Vậy, bạn sẽ nói gì khi khi nghe một người bạn kể cô ấy rất sợ chồng? Bạn ứng xử ra sao khi thấy những vết bầm tím trên tay đồng nghiệp hay khi biết chị gái bạn luôn bị anh rể la mắng?
Dưới đây là những điều bạn cần lưu ý khi tiếp xúc với những người bị bạo hành để tránh làm tình hình trở nên phức tạp hơn.
Nên nói gì?
Hãy lắng nghe cho dù bạn vẫn chưa biết phải trả lời thế nào. Điều đó phần nào đã giúp người trong cuộc giải tỏa được tâm lý. Những người phụ nữ sống chung với bạo lực gia đình cho biết rằng họ cảm thấy dễ chịu hơn khi có cơ hội để nói chuyện cũng như có hỗ trợ thiết thực về cảm xúc, đặc biệt từ người mà họ tin tưởng.
Có nhiều người không biết họ đang là nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình. Những điều họ đã trải qua, đặc biệt là các cảm giác như bị kiểm soát, ép buộc hay bạo hành tâm lý, tình cảm và tình dục nhiều khi nạn nhân cũng không gọi đúng tên của nó là "bạo lực gia đình". Vì vậy, trong những trường hợp này, bạn nên bắt đầu cuộc trò chuyện một cách nhẹ nhàng về những điều cần quan tâm. Hãy hỏi về những hành vi bạn nhận thấy ở người bị bạo hành. Chẳng hạn như "Dạo này ít gặp em nhỉ? Mọi chuyện vẫn tốt chứ?", hay "Chị thấy em hơi buồn đó? Có ai khiến em không vui à?", thậm chí là "Chị thấy lo cho em đó. Em có vẻ sợ ánh mắt chồng khi nhìn em".
Phản ứng của bạn sau khi nạn nhân thổ lộ thật sự rất quan trọng. Nếu không muốn cuộc trò chuyện kết thúc sớm thì bạn đừng nên đỗ lỗi hoặc đưa ra các các ý kiến tiêu cực về mối quan hệ của họ hay về người bạo hành. Thay vào đó, nên lắng nghe với thái độ cảm thông và tâm lí cởi mở. Điều quan trọng là hãy thể hiện bạn là người đáng tin cậy, quan tâm, lo lắng và muốn giúp đỡ họ.
Cần chuẩn bị gì?
Đối với nạn nhân, quyết định chấm dứt tình trạng bị bạo hành có thể cực kỳ khó khăn và mất nhiều thời gian. Vì vậy, người bị bạo hành thường tìm đến các chuyên gia để được hỗ trợ những gì cần chuẩn bị để giảm thiểu các rủi ro. Tuy nhiên, nếu nạn nhân cần lời khuyên từ những người quen biết thì bạn nên đưa ra những gợi ý sau để giúp đỡ họ:
+ Chuẩn bị sẵn những thứ quan trọng, bao gồm các vật dụng như hộ chiếu, giấy khai sinh, chìa khóa nhà hoặc xe hơi, tiền, thuốc men, một số quần áo và một vài món đồ chơi trẻ em. Hãy thu xếp sẵn chúng vào một túi, để ở nơi an toàn, phòng trường hợp cần rời đi nhanh chóng.
+ Lên kế hoạch rời đi, bao gồm gọi cho ai, đi đâu và làm thế nào để đến đó. Điều này rất quan trọng vì một kế hoạch cần rất nhiều thời gian để chuẩn bị.
+ Thỏa thuận một "tín hiệu" để có thể báo cho bạn khi họ gặp nguy hiểm và cần hỗ trợ gấp.
Bạn có thể giúp nạn nhân liên lạc với các tổ chức, dịch vụ hỗ trợ qua điện thoại, sắp xếp một cuộc hẹn để trao đổi. Thậm chí, có thể đề nghị họ đến ở nhà của bạn trong một thời gian ngắn, giúp họ chăm sóc con cái để họ có thời gian suy nghĩ, lên kế hoạch và nhận sự hỗ trợ.
Không nên làm gì?
Bạn không nên đỗ lỗi cho bên nào trong trường hợp được chia sẻ, đặc biệt là không nên trực tiếp chỉ trích nạn nhân. Điều quan trọng nhất là không gây áp lực cho họ, để họ tự đưa ra quyết định cho chính bản thân.
Giúp đỡ ai đó trong tình trạng bị bạo hành có thể là một quá trình dần dà, cho nên bạn cần kiên nhẫn. Một điều cần lưu ý là bạn không nên làm điều gì khiêu khích nạn nhân để giữ an toàn cho bạn cũng như tránh trường hợp họ bị kích động, khiến tình hình trở nên nghiêm trọng hơn.
Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn