Bài toán khó khi triển khai dạy học từ xa ở vùng cao

15:14 | 14/04/2020;
Nếu việc học trực tuyến được coi là “cứu cánh” cho học sinh nhiều tỉnh, thành tiếp tục chương trình trong điều kiện nghỉ tránh dịch thì đây là bài toán khó với học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Nhiều thôn, bản chưa được phủ sóng internet hoặc không có thiết bị học tập, đành trông chờ vào học qua truyền hình. Các địa bàn này đang nỗ lực để khắc phục việc dạy học từ xa, tránh ngắt quãng việc học của học sinh.

Xuống bản vận động học sinh học từ xa

Năm học 2019-2020, toàn tỉnh Lai Châu có khoảng 140.000 học sinh các cấp, trong đó gần 85% học sinh sống ở nhiều bản làng có điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều nơi chưa có điện, không có internet, nhiều hộ dân không có tivi... 

Đây là điều mà ông Đinh Trung Tuấn, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh, trăn trở khi tổ chức học từ xa cho học sinh trong điều kiện hiện nay. Mặc dù đã sớm chỉ đạo các huyện triển khai dạy học trực tuyến, dạy học từ xa để học sinh theo kịp chương trình, song theo ông, hiện vẫn có 30% số học sinh là người dân tộc thiểu số, điều kiện kinh tế khó khăn chưa tiếp cận được phương pháp học tập này. 

"Thời gian này, các thầy, cô giáo phải có mặt tại trường và các điểm bản để vận động, hướng dẫn học sinh tập trung học trực tuyến. Trong trường hợp học sinh không tiếp cận được phương pháp học trực tuyến, học qua mạng thì giáo viên phải có mặt để hướng dẫn ôn tập, giao bài tập, thu và trả bài", ông Đinh Trung Tuấn nêu thực tế.

Tại huyện Mường Tè, theo bà Lý Mỹ Ly, Trưởng phòng GD&ĐT huyện, phòng yêu cầu giáo viên các trường phải xuống bản, trực tiếp quản lý, theo dõi và vận động học sinh học bài đầy đủ; thường xuyên báo cáo tình hình dạy và học về phòng Giáo dục. "Tuy vậy, để phát huy hiệu quả của phương thức dạy học này, cơ sở vật chất và trang thiết bị cần được bổ sung cho phù hợp, giúp giáo viên có thể xây dựng, tổ chức từng nhóm học sinh để dạy học", bà Lý Mỹ Ly nói.

Gỡ khó cho việc dạy học từ xa ở vùng cao - Ảnh 1.

Giáo viên Trường Tiểu học Mậu Đức (huyện Con Cuông, Nghệ An) đến tận từng bản, giao bài tập cho học sinh ôn luyện kiến thức trong thời gian nghỉ phòng dịch Covid-19

Còn tại huyện Than Uyên, thầy Bùi Duy Nam, Hiệu trưởng Trường PTDTBT - THCS Tà Mung, (xã Tà Mung) cho biết, trường có 378 học sinh thì chỉ có 20% học sinh có điện thoại, 30% gia đình học sinh có tivi. "Do không có mạng, không có điện dẫn đến hầu hết học sinh của trường không có điều kiện tiếp cận giải pháp học trên truyền hình trong thời điểm này", thầy nói.

Tại Yên Bái, tỷ lệ học sinh được học trực tuyến còn thấp hơn so với Lai Châu. Ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải,... tỷ lệ tiếp cận được giải pháp học trên truyền hình, học trực tuyến của học sinh chỉ đạt khoảng 10%. Còn lại, việc học của các em bị gián đoạn do nhiều khó khăn như: không có Internet, không có máy tính, không có điện, tivi...

Chọn hình thức phù hợp với địa phương

Trước các khó khăn trong dạy học trực tuyến mùa dịch Covid-19, một số địa phương đã tìm các giải pháp duy trì nền nếp học tập cho học sinh phù hợp với điều kiện của địa phương. Tại Tuyên Quang, Sở GD&ĐT tỉnh chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên (nhất là giáo viên chủ nhiệm) với học sinh để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tế của nhà trường. 

Một cách làm của tỉnh này là tổ chức đội ngũ giáo viên cốt cán giàu kinh nghiệm và có chuyên môn cao của các môn học thiết kế bài giảng và thực hiện ghi hình các tiết dạy, sau đó đăng các đường link bài giảng trên cổng thông tin điện tử của Sở và yêu cầu các nhà trường gửi các đường link bài giảng đến học sinh thông qua tin nhắn, facebook, viber hoặc zalo.

Nghệ An là địa phương có nhiều học sinh ở vùng nông thôn, miền núi với địa bàn miền núi rất lớn. Một số xã, thôn bản đặc biệt khó khăn còn chưa có internet và nhiều gia đình ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số không có các thiết bị kết nối nên phần lớn học sinh phải học qua truyền hình. Theo đại diện Sở GD&ĐT tỉnh, để đáp ứng nhu cầu, chương trình "Dạy và học cùng NTV" lần đầu tiên được Sở GD&ĐT và Đài PT-TH Nghệ An phối hợp tổ chức, bắt đầu lên sóng NTV từ ngày 15/3, đến nay đã thực hiện hàng chục tiết học của 2 khối lớp 9 và lớp 12.

Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, để việc học qua truyền hình thực sự chất lượng với học sinh miền núi, người đứng đầu ngành, đứng đầu các địa phương cần tính đến phương án hỗ trợ các thôn, bản đầu tư trang thiết bị, cơ sở hạ tầng để các em có thể tập trung học nhóm. Theo ông, nên tổ chức thành từng nhóm 3-4 em ở gần nhà nhau để cùng học. Theo đó, các trường cũng cử giáo viên đến từng nhóm nhỏ để kiểm tra, giải đáp những nội dung các em còn thắc mắc. Với cách này, có thể kiểm tra, đánh giá và công nhận kết quả học tập từ xa của học sinh.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn