Màu áo hồng can đảm
Devi phải lấy một người bán kem từ năm 12 tuổi là sinh đứa con đầu lòng khi mới 15 tuổi. Vào năm 2005, Devi đã lập ra một nhóm phụ nữ là những người hoạt động xã hội tích cực, hiện giờ con số thành viên đã vượt quá 20.000 người, trong đó có cả những người ủng hộ là nam giới. Phong trào này có tên là “Gulabi gang” (Băng đảng hồng) bởi các thành viên của nhóm đều mặc áo sari màu hồng. Môn Lati (võ gậy Ấn Độ) được họ sử dụng để trừng phạt những người lạm dụng sức mạnh hoặc quyền lực.
Trong một buổi phỏng vấn, Devi giải thích với phóng viên về vị trí của “Gulabi gang”: Từ “Băng đảng” không nhất thiết phải là băng của tội phạm. Nó cũng có nghĩa là “đội”, “nhóm”. Băng đảng của chúng tôi đấu tranh vì công lý. Trong thời gian biểu tình ở các làng quê và thành phố, các thành viên của “Gulabi gang” thường hòa vào đám đông. Chúng tôi quyết định mặc một màu áo để dễ nhận ra hơn. Chúng tôi không muốn mình lẫn với những màu khác có liên quan đến các nhóm chính trị và tôn giáo. “Gulabi gang” chọn áo màu hồng, màu của cuộc sống. Điều đó cũng khiến nhà chức trách dễ dàng nhận ra chúng tôi”.
Sampat Pat Devi - người sáng lập 'Băng đảng hồng'
Phần lớn các thành viên của “Băng đảng hồng” đều nghèo, họ thuộc đẳng cấp thấp nhất là Dalits (tiện dân). Devi đã chỉ định 7 cấp phó quản lý 7 khu vực khác thuộc tỉnh Bundelkhanda để điều phối các hoạt động của nhóm.
Ban đầu, phong trào này được lập ra để hỗ trợ những người phụ nữ bị bạo hành trong gia đình nhưng hiện giờ nó đã hướng đến những vấn đề về bất bình đẳng và sự áp bức đối với phụ nữ. Theo số liệu của Liên hợp quốc, có đến 2/3 số phụ nữ Ấn Độ có chồng là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình. Ngoài ra, phụ nữ nước này vẫn phải đối mặt với những vấn đề khác, đó là tệ nạn “giết người vì danh dự”, bị cưỡng ép hôn nhân ở lứa tuổi còn rất nhỏ và những xung đột vì của hồi môn.
Mặc dù tình trạng bất bình đẳng giới rất phổ biến ở các nước đang phát triển, song tại Ấn Độ thì đó là một trong những hiện tượng bùng phát mạnh nhất. Sự bất bình đẳng giới bắt đầu được biểu hiện ngay từ khi cô bé còn ở trong bụng mẹ và tiếp diễn suốt cả cuộc đời sau đó. Một trong số những sự biểu hiện tàn bạo nhất là những ca nạo phá thai, nếu người ta biết rằng đứa trẻ sinh ra sẽ là gái. Theo số liệu của Quỹ Thomas Rater, Ấn Độ đứng thứ tư trong số những quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ.
Luyện tập võ gậy thường xuyên
Mày râu hào hứng tham gia
Danh sách dài dặc những cáo buộc hình sự đối với “băng đảng hồng” đã không làm cho nhóm chùn bước: nào là bị kết tội tổ chức các cuộc họp bất hợp pháp, tấn công nhằm vào các quan chức chính phủ, cản trở các quan chức làm nhiệm vụ. Có những lúc cả nhóm đành phải ẩn giấu để tự bảo vệ. Tuy nhiên, hoạt động của nhóm đang thu hút một số lớn những người phụ nữ trẻ và trung niên, số người ủng hộ nhóm vẫn đang tăng lên.
“Băng đảng hồng” đã nổi tiếng vào năm 2006, ngay sau khi được thành lập ít lâu. Một lần Devi nghe thấy tiếng khóc của một phụ nữ bị chồng đánh đập. Bà đã yêu cầu người chồng đó dừng lại nhưng anh này còn quay sang đánh cả bà. Devi đã cùng với 5 người phụ nữ khác “dạy” anh ta bằng món võ Lati của mình cho đến khi người chồng đó phải cầu xin tha tội. Sau khi được biết về vụ việc, nhiều phụ nữ trong làng của bà đã quyết định tham gia phong trào.
'Băng đảng hồng' lên phim Bollywood
Vào năm 2008, các thành viên của nhóm đã tấn công những quan chức của Sở điện lực địa phương. Sở này đã thường xuyên cúp điện và chỉ đóng điện sau khi các quan chức chủ chốt được cung cấp dịch vụ sex và nhận hối lộ. Cầm trong tay những chiếc Lati, những người phụ nữ của nhóm đã xông vào Sở kiểm soát và việc cấp điện đã được khôi phục sau đó 1 giờ.
Suốt vài năm sau đó, “Băng đảng hồng” đã ngăn chặn được nhiều cuộc tảo hôn, buộc cảnh sát phải ghi nhận nhiều trường hợp bạo hành gia đình. Kết quả của những hoạt động đó là vinh quang của “Băng đảng hồng” đã vượt ra khỏi làng quê và hiện nay, băng của Devi đang hoạt động ở các thành phố như Meerut, Banda Bidzhnor và những vùng khác của miền Bắc Ấn Độ.
Poster giới thiệu về 'Băng đảng hồng'
Mặc dù hoạt động của “Băng đảng hồng” chủ yếu để bảo vệ phụ nữ, song ngày càng có thêm nhiều người đàn ông tham gia các cuộc biểu tình của băng này. Ví dụ: 7.000 người đàn ông ở thành phố Banda đã yêu cầu được tham gia hỗ trợ băng của Devi trong việc phát động chính quyền bồi thường mùa màng bị thất thu. Hiện nay, các thành viên của “Băng đảng hồng” ngày càng ít phải dùng đến gậy Lati. Devi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn tờ Hindustan Times: “Sức mạnh thực sự không phải ở những cây gậy. Sức mạnh nằm ở số lượng của “băng đảng”. Đến một ngày nào đó chúng tôi sẽ đủ khả năng làm chấn động cả Delhi”.