Bản yêu sách 6 điểm của nhân viên Google đình công phản đối lãnh đạo vì bê bối tình dục

10:36 | 02/11/2018;
Hàng nghìn nhân viên Google trên khắp thế giới tham gia đình công đã đăng tải một bản yêu sách có 6 điểm, trong đó bao gồm xóa bỏ bất công trong vấn đề lương bổng và cơ hội nghề nghiệp giữa nhân viên nam và nhân viên nữ, cũng như minh bạch hóa các thông tin liên quan đến quấy rối tình dục.
Ngày 1/11, hàng nghìn nhân viên Google trên khắp thế giới đã đình công để phản đối việc công ty này không xử lý thỏa đáng những cáo buộc quấy rối tình dục có liên quan đến các nhân vật lãnh đạo cấp cao trong tập đoàn này.
tuan-hanh-google-london-2.jpg
Đình công của nhân viên Google tại London (Anh quốc)

 

Cuộc đình công quy mô lớn bắt đầu tại trụ sở Google ở Tokyo (Nhật Bản), sau đó lan rộng đến các trụ sở khác của hãng công nghệ này trên khắp thế giới. Trong số các thành phố diễn ra đình công có Singapore, Zurich, London và Dublin với con số nhân viên tham gia lên đến hàng trăm người ở mỗi địa điểm.
 
"Tôi ở đây để phản đối nạn quấy rối tình dục nơi công sở và để đảm bảo rằng chúng ta không bảo vệ hay ủng hộ những kẻ quấy rối" - một người biểu tình nó.
 
tuan-hanh-google-zurich.jpg
Tuần hành ở Zurich (Thụy Sĩ)

 

Đại diện nhân viên đình công tại San Francisco cho biết: "Chúng tôi - những Googler - đứng lên cùng nhau để đấu tranh cho các quyền lợi, vì rõ ràng là giới lãnh đạo không bảo đảm điều này cho nhân viên ngay từ ban đầu".
 
Trong những năm qua, nhiều phụ nữ, những người thuộc giới LGBT, người khuyết tật... đã lên tiếng về các hành vi quấy rối và đối xử không công bằng khi làm việc tại Google. Tim Chevalier, cựu nam kỹ sư Google, còn bị đuổi việc vào năm 2016 sau khi lên tiếng chống lại hành vi phân biệt đối xử, quấy rối và trả đũa tại công sở.
 
tuan-hanh-google-3.jpg
Thông điệp "I walked out for a real change!"

  

"I walked out for a real change" (Tôi bước ra cho một sự thay đổi đúng nghĩa) là thông điệp của những người đình công, đa phần là phụ nữ, muốn gửi đến các lãnh đạo Google. "Chúng tôi không muốn mình không được tôn trọng nữa", Claire Stapleton, Giám đốc tiếp thị sản phẩm của YouTube, chia sẻ với New York Times. Cô là một trong những người đứng ra tổ chức sự kiện này với tên gọi Google Walkout for Real Change. "Google nổi tiếng về văn hóa công ty, nhưng thực tế, họ thậm chí không đáp ứng được các khái niệm cơ bản về sự tôn trọng, công lý và công bằng", nữ giám đốc này chia sẻ.
 
tuan-hanh-google-2.jpg
Khẩu hiệu biểu tình của giới nữ là "Đã đến lúc!" và "Quyền của người lao động là quyền của phụ nữ" nhằm chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở
 
 
Trong thời gian diễn ra đình công, các nhân viên của Google được khuyến khích rời bàn làm việc của mình và để lại một tờ giấy ghi dòng chữ: "Tôi hiện không có mặt ở bàn làm việc vì tôi đang đình công để thể hiện tình đoàn kết với các nhân viên khác trong việc phản đối nạn quấy rối tình dục, những hành vi không đứng đắn, sự thiếu minh bạch".
 
andy-rubin.jpg
Ông Andy Rubin bị cáo buộc xâm phạm tình dục

  

Cơn giận đã bùng phát trong Google vào tuần trước, liên quan đến việc "cha đẻ" Android - ông Andy Rubin - bị cáo buộc xâm phạm tình dục 1 nhân viên nữ. Google đã chi khoản tiền 90 triệu USD để kết thúc hợp đồng với Andy Rubin nhưng lại che giấu thông tin việc ông này bị buộc phải "ra đi" vì liên quan đến cáo buộc quấy rối tình dục. Việc này khiến các nhân viên bất bình.
 
Ngay sau đó, một nhân viên cấp cao khác tại bộ phận nghiên cứu cũng phải từ chức là ông Richard DeVaul. Người này được cho là có hành vi đụng chạm một nữ ứng viên khi phỏng vấn việc làm bất chấp sự kháng cự của nạn nhân.
 
sundar-pichai.jpg
Ông Sundar Pichai - Giám đốc điều hành của Google

  

Ông Sundar Pichai - Giám đốc điều hành của Google - đã lên tiếng mình là một người không dung túng cho hành vi tình dục không đứng đắn nơi công sở khi tuyên bố đã cho thôi việc tổng cộng 48 người, trong đó có 13 quản lý cấp cao của Google. "Tôi thấu hiểu sự giận dữ và thất vọng mà nhiều người trong các bạn đang cảm nhận. Tôi cũng cảm thấy điều đó và tôi cam kết sẽ đạt được bước tiến trong một vấn đề đã tồn tại từ rất lâu trong xã hội chúng ta cũng như tại chính Google", ông Pichai viết trong tâm thư gửi nhân viên của mình.
 
 

Yêu sách 6 điểm:

- Chấm dứt việc trả lương và nâng đỡ một số nhân viên không công bằng.

- Báo cáo rõ ràng, công khai về những vụ quấy rối tình dục đã xảy ra.

- Có quy định rõ ràng tại các văn phòng trên toàn cầu, về quy trình xử lý hành vi quấy rối tình dục khi nhận được báo cáo từ nhân viên (dù công khai hay ẩn danh).

- Quy trình báo cáo từ cấp giám đốc đến CEO và từ CEO đến ban quản trị phải nhanh chóng hơn.

- Sắp xếp cuộc gặp gỡ giữa đại diện nhân viên với ban quản trị.

- Chấm dứt việc phân xử một cách miễn cưỡng (forced arbitration) trong trường hợp quấy rối tình dục xảy ra đối với các nhân viên hiện tại và tương lai. ("Forced arbitration" là một thỏa thuận ràng buộc phổ biến ở Thung lũng Silicon, yêu cầu nhân viên ký kết mọi tranh chấp sẽ diễn ra nội bộ mà không cần nhờ đến tòa án).

 

Bản quyền thuộc phunuvietnam.vn