Bản Suối Mõ nằm ủ dột bên quốc lộ 6 cũ, chạy qua xã Mường Men. Các hộ dân người dân tộc Dao sống cạnh quốc lộ vốn là dân bản ở đất này từ nhiều năm nay. Vậy mà giờ đây họ đang sống như thân phận ở nhờ trên chính mảnh đất mà cha ông họ từng khai phá.
Công dân đầu tiên của bản mà chúng tôi gặp là ông Lý Văn Hoan (70 tuổi) người dân tộc Dao. Ông Hoan vừa đi làm về. Gặp người hỏi về đời sống của bà con, ông Hoan như tìm được nơi giãi bày. Chẳng là lâu lắm rồi không có người nào đến bản, ông Hoan tưởng chúng tôi là cán bộ địa phương đến giúp dân giải quyết vấn đề "đòi lại quyền nhân thân" cho các hộ dân. Khi đã yên vị trong gian bếp nhỏ, qua lời giới thiệu của chúng tôi, giọng ông Hoan chùng xuống: "15 năm rồi, chúng tôi mong tìm lại nhân thân của mình mà khổ quá".
Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi nhiều hộ dân sống ở cạnh nhà ông Hoan kéo vào nhà. Họ đến nhà ông Hoan mang theo niềm hy vọng, tìm được nơi để có thể đề đạt, giải quyết nguyện vọng của bà con. Ai cũng tỏ ra sốt ruột và muốn nói hết những bức xúc mà mình đã phải mang theo suốt mười mấy năm qua.
Ông Hoan phải vất vả lắm mới bảo được mọi người yên lặng. "Chúng tôi sống trên đất ông cha mà giờ lại bị coi là những hộ dân "vô thừa nhận". Không có hộ khẩu, không có thẻ căn cước công dân, không thuộc vào nơi nào…", ông Hoan giải thích về việc vì sao bà con lại bấn loạn đến vậy.
Qua câu chuyện của ông Hoan, chúng tôi được biết, bà con người Dao trước đây ở bản Suối Mõ có tới 32 hộ dân. Khi chính quyền vận động di dân lên các xã Vân Hồ, Lóng Luông và Hua Păng (khi đó thuộc huyện Mộc Châu, nay thuộc huyện Vân Hồ), họ bị thu lại toàn bộ giấy tờ và hộ khẩu. Giờ một số bà con không nhập khẩu được ở nơi đó, nên mới phải quay về quê cũ sống. Nhưng về quê cũ thì cũng không nhập lại được khẩu vì đã chuyển đi.
Không riêng gì ông Hoan, chị Ngần Thị Hoàn lấy anh Lý Văn Dũng đã được 5 năm, nhưng chị chưa hề được nhập khẩu về đây. Hộ khẩu của chị vẫn còn ở bên xã Pù Pin (Mai Châu – Hòa Bình) chưa cắt được vì anh Dũng không có hộ khẩu ở Suối Mõ. "Khổ trăm đường anh à. Mỗi khi có việc gì liên quan đến thủ tục hành chính. Gia đình tôi phải chạy đi chạy lại như con thoi mà không giải quyết được việc".
Bản Suối Mõ cách trung tâm huyện Vân Hồ gần 50km, cách trung tâm xã Mường Men hơn 10km đường rừng. Mỗi khi bà con có việc cần giải quyết phải chạy cả 2 nơi mà vẫn không nơi nào giải quyết nguyện vọng của họ. Nguyên nhân là họ đã cắt khẩu tại địa phương, giờ địa phương không quản lý họ nữa. Xã bảo họ lên huyện, cơ quan huyện lại đẩy họ về xã. Sau quá nhiều lần đi đến cơ quan hành chính để giải quyết các loại giấy tờ, thủ tục liên quan mà không được chấp nhận. 7 hộ dân sống ở rìa núi này đành bất lực và buông xuôi mọi thứ, vì họ càng đi khiếu nại càng tốn kém và mất thời gian. Hiện họ không thuộc đơn vị nào quản lý và cũng không được hưởng bất cứ chính sách gì liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số.
Buổi chiều nơi miền sơn cước như trôi nhanh hơn. Mặt trời vừa khuất sau đỉnh núi xa mờ, bóng tối đã sầm sập đổ xuống bản nghèo. Những ngôi nhà gỗ thâm nâu của bà con người Dao chìm trong giá lạnh và sương mù. Các hộ dân í ới gọi nhau về về nấu bữa cơm chiều. Do sống ở nơi xa khu dân cư, nên những hộ dân nơi đây thiếu thốn đủ đường. Điện lưới ở ngay trên đầu, nhưng họ chịu cảnh tăm tối. Mấy hộ dân đã chung tiền làm cái máy phát điện nước. Công suất điện không ổn định, nên ánh sáng lúc mờ, lúc tỏ. Lại nói về chuyện bọn trẻ đi học cũng khổ theo người lớn. Do không có giấy tờ tùy thân lẫn hộ khẩu, nên họ đành đi xin để con em mình được học tại xã gần đó.
Bà Bàn Thị Nhị đang ở cùng 4 người con là gia đình có số nhân khẩu đông nhất của bản Suối Mõ. Bà Nhị đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy, nhưng ngày ngày vẫn phải lên nương. Bà bảo, giờ cuộc sống của gia đình trông cả vào củ sắn, củ khoai trồng trên đồi. Không đi làm là nhà không có gì ăn. Trong ngôi nhà gỗ tối và thấp, bà Nhị tranh thủ nấu bữa cơm tối cho cả nhà. Buổi tối cũng là quãng thơi gian cả nhà quây quần, sau một ngày bận rộn trên nương. Bà Nhị có 2 người con trai và 2 cô con gái.
Trong số 2 cô con gái, có 1 người đã bỏ chồng, nên về ở với bà. Chị này có mang theo đứa cháu ngoại về ở với ông bà. Hiện đứa cháu này cũng đang ở trong tình trạng "treo" nhân thân. Cháu không biết nhập khẩu về đâu. Khi đến tuổi đi học, gia đình bà phải khó khăn lắm mới thuyết phục được nhà trường ở xã Chiềng Yên – cách nhà bà khoảng 5km, cho đứa cháu ngoại này vào học. Ngoài ra bà còn mấy đứa cháu nội đã lớn và sinh con đẻ cái rồi, nhưng đều phải nhập khẩu vào bên ngoại. "Mấy đứa cháu lấy vợ, lấy chồng cũng đều không được đăng ký kết hôn. Khi đi làm ăn xa, chúng cũng không có giấy tờ tùy thân. Mỗi khi địa phương sở tại kiểm tra thì đến khổ", bà Nhị thở dài.
Cũng giống như gia đình bà Nhị, những hộ dân còn lại ở bản Suối Mõ này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải quyết thủ tục hành chính. Họ không có giấy tờ tùy thân, nên đi đâu cũng gặp vô vàn bất tiện. Bọn trẻ ở bản lớn lên do không có đất sản xuất, nên chúng phải đi khắp nơi kiếm việc. Mỗi lần đi làm xa nhà là một lần thử lòng kiên trì của chúng. Chúng phải "khéo" lắm mới tồn tại được ở xứ người khi trong tay không có một thông tin gì chứng minh họ là những công dân bình thường.
Kỳ tới: 15 năm chờ hộ khẩu
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn