Bán khăn quàng, kim chi để lấy tiền tổ chức triển lãm tranh cho người khuyết tật

07:47 | 18/04/2018;
Dành hết cả tuổi trẻ để làm từ thiện, bán từng chiếc khăn, từng hộp kim chi để làm triển lãm tranh cho người khuyết tật. Đó là việc làm của người phụ nữ nhỏ bé Nguyễn Quỳnh Hoa (sống tại Hà nội).

Sinh ra trong một gia đình có 4 chị em ở phố Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa không được may mắn như các chị em của mình, chị bị biến dạng bàn tay bàn chân, sức khỏe yếu với nhiều căn bệnh vặt. Với tâm lý lạc quan và hy vọng đôi tay không đẹp nhưng có thể làm nhiều việc tốt, ngay từ khi còn là sinh viên, chị đã thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện. Từ những hoạt động nhỏ của đoàn trường đến những hoạt động từ thiện do chính chị đứng ra khởi xướng và tổ chức.

Đi nhiều nơi, trải nghiệm nhiều cuộc sống khác nhau, chị Quỳnh Hoa cho rằng bản thân khá may mắn khi được gia đình che trở, được sống một cuộc sống hạnh phúc, được mọi người yêu thương dù cho đôi tay bàn chân không lành lặn. Chị chia sẻ: “Đến với từ thiện là một cách để mình trả nợ đời, trả nợ nhân duyên từ những việc nhỏ bé nhất”. Với quan điểm đó, chị luôn ấp ủ và hy vọng sẽ làm được nhiều việc thiện giúp đỡ mọi người.

Từ khi còn là một cô gái ngoài 20 tuổi, chị đã đứng ra tổ chức và tự tay làm những mòn quà tặng trung thu cho những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Kêu gọi và quyên góp được hơn 7.000 cuốn lịch để in sách chữ nổi cho những người khiếm thị. Nhiều năm liên tiếp chị cũng hỗ trợ quyên góp cho nhóm phát cháo từ thiện cùng các phật tử  tại bệnh viện Nội tiết Trung ương. Với chị được làm từ thiện là một niềm hạnh phúc, là sự biết ơn đối với chính những người để mình được giúp đỡ họ.

​Chị Quỳnh Hoa và con trai

Năm 2011, bén duyên với những người khuyết tật đam mê vẽ tranh, chị Hoa kêu gọi các thành viên trong gia đình hỗ trợ, đứng ra tổ chức những buổi triển lãm nhỏ đầu tiên tại Huế. Năm 2014 chị thành lập nhóm họa sĩ khuyết tật “Khát vọng ngày mới” với 4 thành viên từ nhiều nơi như Đà Nẵng, Yên Bái. Chị dừng lại những hoạt động thiện nguyện trước đó để tập trung điều hành và tổ chức các buổi triển lãm.

Sức lan toả của các buổi triển lãm đã giúp chị và những người bạn khuyết tật tiến gần hơn với những người yêu thích hội họa. Anh Nguyễn Tấn Hiền (Đà Nẵng) thành viên nhóm “ Khát vọng ngày mới”, cũng là người đồng hành cùng chị Hoa từ những năm đầu tiên, chia sẻ: “Sau khi gặp tai nạn mình chỉ biết vẽ vì đam mê, Quỳnh Hoa là người đầu tiên đưa tranh của mình đến với triển lãm, từ đó mình đã có thêm nhiều triển lãm trong và cả ngoài nước”. Không chỉ anh Tấn Hiền, chị Hoa còn giúp đỡ nhiều người khuyết tật khác đã tự tin theo đuổi đam mê, đưa tranh của họ hòa nhập với thị trường hội họa.

Chị Nguyễn Quỳnh Hoa (thứ 2 bên trái) và nhóm Khát vọng ngày mới

Là người làm công nghệ thông tin, không am hiểu về hội họa, để làm nên những buổi triển lãm đó, chị Hoa cũng gặp rất nhiều khó khăn. Chị Hoa cho biết thời gian đầu gia đình chị không ủng hộ vì lo sức khỏe của chị yếu, nhưng được thấy kết quả từ các chương trình chị mang lại thì họ đã thay đổi suy nghĩ và đồng hành cùng chị cả về vật chất lẫn tinh thần trong tất cả các sự kiện. Nhờ đó chị có thêm nguồn động lực để học hỏi và thành lập các buổi triển lãm cho người khuyết tật.

Với tiêu chí “tích tiểu thành đại”, bên cạnh việc kêu gọi sự ủng hộ của mọi người, chị cùng một số thành viên là người khuyết tật bán từng chiếc khăn rằn, từng hộp kim chi do chính tay chị muối để tiết kiệm từng đồng gây quỹ cho triển lãm. Chị mong muốn mỗi việc làm nhỏ của mình tạo ra được sự lan tỏa, giúp nhiều người biết đến chương trình hơn. “Từ thiện không phải cứ đợi đên lúc giàu mới làm được, mà cái gì trong phạm vi có thể làm thì mình sẽ không bao giờ từ chối”, chị Hoa chia sẻ.

một số bức tranh trong triển lãm của người khuyết tật

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn