Eudaimonic well-being (tạm dịch: Hạnh phúc bản chất) được hiểu là cảm giác thỏa mãn khi theo đuổi và thực hiện những điều có ý nghĩa trong cuộc đời, hay nói đơn giản là sống có mục đích. Một nghiên cứu năm 2010 công bố trên tạp chí Applied Psychology chỉ ra cá nhân có mức độ hạnh phúc bản chất cao thì cũng có xu hướng sống lâu và hạnh phúc hơn. Họ giảm nguy cơ đột quỵ, đau tim, cải thiện giấc ngủ và trí nhớ. Sống có mục đích có tác động tích cực đến cả thể chất lẫn tinh thần.
Nhìn vào định nghĩa của khái niệm “eudaimonic well-being”, ta hiểu chìa khóa để đạt được trạng thái này là cần tìm ra mục tiêu có ý nghĩa trong cuộc đời và theo đuổi nó, nhưng mọi thứ không đơn giản đến vậy, có không ít người cảm thấy bế tắc trong việc tìm kiếm mục tiêu và ý nghĩa cuộc đời.
Theo một nghiên cứu công bố của The New York Times, chỉ có khoảng 25% người Mỹ trưởng thành biết cần làm gì để cuộc sống thêm phần ý nghĩa, trong khi 40% có ý kiến trung lập hoặc mơ hồ không biết mục đích cuộc đời là gì. Để tìm ra mục đích sống, hãy tham khảo một số phương pháp sau.
Đôi khi chúng ta dành nhiều thời gian suy nghĩ chỉ để tìm câu trả lời cho câu hỏi: Đam mê của tôi là gì? Tôi có bao nhiêu đam mê trong đời? Đam mê không phải thứ chỉ ngồi nghĩ là phát hiện ra, nó có thể xuất hiện đột ngột vào một khoảnh khắc trong đời. Thay vì đau đầu suy nghĩ, hãy thử làm nhiều việc khác nhau. Biết đâu trong quá trình chú tâm làm việc, bạn đã tìm ra đam mê của bản thân từ bao giờ.
Ngoài ra, đam mê cũng có thể xuất phát từ sở thích cá nhân. Thử ngẫm xem bạn hay đề cập đến vấn đề nào trong khi trò chuyện với bạn bè? Chủ đề nào bạn hay tìm và chia sẻ trên Internet? Các thông tin tổng hợp trên có thể tiết lộ một phần về đam mê và mục đích sống bạn đang kiếm tìm.
Đam mê cũng đến từ tài năng của cá nhân. Mọi kỹ năng đều có thể biến thành việc có ý nghĩa. Ví dụ bạn yêu cải lương và các bộ môn sân khấu nghệ thuật truyền thống, bạn có thể tổ chức một buổi biểu diễn cho trẻ em ở vùng cao, những đứa trẻ chưa bao giờ có cơ hội được tiếp xúc trực tiếp với loại hình nghệ thuật này.
Đôi khi bạn không nhận ra khả năng và điểm mạnh của bản thân. Khi đó người xung quanh có thể đem lại cho bạn thông tin hữu ích. Hãy tiếp cận họ và hỏi rằng điều gì khiến họ nhớ đến bạn, hoặc chú ý khi có ai đó nhận xét hoặc khen bạn làm tốt một việc gì đó. Việc lắng nghe lời nhận xét từ mọi người giúp bạn củng cố đam mê bạn đang theo đuổi, bên cạnh đó còn giúp bạn tìm ra mục tiêu mới.
Ông cha ta thường nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Người mà ta giao lưu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tính cách cũng như cách suy nghĩ của bản thân. Nhóm người này không chỉ gói gọn trong phạm vi gia đình, bạn bè, đồng nghiệp mà còn là người bạn tiếp xúc hoặc làm quen trong một số hoạt động giao lưu bên ngoài.
Ở bên cạnh người có thái độ tích cực, bạn có thể được lan tỏa năng lượng này và có nguồn cảm hứng để tìm mục đích sống. Ngược lại, nếu xung quanh bạn chỉ toàn cá nhân có lối sống tiêu cực, hằn học, lâu dần tâm trạng và thái độ của bạn sẽ bị ảnh hưởng bởi nguồn năng lượng xấu, bạn sẽ mất động lực và cảm thấy mọi việc mình làm đều vô nghĩa.
Nhiều người ngại ngùng và lúng túng khi bắt chuyện với người lạ. Tuy nhiên, việc mở rộng mối quan hệ xã hội là cơ hội để bạn có cái nhìn rộng hơn về sự việc bên ngoài cũng như tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp bạn chưa từng biết tới.
Để gặp gỡ và làm quen người mới, bạn nên dành thời gian quan sát xung quanh, tham gia hoạt động ngoại khóa hoặc các workshop đa dạng chủ đề. Bạn có thể bắt đầu câu chuyện với những lời hỏi thăm cơ bản, hỏi về các công việc và dự án họ đang làm, tìm hiểu liệu công ty hay tổ chức của họ có vị trí nào mà năng lực của bạn phù hợp không. Khám phá và thử sức ở các lĩnh vực mới là bước đệm giúp bạn tìm ra điều mình mong muốn theo đuổi về dài lâu.
Đã bao giờ bạn thấy buồn và ấm ức khi chứng kiến những nỗi bất công, bất hạnh trong xã hội như trọng nam khinh nữ, kỳ thị người đồng tính, hay trẻ em vùng cao thiếu cơm ăn áo mặc? Rất nhiều tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức thiện nguyện được thành lập nhằm hỗ trợ người khó khăn, xóa dần định kiến và bất công trên thế giới. Và bạn có thể tham gia các tổ chức để đóng góp sức mình cho sứ mệnh chung.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học bang Florida và Stanford phát hiện rằng “hạnh phúc” thường liên quan đến cảm xúc của người nhận hơn là người cho, trong khi “cuộc sống ý nghĩa” liên quan đến người cho hơn là người nhận. Trong các mối quan hệ, những người cho đi thường cảm thấy cuộc sống có mục đích hơn so với người nhận.
Do đó, bạn có thể đóng góp chút thời gian để hỗ trợ cho các tổ chức đang thực hiện dự án về vấn đề bạn quan tâm. Làm vậy, bạn không chỉ sống có mục đích và mà còn đem lại đóng góp tích cực, ý nghĩa cho xã hội.
Tìm mục đích sống không phải điều bạn có thể làm trong vài ngày, vài tuần hoặc vài tháng, và tất nhiên mỗi người không nhất thiết chỉ có một mục tiêu cuộc đời duy nhất. Năm 20, bạn đặt cho mình một “sứ mệnh trọng đại” là thành lập start-up, thay đổi xã hội, nhưng có thể đến năm 60, mục tiêu cuộc đời chỉ đơn giản là mở một tiệm bánh và sống với người mình thương.
Đôi khi, con đường tìm kiếm mục đích sống không bằng phẳng mà đầy rẫy những khúc cua, ngã rẽ và điểm dừng. Đây là hành trình dài và bạn cần kiên nhẫn thực hiện từng bước một.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn