Mạng xã hội mới đây chia sẻ một đề bài tập làm văn cùng phần làm bài bất ngờ của học sinh. Sự thẳng thắn của em học sinh này khiến cô giáo phản ứng không kèm phần.. gay cấn.
Theo đó, đề bài tập làm văn yêu cầu học sinh "Tả con chó nhà em". Học sinh này trả lời trong bài làm của mình nội dung khiến nhiều người phải... té ngửa: "Nhà em không nuôi chó, Chừng nào nhà em nuôi chó thì em sẽ tả".
Phê vào phần làm bài của em học sinh này là dòng chữ “cạn lời” cùng yêu cầu học sinh “về nhà làm lại”.
Bài tập làm văn tả chó gây tranh cãi. Ảnh: IT |
Sau khi chia sẻ bài văn này, một cuộc tranh luận diễn ra với nhiều luồng ý kiến trái chiều.
Phần đông bình luận tỏ ý thích thú về cách trả lời vừa thật thà, vừa hài hước của em học sinh. Nó chỉ đơn giản thể hiện tính thật thà, hồn nhiên của trẻ.
Tuy nhiên, với phần đề bài, nhiều ý kiến cho rằng đề bài cứng nhắc và bó hẹp khuôn khổ, phạm vi làm bài.
“Đề bài ra chưa thực sự hấp dẫn, gợi mở cho các em học sinh. Lẽ ra cô giáo có thể ra đề "Em hãy tả con vật mà em yêu thích" hoặc "em hãy tả một con chó mà em từng thấy và yêu thích" sẽ thu hút tưởng tượng của học sinh hơn. Đề văn yêu cầu tả con chó nhà em song nhà em không nuôi chó thì em không tả được là đúng rồi” – một ý kiến bình luận.
Bà Nguyễn Thị Thuần (GV hưu trí ở Thanh Xuân, Hà Nội) sau khi xem bài làm văn, cho rằng cô giáo ra đề không phát huy sự sáng tạo của học sinh. Bên cạnh đó, phần nhận xét cứng nhắc là điều giáo viên nên hạn chế đối với học sinh.
“Thay vì thể hiện sự ngao ngán, bực mình, tôi nghĩ cô giáo nên nhận xét khéo hơn, thúc đẩy sự sáng tạo của em hơn” – bà Thuần chia sẻ.
Theo bà, trong trường hợp này, sự tôn trọng ý nghĩ của học sinh, hướng dẫn, chỉ bảo các em một cách thân thương, nhẹ nhàng đúng sai sẽ giúp các em khôn lớn. Đây cũng là cách giáo dục trẻ, tâm hồn trẻ để trẻ có các bài văn dễ thương, cảm động.
Nhân trường hợp này, một giáo viên khác cũng kể lại kỷ niệm của chính mình. Câu chuyện khá xúc động.
“Đọc bài này mình nhớ lại năm đầu tiên ra trường, mình đi gác thi tốt nghiệp tiểu học. Đề tập làm văn là “Em hãy thuật lại một chuyến thăm quan hoặc đi du lịch cùng gia đình.
Thấy cả phòng im phăng phắc làm bài, duy chỉ có 1 em nhỏ thó, đen nhẻm, áo quần trên chục tấp vá, mắt rưng rưng. Mình nghĩ chắc em đau ở chỗ nào, đi lại gần hỏi, hai hàng nước mắt em không ngừng chảy: “Cô ơi, con chưa được đi tham quan và cũng chưa được đi du lịch bao giờ”.
Đến lượt tôi nghẹn lại, tôi đành làm một giám thị không tròn tâm. Trong 5 phút tôi nhẹ nhàng giới thiệu cho em một địa điểm tham quan gần nhất với một ít thông tin cần thiết (có sự hỗ trợ của giám thị coi thi cùng).
Nghĩ đến giờ vẫn còn run vì khi đó là năm đầu tiên làm giám thị.