Chiều 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Liên quan đến kiến nghị của cử tri về việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương, Đại biểu Dương Minh Ánh, Đoàn ĐBQH Hà Nội, cho biết: nhiều ý kiến của cử tri ngành giáo dục gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ về việc khi triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với nền giáo dục tới đây cần thực hiện theo Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương, đó là lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống bậc lương hành chính, sự nghiệp.
Nhiều ý kiến cử tri ngành giáo dục cho rằng, cách tính lương như vậy chưa tương xứng với những công việc mà các nhà giáo được thụ hưởng. Điều này sẽ không tạo ra được động lực cống hiến cho các nhà giáo. Bên cạnh đó, việc tăng lương chưa thấy được thể hiện rõ trong bảng lương dự kiến mới.
Do đó, cử tri có hai kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan đó là: Thứ nhất, trước khi ban hành các bảng lương chính thức, Chính phủ cần có thông tin để các đối tượng được hưởng lương biết được một cách rõ ràng, chính xác, thấy được việc cải cách chính sách tiền lương là đúng đắn, tránh để hoang mang cho đối tượng thụ hưởng, không yên tâm công tác.
Thứ hai, cần tính toán kế toán kỹ lưỡng khi giải quyết bài toán tăng lương với bài toán giao tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập, làm sao để chính sách đi vào cuộc sống và tạo được sự đồng thuận của xã hội.
Video thảo luận của Đại biểu Dương Minh Ánh - Đoàn ĐBQH Hà Nội
Cũng liên quan tới ngành Giáo dục, Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Có những kiến nghị đã được các bộ, ngành giải quyết, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Như để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục công lập, Chính phủ ban hành Nghị định 111 năm 2022 về hợp đồng một số loại công việc trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Tuy nhiên, việc hợp đồng các giáo viên tại cơ sở giáo dục công lập gặp nhiều khó khăn, thiếu nguồn hợp đồng, do lương thấp, không có tính ổn định lâu dài, không thu hút được giáo viên.
Trong khi đó, tình trạng thiếu giáo viên vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, nhưng vẫn phải thực hiện tinh giản biên chế 10% theo lộ trình, việc thiếu giáo viên so với định mức được giao ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại các trường học dẫn đến một số giáo viên phải giảng dạy trái chuyên môn. Do vậy, đại biểu Chu Thị Hồng Thái kiến nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu có giải pháp để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên.
Video thảo luận của Đại biểu Chu Thị Hồng Thái - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn
Giải đáp một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: biết sau Kỳ họp thứ 6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trả lời hơn 200 ý kiến, kiến nghị của cử tri một cách chu đáo. Đối với một số vấn đề cử tri chưa hài lòng - Bộ Giáo dục và Đào tạo đang nghiên cứu và tiếp tục giải quyết.
Về nội dung đại biểu Chu Thị Hồng Thái nêu về Nghị định 111, đầu mối xây dựng và trình nghị định thuộc Bộ Nội vụ. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, từ khi nghị định 111 ra đời đã mở đường cho việc ký các hợp đồng lao động và nhiều hợp đồng lao động đã được ký kết. Qua đó giải quyết được thêm nhiều vị trí việc làm cho giáo viên ký hợp đồng. Đồng thời việc này cũng góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên hiện nay.
Mặc dù vậy, theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, vẫn có những vướng mắc như khi chuẩn bị ký hợp đồng thì tìm nguồn hợp đồng còn có những khó khăn. Bên cạnh đó, vấn đề lương và thu nhập với đối tượng ký hợp đồng còn có những điểm chưa thực sự động viên, chưa tạo được sức hút. Cho nên cũng có nhiều địa phương còn ngần ngại trong việc triển khai ký hợp đồng. "Trong thời gian tới, chúng tôi rà soát và kiến nghị cùng với Bộ Nội vụ tiếp tục xem xét các nội dung có liên quan" – ông Nguyễn Kim Sơn nói.
Video Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn làm rõ nội dung đại biểu nêu
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn