'Băm nát' 200ha rừng phòng hộ để cán bộ chia nhau

13:50 | 20/07/2016;
Với lý do khu rừng phòng hộ đầu nguồn đã nghèo kiệt, Sở NN&PTNT làm tờ trình gửi lên UBND tỉnh Thanh Hóa xin chuyển đổi sang rừng sản xuất. Tỉnh đồng ý và 200 hecta rừng phòng hộ đã “rơi tõm” vào tay hàng chục cán bộ.

Năm 2011, Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa đã làm tờ trình gửi UBND tỉnh Thanh hóa xin chuyển đổi mục đích sử dụng 200 hecta rừng phòng hộ thuộc xã Xuân Thái, huyện Như Thanh. Trước đó, khu rừng này có chức năng là rừng phòng hộ, giữ độ ẩm, nguồn nước cho Vườn Quốc gia Bến En.

Lý do để Sở NN&PTNT tỉnh Thanh Hóa xin chuyển đổi là số diện tích rừng nói trên hiện đã nghèo kiệt, không còn khả năng phòng hộ. Sau khi xem xét, Ngày 11/8/2011, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã ra Quyết định số 2643/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích sử dụng 200 hecta thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Xuân (BQL rừng Như Xuân) từ rừng phòng hộ sang rừng sản xuất; đồng thời yêu cầu BQL rừng Như Xuân “thực hiện chuyển mục đích sử dụng rừng, quản lý, sử dụng, kinh doanh rừng theo quy định của pháp luật”.

6-3.jpg
Quyết định đồng ý cho chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của UBND tỉnh Thanh Hóa.

Để tạo điều kiện cho việc chuyển đổi và để đảm bảo việc chuyển đổi có hiệu quả, UBND tỉnh cũng đã có Quyết định thanh lý đối với khu rừng phòng hộ và Quyết định số 3372/QĐ-UBND về việc chuyển rừng tự nhiên nghèo kiệt sang trồng cao su theo đúng quy hoạch của tỉnh. Đến ngày 28/02/2014, UBND tỉnh ra Quyết định số 564/QĐ-UBND về việc phê duyệt kinh phí thực hiện chính sách phát triển cao su, theo đó tỉnh hỗ trợ 9 triệu đồng cho mỗi hecta ca su.

Theo Quyết định được phê duyệt, 200 hecta rừng được chuyển đổi thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Như Xuân (BQL rừng Như Xuân) gồm 20 lô thuộc khoảnh 2,3,5 tiểu khu 629 và khoảnh 2,3 tiểu khu 639 đều nằm trên địa phận xã Xuân Thái.

Sau khi được sự đồng ý của UBND tỉnh Thanh Hóa, đầu năm 2014 Giám đốc BQL rừng Như Xuân là ông Phạm Ngọc Nam (bên A) (hiện đã nghỉ hưu-PV) đã ký giao đất rừng cho hàng loạt cán bộ trong BQL, gồm: Nguyễn Ngọc Thuật, 6,6 hecta; Lê Văn Cường 5 hecta; Phạm Văn Phong, 6,2 hecta; Tạ Văn Bằng, 5,2 hecta; Nguyễn Thế Trang 8,1 hecta; Lê Thanh Phong, 5,2 hecta; Lê Thị Yến, 7,2 hecta; Trần Văn Lập, 4,2 hecta; Lê Anh Tuấn, 4,6 hecta; Nguyễn Hữu Tứ, 6,4 hecta; Phạm Hữu Trọng, 4,2 hecta; Phạm Văn Thuật, 6,5 hecta; Trần Hữu Chí, 7 hecta; Lường Văn Luân, 4,5 hecta; Lê Đăng Toàn, 2,4 hecta…

Tất nhiên, là những cán bộ đứng đầu BQL rừng Như Xuân nên ông Nam và bà Bùi Thị Hoa là Phó Giám đốc BQL (hiện là Giám đốc BQL rừng Như Xuân) không thể đứng ngoài cuộc. Vậy là xuất hiện những hợp đồng có thể nói "vô tiền khoáng hậu" khi bà Bùi Thị Hoa là Phó Giám đốc BQL (đại diện bên A) đã ký hợp đồng giao cho Giám đốc Phạm Ngọc Nam (bên B) 11 hecta. Ngược lại, ông Phạm Ngọc Nam (bên A) cũng ký giao cho bà Bùi Thị Hoa (bên B) 7,8 hecta. Ngoạn mục hơn, ông Nam với tư cách Giám đốc (bên A) còn ký giao đất cho… chính mình (bên B) với diện tích là 2 hecta.

2-1.jpg
Ông Nam tự ký hợp đồng giao đất cho chính mình.

Theo nội dung của những hợp đồng trên, thời gian giao khoán rừng là 50 năm, trong đó lợi ích sau khi trồng rừng bên A tức BQL rừng Như Xuân hưởng 20%, còn lại bên B tức bên nhận giao khoán là những cán bộ, lãnh đạo hưởng 80%. Việc giao khoán có sự chứng kiến của ông Nguyễn Hữu Sang, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái, nơi có 200 hecta đất rừng.

Với việc Bên A và Bên B đều là những cán bộ thuộc BQL rừng Như Xuân, đương nhiên lợi ích thuộc về số người này cả. Trao đổi với PV, Chủ tịch UBND xã Xuân Thái Nguyễn Hữu Sang khẳng định: Trong hợp đồng giao đất, ông chỉ là người chứng kiến do 200 hecta rừng phòng hộ nằm trên địa bàn xã Xuân Thái. Ông cũng như người dân địa phương không thuộc đối tượng được nhận giao khoán dù người dân nơi đây rất mong muốn được nhận rừng.

Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao cán bộ BQL rừng Như Xuân không phải là người địa phương, không trực tiếp làm rừng lại được chia đất rừng. Ngược lại, người dân xã Xuân Thái là những người gắn bó bao đời nay với rừng đang thiếu đất sản xuất, đời sống khó khăn lại không được giao đất rừng. Theo con số được ông Sang cung cấp, cả xã gần 1.000 hộ dân nhưng chỉ có chưa đầy 100 hecta rừng sản xuất. Thế mạnh của người dân nơi đây là trồng rừng nhưng không có rừng nên cuộc sống của bà con nơi đây gặp rất nhiều khốn khó.

Theo tài liệu chúng tôi thu thập được, ngoài cán bộ BQL rừng Như Xuân, cán bộ của một số sở, ban, ngành của tỉnh Thanh Hóa cũng có “suất” trong tổng số 200 hecta rừng được chuyển đổi.

Trong một lần trao đổi với báo chí, bà Bùi Thị Hoa, Giám đốc BQL rừng Như Xuân (kế nhiệm ông Nam), cho biết: Đời sống cán bộ, công nhân viên ở trên này khó khăn, vất vả, việc làm cũng ít, sống chủ yếu dựa vào đồng lương ít ỏi và phầm trăm các dự án. Thấy anh em cũng khổ, không có đất nên chúng tôi chủ động xin tỉnh một ít để trồng cao su. Chương trình chuyển đổi 200 hecta này chủ yếu xin cho cán bộ công nhân viên, giúp họ có việc làm, nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống cán bộ công dân.

img20160426101354.jpg
200 hecta rừng phòng hộ ở Như Xuân đã bị băm nát để chia nhau.

Hôm chúng tôi về địa phương tìm hiểu về những uẩn khúc trong việc chuyển đổi 200 hecta rừng, đã nhiều lần liên lạc với bà Hoa nhưng bà không bắt máy. Tìm đến trụ sở BQL rừng Như Xuân, một cán bộ ở đây cho biết “lãnh đạo đi vắng”. Chúng tôi để lại lời nhắn và hẹn lịch làm việc vào một buổi khác nhưng đã không được hồi đáp. 

Cũng trong quá trình đi điều tra sự việc, PV còn phát hiện một con đường bê tông dài hơn 2km đang được mở vào diện tích 200 hecta rừng đã được giao khoán. Số tiền để làm đường là nguồn vốn từ tổ chức JICA (Nhật Bản). Dư luận cho rằng, con đường được mở vào “đất quan”, trong khi người dân xã Xuân Thái vẫn đang đi lại trên những con đường đất lầy lội.

Vậy thực hư việc mở con đường trên ra sao chúng tôi sẽ thông tin vào những kỳ tới.

(Còn nữa)

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn