Hân từng nổi tiếng là một cô gái ngoan. Trong lúc bạn bè Hân sa vào shopping, thích “quẩy” ở bar, thích hẹn hò chớp nhoáng... thì cô chỉ chuyên tâm vào học hành, công việc. Lúc rảnh rỗi, Hân đi cà phê với vài bạn thân hoặc ở nhà nghe nhạc, đọc sách, tập làm bánh, nấu ăn... Bạn của mẹ Hân thường ao ước họ có được con dâu như cô. Rồi một trong số họ đã thành công khi mai mối Hân cho con trai mình.
Chồng Hân có nhiều điểm khác biệt so với cô. Anh có dáng vẻ bề ngoài bặm trợn, ưa tự do. Ngay từ lúc mới quen, Hân đã nhận ra điều đó. Khi ấy, có lẽ đó là sự tươi mới, thu hút. Song, chừng vài tuần sau đám cưới, những gì trái ngược lại trở thành căn nguyên của sự bất đồng.
Hân vốn quen quản lý tiền bạc một cách cân đối. Còn anh thấy việc đó thật mất thời gian và chi li. Anh thích tiêu tiền theo kiểu kiếm được nhiều thì tiêu nhiều, kiếm được ít tiêu ít và không phải tính toán cho đau đầu. Hân thích nấu ăn tại nhà và thường ăn đúng giờ. Anh thì luôn hứng thú với việc ăn ngoài quán. Hân thích dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, đồ đạc để theo nơi quy định. Anh thì thích mọi thứ cứ phiên phiến và trong nhà bừa bộn một chút thì cũng chẳng sao. Hân thích vợ chồng cùng làm việc gì, đi đâu cũng theo kế hoạch. Còn anh thì luôn căn cứ vào tình hình thực tế và cảm hứng để đưa ra những quyết định ngay và luôn.
Khi đi mua sắm đồ đạc, nội thất, quần áo... Hân thường chọn màu trầm, kiểu dáng chững chạc, quen thuộc. Anh thì lại ưa những thứ đặc biệt, phá cách, đôi khi “độc”, kỳ quái. Trong giao tiếp, trong các mối quan hệ, Hân ăn nói chỉn chu, chừng mực, bạn cô cũng là những người ngoan ngoãn, đạo mạo... Trong khi đó, anh thường quen kiểu ăn nói phóng khoáng, bạn anh tạp nham đủ kiểu mà đa phần là ham chơi, ưa nhậu nhẹt, hay nói tục...
Hồi đầu, có thể mọi thứ còn mới mẻ, còn có sự “vị nể” nhau nên nhiều khi vợ chồng bất đồng, anh cố gắng tranh cãi ở mức chừng mực hoặc chịu nghe theo, nhịn nhường vợ. Dần dần, có lẽ càng ngày Hân càng thấy những gì ở chồng là khó chấp nhận. Cô bắt đầu tỏ ra phán xét, lên án, bảo anh là “không ngoan”, “không đúng”, anh nổi cáu. Những cuộc khẩu chiến diễn ra ngày càng nhiều. Anh đã bất chấp ý kiến của Hân để làm theo ý mình hoặc anh luôn đưa ra những quyết định trái ngược để thách thức, chọc tức cô...
Tất nhiên, sau những cuộc tranh luận và khẩu chiến, cuối cùng, phần thắng thường nghiêng về Hân bởi cô nhận được sự hậu thuẫn từ gia đình 2 bên, bởi cô luôn có thừa sự tự tin ở bản thân, bởi những gì cô làm, cô nói đều ngoan, đều đúng và chuẩn mực...
Hân hy vọng một ngày nào đó chồng sẽ thay đổi, sẽ hiểu ra những gì anh đang làm, cách anh lựa chọn là sai thì bất ngờ một ngày điện thoại của cô rung lên. Một tin nhắn lạ từ một người phụ nữ không quen. Cô này tự giới thiệu là bạn thân của chồng Hân. Cô ta rất thương anh, hiểu anh. Việc để một người “chỉn chu, cứng nhắc” như Hân hành hạ anh hàng ngày, luôn làm anh buồn là điều cô ta cảm thấy xót xa. Cô ta hỏi Hân, nếu hai người thực sự quá khác biệt và nếu không còn tình yêu thì liệu Hân có thể giải thoát cho anh?
Những tin nhắn khiến Hân vô cùng choáng váng. Lần đầu tiên sau 2 năm kết hôn, Hân đã xem xét lại mọi việc và tự vấn chính mình. Sau cùng, Hân chọn cách bình tĩnh để trò chuyện với anh. Câu đầu tiên cô hỏi không phải việc tra tìm về chủ nhân của những tin nhắn kia mà là: “Điều gì ở em làm anh cảm thấy không được thoải mái nhất?”. Người đàn ông ưa bông phèng, thích làm những thứ nổi loạn bất ngờ trầm tĩnh lại.
Qua lời anh nói, Hân mới hiểu ra những gì ở cô đa phần là tốt. Song, đôi khi phương pháp “cải tạo” chồng của cô lại chưa khéo léo. Cô quá áp đặt ý muốn chủ quan của mình lên anh. Cô không lắng nghe khi anh cố gắng lý giải về những thói quen, sở thích, quyết định của mình... “Nếu em cố gắng học cách lắng nghe anh hơn thì sao? Liệu chúng ta có còn thực sự cần nhau nữa?” - câu hỏi của Hân vào cuối cuộc đối thoại. Anh bất ngờ nhoài người, nắm lấy bàn tay người vợ trẻ: “Sao em hỏi khờ khạo thế? Lúc nào anh cũng cần em, chỉ là ta chưa biết cách để gần nhau thôi. Nếu em cố gắng thay đổi thì anh cũng sẽ làm thế! Anh hứa!”.
Khi vợ chồng có tính cách trái ngược nhau - Đã lựa chọn nhau để tiến tới hôn nhân thì cần tôn trọng tính cách của “người ấy”. - Khi muốn giúp người bạn đời sửa chữa những tính xấu, cần khéo léo, tế nhị. - Tránh không đối đầu nhau như đang ở hai chiến tuyến. - Khi có bất đồng, nên cùng ngồi lại để giải thích, lắng nghe nhau và tìm giải pháp tháo gỡ. |