Bán nhẫn hồi môn học cách chữa tự kỷ cho con

01:38 | 27/12/2015;
Trong cộng đồng các cha mẹ không may có con bị tự kỷ, nhiều người vẫn nhắc tới chị Nguyễn Thị Mai Anh (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) như một bằng chứng sống về sức mạnh tình mẫu tử.
Không đầu hàng số phận
Năm 1999, chị Mai Anh sinh con trai đầu lòng Nguyễn Trung Hiếu. Thật không may, Hiếu lớn lên với các biểu hiện phát triển không bình thường như: Không có phản xạ khi mẹ gọi tên, không biết giao tiếp bằng mắt… Sau nhiều lần thăm khám, các bác sĩ đã kết luận Hiếu mắc chứng tự kỷ. Chỉ số IQ của Hiếu chỉ đạt 45 điểm trong khi bình quân IQ của con người là 80-100.
Ngày đó, xã hội vẫn chưa hiểu nhiều về căn bệnh tự kỷ. Theo lời giới thiệu của các bác sỹ, chị tìm đến một gia đình cũng có con bị tự kỷ để tìm hiểu bệnh. Nhưng, nỗi tuyệt vọng càng đã dâng trào khi chị nhìn thấy con gái của người mẹ ấy tuy phát triển về hình thể, nhưng lại thơ ngây về mặt trí tuệ, cảm xúc… Chị sợ hãi tự hỏi: Phải chăng, đây cũng chính là tương lai của con trai mình?
Trên đường về nhà, chị Mai Anh đã khóc rất nhiều, trong đầu chỉ cồn lên ý chí không thể đầu hàng số phận và phải cứu con bằng mọi giá. Nhưng, chị không phải là chuyên gia về tự kỷ, vợ chồng chị cũng không đủ tiền để đưa con sang Mỹ, Pháp chữa bệnh. Chị cầu cứu khắp nơi và cuối cùng tìm được một người ở Nam Định, nghe nói có thể dùng bùa ngải để chữa khỏi bệnh tự kỷ. Chị vội vã đưa con tới và chứng kiến cảnh Hiếu bị dí bùa ngải nóng vào người tới mức đau đớn tột cùng. Biết là mình đã sai lầm, chị đưa con về nhà và hiểu rằng, không thể dùng mê tín dị đoan để chữa bệnh tự kỷ.

Chị Mai Anh và con trai Nguyễn Trung Hiếu.

Năm 2002, chị nghe tin ở TPHCM có một phụ huynh sang Mỹ học về bệnh tự kỷ và về Việt Nam dạy con khá thành công, chị đã liên hệ mời người mẹ này ra Hà Nội dạy cho chị và 2 gia đình khác. Chị bán chiếc nhẫn vàng là của hồi môn mẹ cho ngày lên xe hoa, rồi gom góp tiền trong nhà được 1.000 USD để trả tiền vé máy bay, thuê khách sạn, tiền ăn ở cho khách mời tại Hà Nội. Nhờ vậy, chị đã được tiếp cận với kiến thức về tự kỷ và cách chữa tự kỷ một cách khoa học, bài bản và hiện đại của thế giới chứ không phải theo kiểu thiếu căn cứ như trước.
Cùng con bước ra ánh sáng
Vốn là cán bộ trong công ty nhà nước và đang có nhiều cơ hội thăng tiến nhưng chị Mai Anh bỏ hết sự nghiệp để ở nhà, toàn tâm toàn ý bắt tay vào chiến dịch can thiệp để cứu con. Chị dạy con từ những việc đơn giản nhất để sinh tồn rồi tới nhận biết các đồ vật đơn giản quanh nhà. Hiếu là một bé tự kỷ điển hình về hành vi tự gây tổn thương cho bản thân và người thân. Mỗi lần không được đáp ứng, Hiếu bùng nổ bằng cách tự cắn tay, chân và cắn tay mẹ. Nhiều năm trời, cánh tay của hai mẹ con lúc nào cũng tím bầm, xước xát.
Không có tiền để mua đồ chuyên dụng, chị Mai Anh tận dụng mọi đồ vật trong nhà để làm giáo cụ dạy con. Chị dùng hạt na, khuy áo… để cho con học phân loại hạt. Chị thắp nến cho con thổi để tập lấy hơi. Chị lấy chiếc tất cũ, bỏ các đồ vật vào trong để con học nhận biết và đoán vật bằng tay. Dạy cách xưng hô, chị làm các thẻ chữ nhỏ ghi tên từng người mà con hay tiếp xúc như “ông ngoại”, “chú”, “dì”... Ai đến chơi nhà, chị lại lấy tên người đó ra kẹp vào áo của khách để con nhìn thấy và chào hỏi, xưng hô đúng thứ tự.  
Khi Hiếu 7 tuổi, chị xin cho con vào học lớp 1 ở trường công lập. Nhưng, việc hòa nhập của con với các bạn bình thường rất khó khăn. Chị và một số mẹ trong câu lạc bộ cha mẹ có con bị tự kỷ lại rủ nhau “gom” các con lại thành một nhóm rồi thuê cô giáo chuyên biệt đến dạy. Hàng ngày các mẹ thay nhau trợ giảng cùng cô, nấu ăn cho các con, ghi chép sự tiến bộ và hành vi của các con. Nhiều bài học quá đơn giản với các trẻ bình thường như chào hỏi, biết xếp hàng trật tự để vào lớp, biết giơ tay phát biểu ý kiến… thì Hiếu và các bạn phải học nhiều tháng mới thành thạo.
Khi Hiếu lên cấp 2, nhận thấy mô hình nhóm không còn phù hợp, chị đã xin cho con ở nhà để hai mẹ con học cùng nhau. Chị dạy Hiếu cách đan len, thuê giáo viên dạy Hiếu chơi đàn piano, học mỹ thuật. Hiếu vẽ tranh rất đẹp. Tranh của Hiếu đã được triển lãm, có nhiều người mua về nhà treo và in thành lịch năm 2016. Cách đây 2 năm, khi Hiếu bước vào tuổi dậy thì, nhiều hành vi lại bùng nổ. Chị Mai Anh lại nuốt nước mắt vào trong, chạy vạy các nơi tìm các phương pháp mới để giúp con ổn định trở lại. Giờ đây Hiếu đã 16 tuổi, rất tự lập trong cuộc sống cá nhân.
Tình mẫu tử đã giúp chị Mai Anh vượt qua rất nhiều khó khăn, nỗ lực từng chút để đưa con từ bóng tối cô đơn bước ra thế giới của người bình thường.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn