Ban Dân nguyện đề xuất lập tổ công tác giám sát vấn đề Thủ Thiêm

15:59 | 04/12/2019;
Ban Dân nguyện Quốc hội sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập tổ công tác vào giám sát việc giải quyết xoay quanh tình hình khiếu kiện ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Sáng ngày 4/12, Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND TP.HCM đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận 2. Tham gia buổi tiếp xúc cử tri, Đại biểu Quốc hội có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM; bà Trịnh Ngọc Thúy, Phó chánh án Tòa án nhân dân TP.HCM.

Đại biểu HĐND TP.HCM có ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM; ông Nguyễn Hồng Hà, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty văn hóa Sài Gòn TNHH MTV ; bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, Chủ tịch Liên đoàn lao động Q.2.

Có 24 cử tri phát biểu trong buổi tiếp xúc, trong đó phần lớn các ý kiến đều xoay quanh việc tố cáo, khiếu nại liên quan đến vấn đề Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong đó, có cử tri bày tỏ sự thất vọng khi Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã không đưa vấn đề Thủ Thiêm ra kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV vừa qua.

Ban Dân nguyện Quốc hội sẽ giám sát vấn đề Thủ Thiêm - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội và Đại biểu HĐND TP.HCM đã có cuộc tiếp xúc cử tri quận 2 sáng ngày 4/12

Về vấn đề này, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cho biết, sau buổi tiếp xúc cử tri mới đây thì Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM đã có văn bản chính thức về những ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam.

Nội dung văn bản nêu rõ cử tri quận 2 luôn phản ánh về việc nội dung hai kết luận Thanh tra Chính phủ về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm chưa được giải quyết đầy đủ các nội dung khiếu nại và kiến nghị của cử tri; nhiều ý kiến cử tri phản ánh về nội dung việc 5 khu phố của 3 phường  Bình An, An Khánh, Bình Khánh nằm ngoài ranh quy hoạch. Cử tri đề nghị Thanh tra Chính phủ trực tiếp sắp xếp đối thoại với công dân, đồng thời đề nghị tổ chức Đoàn thanh tra liên ngành thanh tra toàn diện đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm để giải quyết dứt điểm các khiếu nại của người dân và Thanh tra Chính phủ có báo cáo với Quốc hội về vấn đề cụ thể ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm….

Theo ông Khuê, Đoàn đại biểu Quốc hội đã tổng hợp đầy đủ ý kiến của cử tri và bằng văn bản chính thức gửi đến Quốc hội, đề nghị đưa ra trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Trong kỳ họp Quốc hội vừa rồi, sau khi tham khảo ý kiến đại biểu, chọn lọc các vấn đề đang được quan tâm thì vấn đề Thủ Thiêm tạm được "xếp lại", chưa trả lời tại kỳ họp này. Tuy nhiên, trong báo cáo của Ủy ban MTTQ có đề nghị các bộ ngành cùng UBND thành phố quan tâm giải quyết vụ việc ở Thủ Thiêm mà cử tri vẫn đang nôn nóng gửi thư, hoặc ra Hà Nội khiếu nại.

Ông Phan Nguyễn Như Khuê cũng cho hay, trước cuộc tiếp xúc cử tri này, ông đã liên lạc với trực tiếp với Trưởng và Phó Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội thể hiện mong muốn Ban Dân nguyện sớm thành lập đoàn giám sát để cùng tổ đại biểu nắm vấn đề khu đô thị mới Thủ Thiêm và đã được chấp thuận. Ban Dân nguyện Quốc hội sẽ báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội thành lập tổ công tác vào giám sát việc giải quyết xoay quanh tình hình khiếu kiện ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Ban Dân nguyện Quốc hội sẽ giám sát vấn đề Thủ Thiêm - Ảnh 2.

Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 sáng ngày 4/12

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM cũng cho biết, để giải quyết vấn đề Thủ Thiêm, thành phố luôn có sự trao đổi với các bộ ngành trên tinh thần đã có những khiếm khuyết, hạn chế, sai sót thì việc giải quyết phải hết sức thận trọng, không được tái diễn sai sót nào khác.

"Gần đến Tết rồi, một năm trôi qua rất nhanh và mọi việc đang còn dang dở. Từ sự gửi gắm, động viên của cử tri, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền giải quyết nhanh, khẩn trương hơn nữa những vấn đề mà bà con phản ánh, kiến nghị", ông Khuê nói.

Về ý kiến của cử tri về việc xem xét lại tỉ lệ điều tiết ngân sách của thành phố, ông Phan Nguyễn Như Khuê cho biết, vấn đề này đoàn Đại biểu quốc hội TP.HCM đang chuẩn bị các nội dung để báo cáo, trao đổi với Ban Kinh tế Trung ương cũng như các bộ ngành liên quan để chuẩn bị cho tài khóa ngân sách, xem xét để tạo điều kiện cho TP.HCM có thể đủ chi đầu tư phát triển, chăm lo các công trình phúc lợi công cộng.

Năm 2019, TP.HCM thu gần 400.000 tỷ đồng, nhưng thành phố chỉ được giữ lại 18%. Để chuẩn bị cho tài khóa ngân sách mới, thành phố sẽ kiến nghị Chính phủ,Trung ương xem xét lại tỉ lệ điều tiết do điều kiện thành phố thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội và một số vấn đề trọng điểm trong giai đoạn mới, thành phố cần được tạo điều kiện, quan tâm hơn.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn