Tháng 6/2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành quyết định phê duyệt phương án tự chủ tài chính cho đơn vị sự nghiệp y tế công lập giai đoạn 2023 - 2025. Trong đó, tỉnh Quảng Nam giao quyền tự chủ tài chính cho 32 đơn vị. Số đơn vị tự đảm bảo chi thường xuyên (nhóm 2) là 9 cơ sở, 21 cơ sở tự đảm bảo một phần chi thường xuyên (nhóm 3) và 2 đơn vị do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.
Tuy nhiên, hầu hết cơ sở y tế đều đối diện với khó khăn do thu không đủ bù chi. Điều đó dẫn đến nhiều cơ sở chậm lương của nhân viên. Đơn cử, tại Trung tâm Y tế thành phố Tam Kỳ, nhân viên y tế ở đây liên tục chịu cảnh chậm lương. Với mức độ tự chủ 61%, đơn vị này luôn trong tình trạng thu không đủ chi.
Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Y học cổ truyền Quảng Nam hay Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước, cho biết: Nguồn thu của năm ngoái chỉ đạt hơn 50% và đến thời điểm hiện tại, đơn vị đang gặp rất nhiều khó khăn do nguồn thu từ khám chữa bệnh rất ít.
"Là đơn vị tự chủ mức 3, năm 2023, chúng tôi nợ lương cán bộ nhân viên đến 4 tháng và tỉnh phải hỗ trợ. Với việc cải cách tiền lương từ ngày 1/7 tới, chắc chắn đơn vị sẽ không thể lo được, thiếu đến đâu xin Nhà nước bù đến đó".
Bà Lê Thị Quyết, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đông Giang, cho biết, là đơn vị tự chủ 100% và cũng như các Trung tâm Y tế khác, Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cũng gặp rất nhiều khó khăn khi mỗi năm chỉ thu được 9 tỷ (tương đương 60%-70%).
Vì thu không đủ bù chi nên cán bộ Trung tâm phải sống trong cảnh chậm lương. Dù cố gắng lắm Trung tâm Y tế huyện Đông Giang cũng chỉ đủ để trang trải được lương, còn các khoản phúc lợi khác vẫn chậm.
"Từ ngày 1/7/2024 tăng lương nhưng hiện tại, chúng tôi cũng chưa biết phải tăng nguồn thu từ đâu và chắc chắn phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ UBND tỉnh Quảng Nam. Hiện trung tâm có 60 cán bộ công nhân, viên chức.
Tuy nhiên, do dân số ở Đông Giang ít, người khám bệnh ít nên chúng tôi chưa biết lấy đâu ra nguồn thu để bù vào chi. Trong khi đó, chuyên môn của Trung tâm chỉ khám chữa bệnh thông thường, ở mức bệnh viện hạng 3 nên khi có bệnh, người dân lên tuyến trên khám, chữa trị.
Chúng tôi đã đề xuất lên cấp trên, trước mắt là phải bù hụt thu cho đơn vị, còn về lâu dài, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Quảng Nam bỏ cơ chế tự chủ cho chúng tôi. Việc tăng 30% lương sắp tới đơn vị chúng tôi càng gặp khó. Cán bộ ở đây ngoài chuyên môn thì không có nguồn thu khác. Đó cũng là lý do mà hiện nhiều cán bộ đơn vị vẫn chưa có chế độ từ năm ngoái và những năm trước", bà Quyết cho biết.
Trong tháng 5/2024 sẽ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024. Trong đó, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì thực hiện, trong tháng 5/2024 phải hoàn thành Nghị định quy định chế độ tiền lương mới đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để kịp thời có thể áp dụng cùng với thời điểm thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 theo Nghị quyết 104/2023/QH15. Đồng thời, phải hoàn thành việc xây dựng vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống hành chính nhà nước trước ngày 31/3/2024. Ngoài ra, còn phải xác định rõ trách nhiệm từng bộ, ngành, địa phương và người đứng đầu để làm cơ sở thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.
Cuối năm 2023, UBND tỉnh Quảng Nam phải bổ sung kinh phí cho Sở Y tế tỉnh để chi hoạt động thường xuyên cho các cơ sở y tế điều trị tuyến tỉnh và hoạt động khám chữa bệnh tại Trung tâm Y tế trực thuộc Sở Y tế, với số tiền hơn 28,4 tỷ đồng. Ngân sách Nhà nước cấp ngày càng giảm theo lộ trình, buộc các bệnh viện và Trung tâm Y tế phải tự tìm giải pháp cân đối nguồn thu, đây là "bài toán" không dễ dàng.
Câu chuyện lương tăng đáng ra sẽ nhận được những tín hiệu tích cực từ phía người lao động, thế nhưng, không ít trường hợp đang công tác tại các đơn vị tự chủ về tài chính lại lo ngại "lương tăng nhưng tổng thu nhập sẽ giảm".
"Trước kia, tổng thu nhập của tôi được khoảng 15 triệu đồng. Lần điều chỉnh mức lương cơ sở hồi tháng 7/2023, dù mức lương cứng có tăng nhưng ngược lại, mức phụ cấp lại bị giảm, khiến tổng thu nhập của tôi có tăng nhưng không đáng kể.
Từ thời điểm đầu năm đến nay, cuộc họp giao ban nào cũng thấy các lãnh đạo than khó khăn về kinh tế và có thể sẽ phải cắt một số khoản phụ cấp khiến tôi rất lo lắng", chị N.N.T., điều dưỡng của một bệnh viện ở Hà Nội, chia sẻ.
Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức sẽ tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm. Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết thêm, một điểm đáng chú ý khi thực hiện cải cách tiền lương là lương viên chức, nhất là viên chức giáo dục và y tế, sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác. Bởi vì chúng ta đang thực hiện cải cách chính sách tiền lương gắn với việc thực hiện Nghị quyết về phát triển căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, y tế. Khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm điều chỉnh hỗ trợ để đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên, bác sỹ được tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với hai ngành này.
Theo TS. Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, khác với những lần cải cách trước đó, lần này, Nhà nước sẽ trả lương theo hai cách. Thứ nhất, với những người không có chức vụ lãnh đạo, quản lý thì sẽ được trả lương theo vị trí việc làm và thứ hai là trả lương theo chức vụ lãnh đạo, quản lý. Nếu trước kia có tình trạng lương thấp, phụ cấp cao thì đợt cải cách này sẽ được quy định rõ tiền lương ít nhất chiếm 70% và phụ cấp là 30%, ngoài ra sẽ có thêm phần khen thưởng được tính bằng 10% tiền lương. Với điểm mới này, mức lương sẽ phản ánh đúng giá trị của sức lao động và nhiều khoản phụ cấp sẽ không còn tồn tại.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn