Bán hàng trên facebook có hết thời?

07:20 | 12/07/2017;
Với việc cơ quan thuế tỏ ra kiên quyết thu thuế những người bán hàng trên mạng xã hội, nhiều người đã tính tới chuyện phải “chuyển nghề” vì lợi nhuận bị ảnh hưởng. Liệu phương thức bán hàng này có bị “triệt tiêu”?
Bán hàng trên facebook nở rộ trong 3-4 năm gần đây, đặc biệt được nhiều phụ nữ là dân văn phòng, công sở và người nội trợ ưa thích, vì vừa không phải di chuyển nhiều để tìm kiếm khách hàng, cũng không tốn nhiều chi phí để tiếp thị mà vẫn có sẵn nguồn khách hàng tiềm năng cực lớn.

Một phần nữa là vì phương thức bán hàng này không tốn phí thuê mặt bằng và cũng không phải chịu thuế - có nghĩa, lợi nhuận gần như được bảo toàn nguyên vẹn.
489277153.jpg Bán hàng trên facebook nở rộ trong 3-4 năm gần đây, đặc biệt được nhiều phụ nữ là dân văn phòng, công sở và người nội trợ ưa thích

Tuy nhiên, với những động thái gần đây của cơ quan Thuế cho thấy, ngành thuế quyết liệt trong việc thu thuế đối với những tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh. Biện pháp mới nhất là sẽ chặn những tài khoản có hành vi trốn thuế.

Được biết, các biện pháp để kiểm soát doanh thu của hoạt động bán hàng qua facebook đã được cơ quan chức năng áp dụng và mức thuế dự kiến là 0,5-1% trên doanh thu.

Tất nhiên, việc đánh thuế này sẽ khiến nhiều người vốn quen kiểu “kinh doanh miễn thuế” bấy lâu nay cảm thấy không hài lòng. Một số người cho biết, thời gian tới họ sẽ “chuyển nghề” hoặc tìm những nền tảng công nghệ khác để kinh doanh mà vẫn không phải chịu thuế.

Tuy vậy, giới kinh doanh nói chung cùng nhiều chuyên gia luật kinh tế cho rằng, đó là điều cần thiết và đảm bảo công bằng. Hơn nữa, mức thuế như vừa nêu không phải là quá nặng so với nhiều lợi thế khác mà những người kinh doanh trên facebook đang có.

“Trước mắt, có thể những người này ước tính sẽ bị giảm tối đa 7-10% lợi nhuận, nhưng so sánh với những cái lợi khác mà những người kinh doanh trực tiếp không có, thì phần lợi nhuận bị “hao hụt” đó gần như là không đáng kể.
ban-hang-tren-facebook-ca-nhan-nhu-the-nao-cho-hieu-qua-2.jpg
Với những động thái gần đây của cơ quan Thuế cho thấy, ngành thuế quyết liệt trong việc thu thuế đối với những tài khoản facebook có hoạt động kinh doanh   (Ảnh minh họa)

Đơn cử, một người kinh doanh trực tiếp nếu trừ đi các khoản chi phí thuê và đầu tư mặt bằng, thuê nhân viên, còn phải chi phí để tiếp thị, tìm kiến khách hàng. 

Trong trường hợp cùng kinh doanh một mặt hàng, mua và bán cùng giá với người bán hàng trên facebook, thì tỉ suất lợi nhuận của họ chỉ khoảng 10-15%, trong khi bán hàng trên facebook có thể đạt lợi nhuận đến 30% hoặc cao hơn.

Đó là chưa tính tới khả năng người bán hàng trên facebook có lợi thế về tiết giảm chi phí nên có thể bán hàng với giá rẻ hơn, nhờ đó lượng khách hàng cũng đông đảo hơn”, một chuyên gia tài chính phân tích.

Hiện nay, hình thức kinh doanh trên nền tảng công nghệ đang bùng nổ khắp thế giới. Ở những nước phát triển, các trang thương mại điện tử cũng như những cá nhân bán lẻ dựa trên các nền tảng công nghệ, các mạng xã hội, cũng đều đóng thuế, nhưng không vì thế mà phương thức kinh doanh này bị hạn chế hay triệt tiêu.

“Nếu người kinh doanh tìm được những đầu mối cung cấp sản phẩm đảm bảo uy tín, giá cả hợp lý, thì mức giá bán lẻ phổ biến mà họ đưa ra như thời gian qua vẫn đảm bảo lợi nhuận (sau thuế) ở mức trung bình 15-20% - có thể coi là mức lợi nhuận khá lý tưởng so với các loại hình sản xuất, kinh doanh khác ở Việt Nam.

Vì thế, những người kinh doanh trên facebook vẫn có thể yên tâm tiếp tục kinh doanh sau khi kê khai thuế một cách minh bạch. Hình thức kinh doanh, bán hàng trên facebook nói riêng, các loại hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ nói chung, có rất nhiều tiềm năng để phát triển, không thể chỉ vì phải chịu thuế mà bị hạn chế hay triệt tiêu”, vị chuyên gia nói trên khẳng định.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn