Nan giải "bài toán" sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài cuối) Tin vào tương lai

08:14 | 13/10/2024;
Bản Chẳm Puông như một "nốt lặng" nơi cuối rừng Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An). Tuy nhiên, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương này đã và đang nỗ lực hết mình giúp Chẳm Puông vươn lên, để những người Khơ Mú nơi đây không bị bỏ lại phía sau.

Nghèo khó kéo theo nhiều hệ lụy

Lượng Minh là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương, trong đó có những bản cách trung tâm xã hàng chục km như Cà Moong, Xốp Cháo. Học sinh từ lớp 3 ở những bản này muốn đi học, hay người dân ra UBND xã đều phải đi đến 3 chặng, mất nhiều tiếng đồng hồ. Gian nan là vậy nhưng khi nói về 2 bản người Khơ Mú này, lãnh đạo xã Lượng Minh rất đỗi tự hào.

"Người dân Khơ Mú ở Cà Moong và Xốp Cháo rất chí thú làm ăn, số hộ nghèo giảm rõ rệt qua từng năm. Đặc biệt bản Cà Moong, đây là điểm sáng của xã khi "nói không" với tệ nạn xã hội. Người dân 2 bản này cũng rất quan tâm đến việc học hành của trẻ, các cháu đến tuổi đều được đến trường. Từ lớp 3, các cháu đã phải rời xa bố mẹ, rời bản làng đi học nội trú nhưng tất cả đều đồng lòng vượt khó để tìm cái chữ", ông Vi Đình Phúc - Chủ tịch UBND xã Lượng Minh - chia sẻ.

Khuôn mặt của ông Phúc trở nên đăm chiêu khi nhắc đến Chẳm Puông. Mặc dù bản này có đường nhựa nối liền ra xã, ra huyện Tương Dương và thông thương với huyện Kỳ Sơn. Thiên thời, địa lợi đều ủng hộ nhưng nghịch lý Chẳm Puông lại là bản nghèo nhất xã. "Cấp ủy, chính quyền các cấp đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các bản nghèo, đặc biệt là Chẳm Puông. Đáng buồn là bản này vẫn là nơi còn rất nghèo khó", ông Phúc nói thêm.

Nam giải "bài toán" sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài cuối) Tin vào tương lai- Ảnh 1.

Hi hữu có trường hợp cháu T. không được bố mẹ cho đi học. Cháu đã trở thành nạn nhân mua bán người nhưng may mắn được công an giải cứu kịp thời.

Trưởng bản Lữ Khăm Xi và Bí thư bản Xeo Văn Tiến cũng thừa nhận, hiếm có bản nào được quan tâm như Chẳm Puông. Theo đó, hàng năm cán bộ thường xuyên về bản để phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức, các tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi sản xuất. Nhiều loại cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao cũng được về bản nhưng tiếc rằng người dân chưa mặn mà đón nhận.

"Các bản khác mỗi lần được cung cấp cây giống, con giống, người dân tranh nhau nhận nhưng nhiều người bản tôi lại từ chối. Nhiều lần các doanh nghiệp về bản để tuyển lao động nhưng người dân cũng không đi. Họ chọn ở nhà hoặc đi làm tự do, rất rủi ro và không ổn định. Bản Chẳm Puông cũng có nhiều người xuất khẩu lao động nhưng hầu hết đều trở về tay trắng. Có người đi 2 lần, cũng tích cóp được ít tiền nhưng khi về bản cũng ăn tiêu hết. Bản Chẳm Puông có 190 hộ dân sinh sống (186 hộ người Khơ Mú, 4 hộ người Thái) nhưng có đến 143 hộ nghèo và 34 hộ cận nghèo. Đây là con số rất đáng buồn", Trưởng bản Khăm Xi nói.

Nghèo đói kéo theo nhiều hệ lụy. Vào tháng 5/2024 vừa qua, Công an huyện Tương Dương đã giải cứu thành công 3 bé gái ở Chẳm Puông, trong đó có cháu L.T.H. và C.T.T. mới 12 tuổi và một cháu 15 tuổi, bị các đối tượng mua bán người lừa gạt. Đây đều là các cháu có hoàn cảnh gia đình rất ngặt nghèo.

Nam giải "bài toán" sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài cuối) Tin vào tương lai- Ảnh 2.

Cháu T. (ngoài cùng bên trái) và cháu H. (ngoài cùng bên phải). Từ ngày được Công an giải cứu, hai cháu chỉ chơi trong bản không dám đi đâu xa

Cháu T. là con cả trong gia đình có 5 chị em, nhà cháu rất nghèo, cháu không được bố mẹ cho đi học nên mù chữ. Hoàn cảnh của cháu H. cũng bi đát không kém. Cháu H. sinh ra trong gia đình có 4 chị em, cách đây mấy năm mẹ H. bỏ đi làm ăn và biệt tích. Một mình bố H. làm lụng nuôi các con. Cố gắng lắm, H. cũng chỉ được bố cho học đến lớp 5 rồi bỏ dở.

Hàng ngày, T. và H. chỉ quẩn quanh trong nhà, lúc nhàn rồi kéo nhau ra đầu bản, chơi đùa bên bờ suối Khe Mát. Biết được hoàn cảnh khó khăn của 2 bé gái, các đối tượng mua bán người đã tiếp cận. Chúng vẽ ra viễn cảnh giàu sang và các cháu dễ dàng "mắc bẫy". Rất may, khi các đối tượng đang đưa mấy bé gái đi, Công an huyện Tương Dương đã kịp thời phát hiện và giải cứu.

Mang sinh kế đến với người dân Chẳm Puông

Khi gặp phóng viên ở đầu bản lúc đang chơi với bạn, thấy người lạ hỏi thăm, hai bé đều tỏ ra sợ sệt, chỉ đến khi được già làng Lữ Văn Thắng trấn an, các cháu mới trò chuyện bằng tiếng dân tộc mình.

H. cho biết, sau khi được giải cứu trở về, em chỉ ở nhà với ông nội. Cũng có một vài người rủ đi làm nhưng H. sợ lại bị lừa nên không đi. Ông Lữ Văn Thanh – ông nội cháu H. cho biết, mẹ cháu H. đã bỏ đi từ nhiều năm, từ khi em H. chưa tròn một tuổi. Kể từ đó, me H. cũng không một lần liên lạc về.

Nam giải "bài toán" sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài cuối) Tin vào tương lai- Ảnh 3.

Gia cảnh cháu H. cũng rất khó khăn, ngôi nhà hiện nay là nhà tình nghĩa.

Bố cháu H. cũng chẳng có công việc ổn định. Gần một năm nay đi làm ăn nhưng cũng chưa gửi về đồng nào nuôi con. Căn nhà gia đình ông Thanh đang ở mới được Nhà nước xây cho năm ngoái, trước đây nhà ông Thanh rất xập xệ.

Nhà cháu T. còn thê thảm hơn khi là một trong những gia đình nghèo khó nhất bản Chẳm Puông. Không được đi học nên tiếng Kinh gần như T. không nói được. Thông qua người bạn đang học ở Trường phổ thông bán trú Trung học cơ sở Lượng Minh, T. cho biết: Từ ngày được giải cứu trở về em chẳng dám đi đâu xa ngoài những lúc theo bố mẹ lên nương rẫy. Em cũng không biết bọn buôn người đã đưa em đi những đâu vì em chưa rời bản bao giờ và cũng không biết chữ để đọc.

"Các cấp, chính quyền cũng đã tuyên truyền rất nhiều về những thủ đoạn lừa gạt của các đối tượng mua bán người nhưng vì nhận thức hạn chế nên mấy bé gái vẫn rơi vào cạm bẫy. Sự việc 3 bé gái ở bản bị lừa bán là hồi chuông cảnh báo, kể từ đó chúng tôi càng sát sao và tuyên truyền đến người dân nhiều hơn.

Tháng 7 vừa qua, Ban phối hợp tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật xã cũng về bản Chẳm Puông tổ chức tuyên truyền, cung cấp kiến thức, thông tin cho người dân. Đó sẽ là những tấm khiên bảo về dân bản trước những cám dỗ của đối tượng xấu giăng ra", anh Khăm Xi nói.

Nam giải "bài toán" sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài cuối) Tin vào tương lai- Ảnh 4.

Từ phải qua trái, cán bộ phụ nữ bản Lữ Thị Keo, Bí thư bản Xeo Văn Tiến, Trưởng bản Lữ Khăm Xi và già làng uy tín Lữ Văn Thắng - những người rất quyết tâm sẽ đưa Chẳm Puông vươn mình.

Bà Lô Thị Chi, Chủ tịch Hội LHPN xã Lượng Minh, nói rằng, trong những năm qua, cán hộ hội phụ nữ từ xã đến huyện rất quan tâm đến phụ nữ và trẻ em Chẳm Puông. Các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội cũng dành cho người dân Khơ Mú nơi này những chính sách đặc biệt. Tuy nhiên, bà Chi thừa nhận, nơi đây vẫn quá nghèo và tồn tại rất nhiều hủ tục.

"Có những buổi tuyên truyên dự kiến 7h sáng bắt đầu nhưng 10h mới tổ chức được vì người dân không tham gia. Trước đây, nhiều hộ cũng đã được cấp bò giống nhưng sau đó bò cũng bị bán. Có hộ dân thậm chí từ chối lợn giống với lý do… không biết nuôi", bà Chi chia sẻ.

Để Chẳm Puông "chuyển mình" là việc không hề đơn giản nhưng Chủ tịch UBND xã Vi Đình Phúc, bà Lô Thị Chi hay trưởng bản Lữ Khăm Xi đều tin rằng, "mưa dầm thấm lâu" và có thêm nhiều chính sách phù hợp, chắc chắn những người Khơ Mú nơi đây sẽ thay đổi.

Nam giải "bài toán" sinh kế cho người Khơ Mú ở Chẳm Puông: (Bài cuối) Tin vào tương lai- Ảnh 5.

Bí thư chi bộ bản Chẳm Puông Xeo Văn Tiến (đứng) trò chuyện với dân bản.

Trưởng bản Khăm Xi cho biết tin vui, năm 2023 đã có 37 hộ được Nhà nước xây nhà, năm nay dự kiến sẽ có thêm 33 hộ nữa được hưởng chính sách đó. Với khoảng 20% hộ gia đình đang sống trong nhà cột chôn, những ngôi nhà rất tạm bợ, sắp tới người dân nghèo nơi đây sẽ có chỗ an cư kiên cố.

Cũng theo anh Xi, người dân sắp tới cũng được cấp bò giống Lai Sind, đây là giống bó lớn, có giá trị kinh tế, là sinh kế rất quan trọng với người dân. Hiện Nhà nước cũng đang xây cho dân bản 2 cầu dân sinh. "Với rất nhiều chính sách ưu tiên mới dành cho bản Chẳm Puông, tôi tin tưởng sắp tới người dân Khơ Mú nơi này sẽ không còn bị tụt lại phía sau so với các bản khác trong xã", Trưởng bản Khăm Xi tin tưởng.

Niềm tin của vị Trưởng bản Chẳm Puông là có cơ sở khi mà những hộ dân nơi đây có được sinh kế bền vững và điều quan trọng hơn, đó là một thế hệ tương lai được trang bị kiến thức, kỹ năng qua nền tảng giáo dục vững chắc. Chẳm Puông nhất định sẽ vươn lên.


Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn