Bán thóc đủ ăn mấy tháng để đưa con đi thi trong vài ngày

15:10 | 01/07/2015;
Không chỉ bán thóc mà cảnh các bậc phụ huynh lưng áo đẫm mồ hôi để đồng hành cùng con trong những ngày nắng nóng như đổ lửa ở trường thi khiến nhiều người không khỏi xót xa.

 

Ảnh minh họa - Ảnh: THANH HÙNG

Số thóc ăn mấy tháng không đủ tiêu... vài ngày

Xuống bến xe Giáp Bát (Hà Nội), anh Vũ Quốc Lợi (Trực Ninh, Nam Định), người nông dân lần đầu đặt chân đến Thủ đô, vã mồ hôi vì cái nóng hầm hập giữa “biển người” ở bến xe. Anh và con trai Vũ Văn Bách nhanh chóng đến bàn của nhóm sinh viên tình nguyện để nhờ tư vấn. Sự lo lắng, căng thẳng của anh dần tan biến khi anh và con trai được nhóm sinh viên đưa về điểm nhà trọ miễn phí ở Cầu Giấy, gần chỗ con trai anh thi.

Không có nhiều tiền (1,5 triệu đồng là số tiền khá lớn với gia đình thuần nông) nên trước khi đưa con đi thi, anh Lợi đã đặt ra nhiều phương án để 2 bố con có thể “xoay sở” trong 6 ngày ở Hà Nội. Cả vụ gặt được hơn 7 tạ thóc thì trước ngày thi, anh đã phải bán hơn 1 nửa số thóc đó. “Số thóc đó đủ gạo cho gia đình tôi ăn trong vài tháng, giờ cố xoay xở cho con trai đi thi trong vài ngày”, anh Lợi chia sẻ.

Chỉ trông vào 4 sào ruộng nên kinh tế gia đình anh Lợi tương đối khó khăn. Khoản chi lớn nhất mà vợ chồng anh thường lo lắng chính là... tiền học của con. Cứ đầu năm học mới, vợ chồng anh tất tả chạy ngược chạy xuôi để lo tiền cho 2 con ăn học. Con trai lớn đang học trường Cao đẳng nghề Nam Định cũng phải vay ngân hàng Chính sách xã hội 30 triệu đồng trong 3 năm học.

Nghe con trai trình bày phương án chỉ nộp 700 nghìn đồng cho 6 ngày tại Hà Nội, lại được các sinh viên đưa đón đến tận điểm thi, anh Lợi mừng lắm. Anh quyết định đưa con về Hà Nội để tận mắt xem nơi ăn, chốn ở của con. “Đến nơi, thấy con được ăn ở nơi sạch sẽ khiến tôi cũng yên tâm. Chỉ thương chúng phải thi trong những ngày hè nóng bức nhất, khi cái nóng hầm hập phả xuống căn phòng chứa mấy chục học sinh. Tuy nhiên, sự nhiệt tình của sinh viên tình nguyện khiến những phụ huynh như tôi cũng thấy an lòng”, anh Lợi cho biết.

Sau bữa cơm trưa ấm áp, anh Lợi không quên hỏi han, chuyện trò với các bạn mới của con. Anh dặn dò các sĩ tử nhớ đi ngủ sớm, bình tĩnh khi thi, ăn uống cẩn thận, đội mũ để tránh nắng... Yên tâm về chỗ ăn ở của con, nhưng anh Lợi vẫn không thôi lo lắng về kỳ thi “gộp” lần đầu tiên thực hiện này: “Giờ vợ chồng tôi chỉ biết lo cho con... từ xa. Mong con vượt qua kỳ thi quan trọng này bởi nếu không đỗ thì công sức 12 năm ăn học của con và của cả gia đình trở thành... công cốc”.

Không ngớt lo âu

Phụ huynh làm thủ tục đăng ký ở nội trú tại Ký túc xá trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: THANH HÙNG

Dù hôm nay, kỳ thi THPT quốc gia 2015 mới chính thức bắt đầu, nhưng hai mẹ con chị Ngô Thị Tựu (Hòa Bình) đã lên Hà Nội đăng ký chỗ ở ký túc xá trường ĐH Bách khoa Hà Nội từ 5 ngày trước. Chị Tựu thấp thỏm bởi sợ nếu chậm chân không thuê được phòng trọ, hoặc phải ở xa, lo cảnh tắc đường khi đi thi.

Chị Tựu cho biết: “Tôi thuê được chỗ ở tầng 4 ký túc xá với giá 35 nghìn đồng/người/ngày. Hai mẹ con là 70 nghìn đồng/ngày. Nhưng thời tiết nóng lắm, thuê 2 cái quạt, nhưng phòng vẫn nóng không chịu được”. Trước kỳ thi, những phụ huynh như chị Tựu cũng cảm thấy bồn chồn, hoang mang. “Chỉ biết động viên con cố gắng hết sức, có kết quả rồi chọn trường để đăng ký xét tuyển. Mọi năm thi tốt nghiệp THPT tại tỉnh thì thấy bình thường, nhưng năm nay gộp hai kỳ thi làm một, tôi lại có cảm giác lo hơn”, chị Tựu chia sẻ.

Nhà ở huyện Hoài Đức (Hà Nội), nhưng chị Nguyễn Thị Hoa lục đục chuẩn bị khăn gói từ 3 giờ sáng để đưa con lên cụm thi ĐH Công nghiệp Hà Nội do sợ tắc đường. “Cả gia đình cảm thấy rất lo bởi năm nay hai kỳ thi gộp lại làm một, chắc sẽ khó hơn. Chưa kể, cấu trúc đề thi cũng khác, chúng tôi sợ con bỡ ngỡ. Thi một lần thì bọn trẻ và các gia đình bớt vất vả, nhưng nếu chất lượng coi thi không đồng đều sẽ dẫn đến không công bằng với bọn trẻ”, chị Hoa nói.

Cảm thấy lo lắng nhưng Đặng Thị Ngân (THPT Lương Thế Vinh, Nam Định) cho rằng: Việc gộp hai kỳ thi làm một khiến em đỡ vất vả hơn nhiều. Nếu coi thi nghiêm ngặt thì sẽ công bằng hơn. Đề thi sẽ có 60% câu hỏi dễ nên em không áp lực chuyện đỗ tốt nghiệp mà áp lực chuyện phải đạt điểm cao”.

Ông Nguyễn Hữu Khôi, Giám đốc Trung tâm quản lý ký túc xá trường ĐH Bách Khoa Hà Nội: Năm nay trường ĐH Bách Khoa Hà Nội chuẩn bị 3.000 chỗ ở (với giá 35 nghìn đồng/người/ngày), tăng 2.000 chỗ so với năm ngoái. Trường cũng dành 300 chỗ ở miễn phí hỗ trợ các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những thí sinh và người nhà vì điều kiện nhà xa nếu đến trường sau 7h tối (quá giờ hành chính để có thể làm thủ tục ở ký túc xá), nhưng không quá 11h tối thì đội thanh niên tình nguyện sẽ linh hoạt bố trí chỗ ở qua đêm, sáng hôm sau làm thủ tục đăng ký.
Ông Phạm Văn Bổng, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Hà Nội: “Thí sinh cần đặc biệt lưu ý không được mang những vật dụng trái quy định vào phòng thi. Trong quá trình thi, nếu phạm quy, thí sinh không chỉ mất cơ hội vào đại học mà đánh rơi cả cơ hội tốt nghiệp THPT”.

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn