Trong thời điểm giao mùa, ho là tình trạng phổ biến ở cả trẻ em và người lớn. Một số bài thuốc trị ho tự nhiên từ vỏ của một số loại trái cây là bài thuốc dân gian hiệu quả, lành tính, đặc biệt rất dễ làm và dễ sử dụng.
Mọi người đều biết rằng hạt lựu có rất nhiều lợi ích đối với sức khoẻ. Tuy nhiên, ít người biết rằng vỏ lựu cũng chứa hàm lượng cao chất chống oxy hóa, vitamin và các hợp chất hoạt tính sinh học khác có lợi cho sức khỏe.
Đặc biệt, trà vỏ lựu là một bài thuốc dân gian hiệu quả chữa ho. Trong vỏ lựu có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học như tannin, flavonoid và polyphenol, có đặc tính chống viêm, kháng vi-rút và kháng khuẩn. Các đặc tính này giúp làm dịu cổ họng, giảm viêm và chống lại các bệnh nhiễm trùng có thể gây ho.
Ngoài ra, các chất chống oxy hóa trong vỏ trà giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, có thể hỗ trợ phục hồi nhanh hơn sau các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Uống loại trà này cũng có thể giúp làm loãng chất nhầy, giúp tống chất nhầy ra ngoài dễ dàng hơn, do đó giúp bạn giảm ho.
- Nguyên liệu:
+ 1-2 thìa vỏ lựu khô (hoặc vỏ tươi từ một quả lựu)
+ 2 cốc nước
+ Mật ong hoặc chanh (tùy chọn, để tạo hương vị)
- Cách thực hiện:
+ Nếu bạn sử dụng vỏ lựu tươi, hãy rửa sạch và cắt thành từng miếng nhỏ. Trong trường hợp sử dụng vỏ lựu khô, bạn có thể nghiền nhẹ để ngâm nhanh hơn.
+ Đun sôi 2 cốc nước trong nồi.
+ Cho vỏ lựu tươi hoặc khô vào nước sôi. Giảm lửa xuống mức thấp và để vỏ lựu sôi liu riu trong 5-10 phút.
+ Sau khi đun nhỏ lửa, lọc trà bằng rây lưới mịn để loại bỏ vỏ.
+ Bạn có thể thêm mật ong hoặc nước cốt chanh để tăng thêm hương vị và lợi ích cho sức khỏe. Cả chanh và mật ong đều có tác dụng kháng khuẩn, giảm đờm và giảm kích ứng họng.
Ngoài đặc tính giảm ho, loại trà này còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe:
- Có lợi cho hệ tiêu hoá: Chất tannin có trong vỏ lựu có thể giúp làm dịu đường tiêu hóa và giảm viêm. Do vậy, loại trà này có thể hỗ trợ điều trị bệnh tiêu chảy và khó tiêu.
- Tốt cho sức khoẻ tim mạch: Vỏ lựu chứa polyphenol, có liên quan đến việc giảm mức cholesterol, giảm huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch.
- Có đặc tính kháng khuẩn: Vỏ lựu có đặc tính kháng khuẩn nên có thể giảm sự phát triển của vi khuẩn, đặc biệt trà vỏ lựu có thể góp phần cải thiện vệ sinh răng miệng và ngăn ngừa các bệnh về nướu răng.
Mặc dù là bài thuốc trị ho tự nhiên và có nhiều lợi ích đối với sức khoẻ, nhưng trà vỏ lựu vẫn có thể gây ra một số tác dụng phụ như có thể gây dị ứng, gây ra các vấn đề về dạ dày, có chứa một số ancaloit có thể gây độc nếu dùng với số lượng lớn.
Vì chưa có đủ bằng chứng về tính an toàn của trà vỏ lựu trong thời kỳ mang thai và cho con bú nên tốt nhất bạn nên tránh dùng hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ.
Vỏ lựu có thể tương tác với các loại thuốc như thuốc làm loãng máu hoặc thuốc huyết áp, vì vậy những người dùng các loại thuốc này nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi uống trà.
Ngoài ra, vỏ lựu có thể giúp hạ huyết áp, do vậy những người bị huyết áp thấp nên thận trọng vì nó có thể gây chóng mặt hoặc choáng váng.
Cam được xếp vào loại trái cây tốt nhất cho sức khoẻ nhờ giàu vitamin C, chứa các hợp chất thực vật như polyphenol, có lợi cho sức khỏe tim mạch và hệ tiêu hóa, đồng thời có thể bảo vệ chống lại một số loại ung thư.
Vỏ cam cũng có những lợi ích không kém so với phần ruột bên trong. Vỏ cam có chứa một lượng lớn tiền vitamin A, folate, riboflavin, thiamine, vitamin B6 và canxi. Đặc biệt, gần 90% tinh dầu trong vỏ cam bao gồm limonene, một chất hóa học tự nhiên đã được nghiên cứu về đặc tính chống viêm và có thể giúp giảm ho và đờm.
Bài thuốc trị ho tự nhiên từ vỏ cam
Có rất nhiều cách chữa ho tự nhiên từ vỏ cam, mọi người có thể tham khảo một số bài thuốc dân gian dưới đây:
- Bài thuốc trị ho tự nhiên từ trà vỏ cam
Nguyên liệu cần chuẩn bị là vỏ cam và quế. Việc thêm quế vào trà vỏ cam vừa giúp tăng hương vị lại giúp kháng khuẩn, chống viêm.
Cách thực hiện:
+ Cho nước và vỏ cam tươi hoặc khô vào nồi
+ Thêm bột quế hoặc thanh quế vào.
+ Đun sôi trong 10 phút
+ Đổ vào cốc và uống nóng. Bạn có thể thêm mật ong nếu thích.
- Bài thuốc trị ho tự nhiên từ vỏ cam nướng
Cách thực hiện bài thuốc này rất đơn giản. Đầu tiên, bạn đem vỏ cam rửa sạch, ngâm vào nước muối để loại bỏ chất độc, rồi đem nướng trong 15 phút. Mỗi ngày ăn từ 2 - 3 lần, mỗi lần 2 miếng.
Khi sử dụng vỏ cam để trị ho, mọi người nên lưu ý một số vấn đề:
- Vỏ cam có thể có chứa thuốc trừ sâu. Do vậy, mọi người nên lựa chọn cam có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng.
- Nếu ăn trực tiếp vỏ cam với lượng lớn có thể gây ra một số vấn đề tiêu hoá. Vì vỏ cam có kết cấu cứng và hàm lượng chất xơ cao nên có thể khó tiêu hóa. Đặc biệt là khi ăn nhiều cùng một lúc, có thể gây khó chịu cho dạ dày, chẳng hạn như đầy hơi.
Vỏ chanh có nhiều lợi ích cho sức khỏe vì có chất xơ, vitamin và chất chống oxy hóa, có thể giúp ích cho răng, tim và hệ miễn dịch của bạn. Đặc biệt, vỏ trái cây này cũng có thể giúp chống lại ung thư.
Hơn nữa, vỏ chanh thường được sử dụng như một bài thuốc trị ho tự nhiên vì có tính kháng khuẩn, phá vỡ chất nhầy này, làm loãng chất nhầy để chúng ta có thể tống nó ra ngoài dễ dàng hơn.
- Kết hợp mật ong và vỏ chanh
Cách thực hiện rất đơn giản:
+ Rửa sạch vỏ của một quả chanh, sau đó cắt nhỏ hoặc bào vỏ chanh thành lát mỏng.
+ Đun sôi vỏ chanh với một cốc nước khoảng 5-10 phút để tạo thành nước trà vỏ chanh.
+ Lọc bỏ phần vỏ chanh, chỉ lấy nước.
+ Thêm một hoặc hai thìa mật ong vào nước trà vỏ chanh nóng và khuấy đều cho mật ong tan hết.
+ Uống khi nước trà còn ấm để giảm ho và làm dịu cổ họng.
- Vỏ chanh ngâm đường phèn
Để làm vỏ chanh ngâm đường phèn, bạn có thể làm theo các bước sau:
+ Rửa sạch vỏ chanh để loại bỏ bụi bẩn và hóa chất. Sử dụng chanh không có chất bảo quản hoặc rửa kỹ với nước muối.
+ Thái vỏ chanh thành các sợi nhỏ hoặc miếng vừa ăn.
+ Xếp vỏ chanh vào một hũ thủy tinh sạch.
+ Rắc một lớp đường phèn lên trên mỗi lớp vỏ chanh. Lượng đường phèn phụ thuộc vào khẩu vị của bạn nhưng nên đảm bảo có đủ đường để ngâm với vỏ chanh.
+ Đậy nắp hũ kín và để hũ ngâm ở nhiệt độ phòng hoặc nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp khoảng 1-2 tuần cho đường phèn tan hoàn toàn và vỏ chanh thấm đủ đường.
+ Sau khi vỏ chanh ngâm đường phèn đã sẵn sàng, bạn có thể sử dụng hỗn hợp này pha với nước ấm để uống giúp giảm ho và làm dịu cổ họng.
Cũng tương tự như vỏ cam, vỏ chanh có thể chứa thuốc trừ sâu nên mọi người cần chọn chanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, rửa và ngâm sạch sẽ trước khi sử dụng.
Trên đây là các bài thuốc trị ho tự nhiên từ vỏ của một số loại trái cây. Mặc dù các bài thuốc dân gian này lành tính và hiệu quả nhưng chỉ phù hợp với những trường hợp ho nhẹ và mang tính hỗ trợ điều trị. Đối với trường hợp nghiêm trọng hoặc ho do vi khuẩn, bạn cần sử dụng thêm một số loại thuốc được chỉ định từ bác sĩ.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn