vẫn luôn nhìn nhận nó bằng sự tôn trọng.
Tôi rất khâm phục tính kiên nhẫn của các viên chức khi thực thi những quy trình rắc rối của chính quyền cũng như rất ngưỡng mộ những nhà hoạt động xã hội đầy nhiệt huyết - những người đã không ngừng theo đuổi mục tiêu họ tin tưởng. Sau đó, tôi bắt đầu nghĩ đến những người đã kiên nhẫn làm việc để giữ cho xã hội chúng ta gắn kết với nhau - tất cả những người làm việc tình nguyện, không lấy một xu thù lao; cảnh sát, lính cứu hỏa; những người làm việc vì hòa bình trên thế giới…
Tôi muốn so sánh những công dân đó với những người trong một vụ bạo hành nghiêm trọng làm xôn xao dư luận Mỹ gần đây: Sau khi một chiếc xe chở khách mất lái làm bị thương 3 người khách bộ hành, thì 7 người đàn ông đã lôi lái xe và hành khách ra khỏi xe rồi đánh họ tới chết. Việc này xảy ra ở một khu trung lưu của thành phố Chicago; những người đàn ông bị buộc tội giết người có độ tuổi từ 16 đến 47.
Tôi không muốn bàn thêm về những điều khủng khiếp đã xảy ra mà muốn nhấn mạnh tính bất thường của nó và làm sao để những chuyện như thế này sẽ không xảy ra nữa. Nếu nhìn nhận sự việc dưới lăng kính của lòng kiên nhẫn, những người đàn ông đó đã không thể chờ đợi đến khi công lý được thực thi để xử lý người tài xế 62 tuổi đã uống say, và thay vì nắm lẽ phải trong tay để đòi công lý cho người bị nạn thì họ lại trở thành kẻ tội phạm chỉ vì tính nóng nảy, nông nổi, bốc đồng. Câu chuyện thu hút sự chú ý của công luận vì tính chất bất thường của nó, vì hầu hết chúng ta, kể cả những người bị hại, đều thường biết cách chờ đợi sự việc được xử lý theo đúng quy trình và thủ tục.
Thực vậy, chỉ khi đa số chúng ta có ý thức kiên nhẫn thì xã hội mới được vận hành trôi chảy: Giao thông không tắc nghẽn khi mọi người biết đợi đèn xanh để tiếp tục đi thay vì vượt đèn đỏ, bình tĩnh chờ đợi soát vé để bước vào xem một trận bóng đá hay một buổi biểu diễn thay vì chen lấn dẫm đạp lên nhau, kiên nhẫn chờ đợi chính quyền giải quyết các vấn đề trong khả năng tốt nhất mà họ có thể thay vì bức xúc, lên án họ…
Tùy vào mức độ kiên nhẫn của chúng ta mà xã hội loài người được gắn kết với nhau, để hàng tỉ người trên hành tinh này sống và làm việc một cách có trật tự và theo luật pháp. Khi chúng ta thiếu kiên nhẫn - cho dù đó là trong trường hợp bị lừa đảo hay kẹt xe trên đại lộ - thì đó là lúc tình trạng mất trật tự bùng nổ!
Kiên nhẫn không phải là một điểm tốt nhỏ bé của con người, mà nó là nền tảng thiết yếu của sự giao tế và lễ độ, cũng như tính tuân thủ luật pháp và trật tự xã hội. Không kiên nhẫn, con người không thể cùng chung sống và xã hội trở nên rối loạn. Bằng lòng kiên nhẫn, chúng ta xây dựng hòa bình và giữa con người và giữa các quốc gia với nhau.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn