Hội thảo nhằm hệ thống hóa các vấn đề lý luận, lý thuyết về công tác phụ nữ, trao quyền cho phụ nữ; tổng kết thực tiễn về công tác phụ nữ; định hướng đổi mới nội dung, phương thức công tác phụ nữ của Hội LHPN Việt Nam trong bối cảnh mới, thúc đẩy công tác phụ nữ, thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Tham dự Hội thảo có: bà Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng khoa học Cơ quan TW Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Ủy viên TƯ Đảng, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam; đại diện lãnh đạo các ban/đơn vị TW Hội LHPN Việt Nam, các nhà khoa học, các đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, công tác phụ nữ và hoạt động Hội nhiệm kỳ 2022 - 2027 được thực hiện trong bối cảnh phong trào phụ nữ và bình đẳng giới của nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như: Hệ thống pháp luật, chính sách về bình đẳng giới của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ, phù hợp với bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội và xu thế hội nhập quốc tế, tạo hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi cho công tác bình đẳng giới và sự phát triển của phụ nữ; Phụ nữ Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế, có đóng góp tích cực trên các lĩnh vực. Khoảng cách giới trong các lĩnh vực dần được thu hẹp.
Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức cho công tác phụ nữ và hoạt động Hội: thách thức do tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và yêu cầu chuyển đổi số; đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ còn nhiều khó khăn; các công trình nghiên cứu khoa học về công tác phụ nữ còn hạn chế, còn thiếu các nghiên cứu tổng kết thực tiễn, nhiều vấn đề mới đặt ra liên quan đến phụ nữ, phong trào phụ nữ, chưa có những cơ sở lý luận để giải quyết thấu đáo; nguồn lực cho công tác phụ nữ chưa được ưu tiên…
Trong bối cảnh đó, Hội thảo được tổ chức nhằm thảo luận, phân tích, tổng hợp các vấn đề lý luận về công tác phụ nữ, để từ đó bàn luận về nội dung, phương thức hoạt động phù hợp của Hội LHPN Việt Nam thời gian tới, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của tình hình mới đặt ra.
Tại phiên làm việc thứ nhất, Hội thảo tập trung thảo luận nội dung Lý luận về công tác phụ nữ; bối cảnh hiện nay và những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ và công tác phụ nữ.
Tham luận tại Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, Phó Viện trưởng Viện Xã hội học, Tổng Biên tập tạp chí Xã hội học Việt Nam, cho biết, Chính phủ đã kết hợp cùng các cơ quan ban ngành để đưa lồng ghép vấn đề về giới trong các chính sách, quy định đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ nhưng thực tế vẫn có nhiều vấn đề trong quá trình thực hiện.
Một số nguyên nhân dẫn đến những thách thức và nguy cơ đối với việc thực hiện bình đẳng giới bao gồm: Định kiến giới vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi, khiến cuộc sống của phụ nữ dù lao động ở địa phương hay di cư ra khỏi cộng đồng vẫn phải đối mặt với sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng trong cơ hội việc làm, điều kiện làm việc và thu nhập ở các môi trường làm việc bên ngoài xã hội. Phụ nữ vẫn phải đảm nhận phần lớn công việc nội trợ và chăm sóc gia đình, ngay cả khi họ đã tham gia thị trường lao động. Điều này vẫn tiếp tục tạo ra "gánh nặng kép" cho phụ nữ, ảnh hưởng đến sức khỏe, thời gian và năng lượng của họ, hạn chế cơ hội phát triển sự nghiệp và tham gia các hoạt động xã hội.
Đồng quan điểm với ý kiến của PGS.TS. Nguyễn Đức Chiện, PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương - Trưởng Khoa Dược, Trường Đại học Y Dược Hải Phòng - chỉ ra rằng trong thời đại công nghệ số hiện nay, phụ nữ có nhiều lợi thế trong việc sử dụng các công cụ mạng xã hội, thương mại điện tử để quảng bá và chia sẻ kiến thức, kinh doanh. Tuy nhiên, phụ nữ vẫn ít tham gia các ngành công nghệ thông tin và STEM, thách thức lớn nhất mà phụ nữ phải đối mặt là khoảng cách về kỹ năng số thể hiện thông qua việc phụ nữ có ít cơ hội tiếp cận với giáo dục kỹ thuật số và các khóa đào tạo chuyên môn, dẫn đến sự thiếu hụt kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động số hóa.
Bên cạnh đó, phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản trong lĩnh vực an ninh mạng. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ thường có mức độ tự tin thấp hơn về kỹ năng an ninh mạng, với khả năng tự đánh giá thấp hơn về hiệu quả bảo mật so với nam giới (Mohd Anwar, 2017). Điều này một phần bắt nguồn từ sự chênh lệch về kinh nghiệm trước đây trong việc tiếp cận và thực hành công nghệ. Mặc dù phụ nữ không thiếu sự tiếp xúc với công nghệ nhưng họ thường ít có cơ hội tham gia các khóa đào tạo chuyên sâu về an ninh mạng, dẫn đến việc thiếu tự tin khi đối mặt với các mối đe dọa an ninh mạng. Hơn nữa, những yếu tố xã hội như định kiến giới trong công việc công nghệ, thiếu mô hình phụ nữ thành công trong lĩnh vực an ninh mạng cũng làm gia tăng rào cản.
Để giúp phụ nữ tận dụng tối đa các cơ hội mà chuyển đổi số mang lại, các đại biểu đề xuất Hội LHPN Việt Nam có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ thiết thực cho phụ nữ như: tổ chức các chương trình đào tạo chuyên sâu về kỹ năng số và công nghệ thông tin; thiết lập các quỹ hỗ trợ và cố vấn doanh nghiệp để giúp các nữ doanh nhân tiếp cận nguồn vốn và các dịch vụ tư vấn kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ. Ngoài ra, việc truyền thông và vận động chính sách cần được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức về vai trò của phụ nữ trong chuyển đổi số, đảm bảo rằng tiếng nói của phụ nữ được lắng nghe và những khó khăn của phụ nữ được giải quyết. Đặc biệt, Hội cũng nên xem xét việc hợp tác với các tổ chức quốc tế để cung cấp cho phụ nữ cơ hội tham gia các chương trình hợp tác nghiên cứu, đào tạo và phát triển kỹ năng trên toàn cầu.
Tại phiên làm việc thứ 2, Hội thảo tập trung thảo luận về tình hình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022 - 2027 và những vấn đề đặt ra. Theo đó, TS. Đàm Thị Vân Thoa, Trưởng Ban Chính sách - Luật pháp, TW Hội LHPN Việt Nam, nhấn mạnh, phản biện xã hội có vai trò quan trọng trong thực hành dân chủ, là hình thức để Hội LHPN Việt Nam thực hiện tốt hơn chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước. Trong quá trình triển khai thực hiện, Hội LHPN các cấp không ngừng phát huy tính chủ động trong lựa chọn nội dung, nghiên cứu lồng ghép các vấn đề giới trong dự thảo văn bản, đồng thời sáng tạo và lồng ghép nhiều hình thức để thực hiện công tác phản biện xã hội đạt chất lượng, hiệu quả. Song, bên cạnh đó không tránh khỏi những khó khăn, vướng mắc, bị hạn chế bởi nhiều nguyên nhân. Để nâng cao chất lượng, hiểu quả công tác phản biện xã hội cần có nhiều sự quan tâm đầu tư từ nhân lực đến kinh phí tương ứng; các cơ chế, chính sách hữu hiệu, đảm bảo phản biện xã hội đạt kết quả mong muốn.
Bế mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương ghi nhận các ý kiến đóng góp sâu sát, thiết thực, phù hợp với thực tiễn; các bài viết đã xoay quanh chủ đề hội thảo cũng như nêu được các căn cứ lý luận về công tác phụ nữ, lý thuyết về giới, về pháp luật, nữ quyền và các cái vấn đề đặt ra đối với hệ thống Hội trong tình hình hiện nay. Một số vấn đề mới cũng đã được phân tích tại Hội thảo như vấn đề an ninh phi truyền thống, bạo lực trên không gian mạng, vấn đề về chuyển đổi xanh…
Qua đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Minh Hương đề nghị Hội đồng khoa học Cơ quan TW Hội tiếp thu những ý kiến thảo luận nhằm giúp Hội định hướng hoạt động nghiên cứu trong năm 2025 liên quan đến vấn đề lý luận về công tác phụ nữ hiện nay cũng như hỗ trợ các nhóm đối tượng đặc thù như phụ nữ cao tuổi và trẻ em. Ý kiến của các đại biểu cũng sẽ là nền tảng quan trọng để đề xuất các giải pháp thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn