Với 445 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành, đạt tỷ lệ 100%, chiều nay (19/6), Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE, với nhiều nội dung quan trọng sẽ thực thi ngay trong nửa cuối của năm 2020.
Nghị quyết nêu rõ, việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống XHTE thời gian qua vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số quy định của Luật Trẻ em và các luật khác có liên quan chưa được hướng dẫn kịp thời, đầy đủ gây khó khăn trong tổ chức thực hiện; Chế tài quy định trong một số nghị định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống XHTE còn nhẹ, chưa bảo đảm tính răn đe. Bạo lực đối với trẻ em xảy ra trong gia đình ít được phát hiện, xử lý.
Đặc biệt, việc bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng là yêu cầu bức thiết nhưng pháp luật quy định chưa đầy đủ, kịp thời, tiềm ẩn nhiều nguy cơ trẻ em bị xâm hại.
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý các hành vi XHTE ở một số địa phương chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời, hiệu quả chưa cao. Trong thời gian tới, nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả thì tình hình XHTE sẽ vẫn diễn biến phức tạp và có chiều hướng tăng.
Một vấn đề nổi cộm nữa theo Nghị quyết là nhân lực làm công tác trẻ em còn thiếu về số lượng, kiêm nhiệm nhiều việc và thường xuyên thay đổi, một bộ phận còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác. Ngân sách, cơ sở vật chất dành cho công tác bảo vệ trẻ em, trong đó có phòng, chống XHTE còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu.
Trước bất cập trên, Nghị quyết đã chỉ rõ những nội dung cần thực hiện để tiếp tục tăng cường phòng chống XHTE có nguy cơ ngày một gia tăng hiện nay. Các công việc cần thực hiện được giao cụ thể về cho các bộ, ngành và được Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nhấn mạnh đây là những công việc có thể thực thi ngay trong năm 2020 này.
Theo đó, Nghị quyết của Quốc hội chỉ đạo Bộ TT&TT trong năm 2020 ban hành Chương trình phòng, chống XHTE trên môi trường mạng. Đồng thời, có biện pháp đẩy mạnh công tác truyền thông về phòng, chống XHTE trên môi trường mạng.
Đối với Bộ VHTT&DL, Nghị quyết yêu cầu cơ quan này tăng cường các biện pháp quản lý hoạt động du lịch lữ hành nhằm phòng ngừa nguy cơ XHTE qua hoạt động du lịch. Phối hợp với Bộ Công an có biện pháp quản lý chặt chẽ các đối tượng hoạt động du lịch, nhất là khách du lịch là người nước ngoài có án tích về XHTE đến Việt Nam.
Đặc biệt, chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan và chính quyền địa phương đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh trong gia đình nhằm từng bước xóa bỏ tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, bỏ rơi, bỏ mặc trẻ em và những hủ tục lạc hậu đối với trẻ em.
Với Bộ Công an, Nghị quyết chỉ đạo ban hành Quy định về điều tra thân thiện trong các vụ án XHTE; đẩy mạnh triển khai mô hình "Phòng điều tra thân thiện" tại Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Công an đồng thời chỉ đạo Cơ quan điều tra các cấp bảo đảm tỷ lệ thụ lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đối với các vụ XHTE đạt 100%; tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về XHTE đạt trên 95%; điều tra khám phá tội phạm XHTE đạt trên 80%, trong đó các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt trên 90% tổng số án khởi tố…
Với Bộ GD&ĐT, ngay những tháng còn lại của năm 2020, cơ quan này cần nhanh chóng ban hành Chương trình phòng, chống XHTE trong môi trường giáo dục. Đồng thời xây dựng nội dung hướng dẫn học sinh sử dụng mạng internet an toàn, hiệu quả, lồng ghép nội dung này trong chương trình giáo dục tin học.
Bên cạnh giao nhiệm vụ cho một số đoàn thể chính trị - xã hội khác thuộc MTTQVN, Nghị quyết yêu cầu Hội LHPN Việt Nam chỉ đạo các cấp Hội phụ nữ tăng cường giám sát việc phòng, chống XHTE; tuyên truyền, vận động các hội viên tham gia phòng, chống XHTE, hỗ trợ trẻ em, gia đình có trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại.
Nghị quyết cũng yêu cầu Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam tổ chức việc kết nối, thu thập thông tin, kiến nghị của các tổ chức xã hội và của trẻ em liên quan đến việc phòng, chống XHTE chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền; kịp thời phát biểu chính kiến và kiến nghị đối với các cơ quan nhà nước về các vấn đề liên quan đến phòng, chống XHTE.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn