Băn khoăn về hiệu quả thực sự của công tác giảm nghèo

17:52 | 09/10/2018;
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thúy Anh nêu lên băn khoăn của nhiều đại biểu về hiệu quả thực sự của công tác giảm nghèo.
Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội diễn ra từ 9 đến 11/10 tại Đà Nẵng để nghe lãnh đạo một số bộ, ngành giải trình về trách nhiệm quản lý Nhà nước và phối hợp liên ngành trong công tác phòng, chống bạo lực gia đình, đồng thời làm việc về 13 nội dung khác.
Trong buổi làm việc đầu tiên, các đại biểu thảo luận 2 nội dung: Việc thực hiện Nghị quyết số 76/2014 của Quốc hội khoá 13 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước.
giam-ngheo.jpg
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung thay mặt Chính phủ báo cáo tóm tắt tình hình hai năm (2017-2018) thực hiện Nghị quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020.

Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác giảm nghèo có nhiều tiến bộ, chênh lệch giàu nghèo giảm, nhiều chỉ tiêu, nội dung của Nghị quyết đạt và vượt. Cụ thể, cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cả nước là 15,10% thì trong năm 2016 và 2017, tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước giảm 1,59%, vượt so với chỉ tiêu đề ra từ 1 đến 1,5%/năm. 

Kết quả giảm nghèo 2 năm qua (2016 và 2017) vượt mục tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tỷ lệ tái nghèo bình quân 5,1%, tỷ lệ nghèo phát sinh tương đối lớn… Chênh lệnh giàu - nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư chưa được thu hẹp, nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên. 

Tại phiên họp, các đại biểu đã trực tiếp đặt câu hỏi và được các thành viên Chính phủ giải đáp về những băn khoăn, thắc mắc trong việc thực hiện các chính sách giảm nghèo như việc bố trí vốn; thẩm định vốn; giải ngân chậm do đâu; bộ tiêu chí giữa các địa phương không giống nhau; làm sao để tỷ lệ hộ nghèo không còn đối với người có công cách mạng… 

Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến địa phương và các cấp, ngành trong công tác giảm nghèo và cũng là điểm sáng của quốc tế. 

“Về mặt số liệu là như vậy, tuy nhiên các đại biểu cũng còn rất băn khoăn vì những con số thống kê và hiệu quả thực sự của công tác giảm nghèo, trong đó có việc giữa đầu tư nguồn lực và kết quả thực hiện”, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết. 

2.JPG
Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh điều hành phiên họp. Ảnh: VGP

 

Cũng trong sáng 9/10, Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng thảo luận về tình hình thực hiện các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước 9 tháng năm 2018 và ước thực hiện các năm 2018; đánh giá giữa kỳ giai đoạn 2016-2020; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019 và 3 năm 2019-2021 thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ LĐTB&XH.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn